Bác sĩ CKII Hồ Cao Cường chia sẻ, sau khi sinh bao lâu thì có kinh nguyệt trở lại là câu hỏi được nhiều mẹ thắc mắc. Vậy câu trả lời là gì? Hãy lắng nghe những chia sẻ của chuyên gia sản phụ khoa để hiểu hơn về vấn đề này.
Tác giả bài viết: Bác sĩ CKII Hồ Cao Cường - Sản phụ khoa - Bệnh viện Mỹ Đức (Thành phố Hồ Chí Minh) |
BS CKII Hồ Cao Cường - Bệnh viện Mỹ Đức |
Sau sinh bao lâu thì có kinh?
Thực tế, không có một con số cụ thể để trả lời cho câu hỏi này mà tùy thuộc vào cơ địa của mỗi người cũng như việc có nuôi con bằng sữa mẹ hay không.
Có nhiều phụ nữ, khi sinh em bé xong phải mất rất lâu thời gian đèn đỏ mới xuất hiện trở lại. Nhưng lại có một số phụ nữ, nguyệt san xuất hiện khá sớm trong thời kỳ cho con bú. Điều này là hoàn toàn bình thường và tùy thuộc vào cơ thể, việc cho con bú và hoàn cảnh riêng của từng sản phụ.
Thông thường, nếu mẹ không cho bé bú thì kinh nguyệt sẽ thường trở lại từ 4-8 tuần sau khi sinh.
Còn nếu mẹ đang cho con bú và nuôi bé bằng sữa mẹ hoàn toàn, thì điều này sẽ trì hoãn sự trở lại của “đèn đỏ” đến khi mẹ bắt đầu ngưng hoặc giảm mức độ cho bé bú.
Những người cho con bú sẽ có vòng kinh muộn hơn do chất prolactin là 1 loại nội tiết kích thích tiết sữa, nó có tác dụng làm ức chế rụng trứng do đó làm chậm chu kỳ kinh. Việc nuôi con bằng sữa mẹ sẽ làm giảm tần số rụng trứng khoảng 1/3 so với bình thường. Chỉ có 15% phụ nữ có kinh trở lại sau 6 tuần.
Nhưng đây cũng không phải là một quy luật đúng với tất cả phụ nữ. Kinh nguyệt vẫn có thể xuất hiện trở lại sớm hơn ở một số mẹ. Rất nhiều phụ nữ nghĩ rằng máu ra sau khi sinh là máu kinh. Tuy nhiên đây là chất lưu còn lại trong tử cung thoát ra ngoài. Thời gian ra máu sau sinh thường 1 – 2 tuần, nếu ra máu kéo dài hơn thì nên đến bác sĩ để kiểm tra.
Chu kỳ kinh nguyệt của mẹ sau sinh
Sau khi sinh và cho con bú, cơ thể người mẹ sẽ có một số những thay đổi nội tiết làm cho chu kỳ kinh nguyệt trở nên không đều và thậm chí là không có kinh. Những thay đổi nội tiết này bao gồm sự tiết prolactin khi cho con bú, prolactin là 1 nội tiết do tuyến yên tiết ra làm cho trứng không phát triển nên không tiết ra estrogen và progesterone dẫn đến nội mạc tử cung không phát triển và không bong ra theo chu kỳ nên sẽ không có máu kinh xuất hiện.
Sau khi sinh và cho con bú, cơ thể người mẹ sẽ có một số những thay đổi nội tiết làm cho chu kỳ kinh nguyệt trở nên không đều. Ảnh minh họa
Ngay cả sau khi kinh nguyệt đã xuất hiện một vài chu kỳ đầu tiên ở phụ nữ thì nó vẫn có thể không đều do hệ thống nội tiết chưa trở về “thói quen cũ”.
Thậm chí những chu kỳ này có thể khác hẳn với các chu kỳ trước khi chị em có con. Những thay đổi của các chu kỳ kinh nguyệt không đều sau khi mẹ có em bé này có thể tiếp tục thay đổi vô thời hạn hoặc thậm chí thay đổi vĩnh viễn tuy nhiên điều này hiếm khi xẩy ra.
Việc chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ thay đổi sau khi sinh là hoàn toàn bình thường. Đối với một số mẹ, lượng kinh nguyệt có thể sẽ nhiều hơn sau khi sinh. Trong khi kinh nguyệt của những mẹ khác lại ít hơn và không kéo dài lâu.
Chu kỳ của mẹ có thể sẽ chưa trở về trạng thái điều hòa ngay sau sinh do sự rụng trứng không đều. Tuy vậy điều này chỉ là do phản ứng của cơ thể và thường phụ thuộc vào cơ địa của mỗi người.
Chuyên gia khuyến cáo
Nếu mẹ đang cho con bú, thậm chí nguyệt san chưa xuất hiện thì vẫn có thể bị rụng trứng. Vì vậy, nó có thể chứa đựng những yếu tố rủi ro có thể mang thai lại. Thực tế có nhiều mẹ sau sinh chờ mãi không thấy có kinh, đi khám bác sĩ thì đã có thai và thai đã lớn rồi.
Một số mẹ đang cho con bú thường sử dụng sự mất kinh khi cho con bú như là một phương pháp tránh thai, và lời khuyên của bác sĩ là không nên áp dụng phương pháp này vì yếu tố rủi ro cao do đó các mẹ nên đến tái khám bác sĩ sản khoa sau sinh 1 tháng đến 6 tuần để các bác sĩ tư vẫn phương pháp ngừa thai cho phù hợp mỗi đối tượng.
Việc chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ thay đổi sau khi sinh là hoàn toàn bình thường. Ảnh minh họa
Tình huống nếu con của các mẹ dưới sáu tháng tuổi và được cho bú sữa mẹ hoàn toàn trong cả ngày và đêm. Mẹ khó có khả năng mang thai sớm trong giai đoạn này. Nhưng nếu cho con bú sữa mẹ không hoàn toàn thì mẹ nên cẩn trọng. Mẹ có thể bắt đầu thời kỳ nguyệt san của mình một lần nữa vào bất cứ thời điểm từ 6 tuần – 8 tuần nếu mẹ không cho con bú, còn nếu mẹ cho bé yêu bú thì kinh nguyệt sẽ có trở lại muộn hơn cỡ 2 - 3 tháng sau khi sinh.
Và 1 điều các chị em nên lưu ý rằng cơ thể của mình sẽ rụng trứng khoảng hai tuần trước khi nguyệt san đến. Cho nên sẽ an toàn hơn nhiều nếu phụ nữ sau sinh hãy sử dụng ngay một biện pháp ngừa thai hiệu để loại bỏ hết những nguy cơ mà sẽ làm chị em có thể thụ thai ngay cả trước khi các mẹ đã có nguyệt san đầu tiên sau sinh nở.
Việc lựa chọn phương pháp ngừa thai, các chuyên gia sản khoa sẽ dựa vào cơ địa, hoàn cảnh, công việc, nhu cầu sinh hoạt tình dục của mỗi chị em mà có 1 phương pháp khác nhau...