Bác sĩ Lê Tiểu My (Bệnh viện Mỹ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh) sẽ giải đáp những thắc mắc phổ biến của mẹ bầu liên quan đến những thay đổi khi có thai.
Những thay đổi nào ở ngực được xem là bình thường khi có thai?
Ngực căng hơn, to hơn, hơi đau nhẹ, đầu nhũ hoa sẫm màu hơn, cuối thai kỳ có thể có dịch vàng như sữa. Nếu thấy sưng, đau tức, đỏ một vùng ngực…bạn cần đi khám ngay.
Ngực có những thay đổi rõ rệt khi mang bầu. (ảnh minh họa)
Tiết sữa non khi mang thai có bình thường không?
Sữa non là “sản phẩm” của nhiều thành tố: prolactin, progesterone, lactogen của bánh nhau… Ba tháng đầu thai kỳ ít gặp, hay thấy xảy ra ở 3 tháng cuối. Nhiều mẹ bầu lo sợ tiết sữa non sớm sau sanh sẽ bị ít sữa, điều này không đúng. Nếu cho bé bú mẹ đúng cách, không quá căng thẳng, hầu hết sữa sẽ đủ cho bé tăng trưởng và phát triển.
Tại sao phụ nữ bị tăng sắc tố da khi mang thai?
Những vùng da sậm màu xuất hiện trong thai kỳ liên quan đến một loại nội tiết kích thích melanin. Một số tài liệu giải thích do tăng progesrerone và estrogen (cũng là những nội tiết tố). Những vùng da hay bị thay đổi màu sắc (sậm màu hơn) là đầu ti, nách, bụng… và hay gặp là lằn nâu dài ở bụng. Vì liên quan đến nội tiết khi có thai nên hầu hết sẽ giảm sau khi sanh. Để hạn chế những vùng nhạy cảm như ở mặt, bạn cần hạn chế vùng da tiếp xúc nắng gắt (từ 11-16 giờ hàng ngày). Cẩn thận khi sử dụng các sản phẩm điều trị không phải chỉ định của bác sĩ.
Cảm giác tim đập nhanh khi có thai có bình thường không?
Khi có thai, thể tích máu trong cơ thể mẹ có thể tăng 30-50%, điều này song hành với việc nhịp tim tăng 10-20 nhịp/phút. Sự thay đổi này cao nhất khi thai khoảng 20-24 tuần, và trở về bình thường khoảng 6 tuần sau sinh.Vì hệ tim mạch hoạt động tăng lên nhiều như vậy, đôi khi bạn cảm thấy tim đập nhanh, cảm giác hồi hộp. Nếu chỉ thoáng qua và không kèm đau đầu, khó thở thì không đáng ngại.
Nếu cảm thấy nhức đầu, khó thở, mắt nhìn không rõ… bạn nên đến bệnh viện khám ngay để bác sĩ kiểm tra cho bạn. Những dấu hiệu này liên quan đến một bệnh lý nguy hiểm trong thai kỳ, đó là tiền sản giật.
Khi có thai, thể tích máu trong cơ thể mẹ có thể tăng 30-50%, điều này song hành với việc nhịp tim tăng 10-20 nhịp/phút. (ảnh minh họa)
Rụng tóc khi mang thai có bình thường?
Tóc cũng như nhiều bộ phận khác trong cơ thể, đều chịu nhiều thay đổi khi mang thai. Bạn dễ bị gàu hơn, và thấy rụng tóc nhiều. Nếu tóc rụng khoảng 60-100 sợi mỗi ngày cũng được xem là bình thường, nếu >40% tóc (gần nửa tóc trên đầu) bạn cần đi khám. Tình trạng này có thể kéo dài 1-5 tháng sau sinh, và có khi hơn 1 năm sau mới phục hồi. Tiếc là cho đến nay vẫn chưa có phương pháp điều trị nào được chứng minh là có hiệu quả.
Tại sao có thai nên đi khám răng?
Chăm sóc răng miệng là một phần quan trọng trong chăm sóc sức khoẻ của bà mẹ mang thai. Nướu dễ chảy máu, đau nhức răng… cũng hay gặp. Thêm nữa, khi bị nghén nhiều, nôn ói nhiều cũng có thể ảnh hưởng men răng (do acid trong dịch vị). Vì vậy, sau nôn, bạn nên súc miệng thật sạch bằng nước, nếu nôn nhiều có thể pha baking soda (bán rất nhiều trong siêu thị) để trung hoà acid, bảo vệ răng.
Khi bị đau nhức răng, bạn cần đến bác sĩ Nha khoa để được khám và điều trị. Bạn nhớ thông báo cho bác sĩ rằng mình đang có thai để được chỉ định các loại thuốc an toàn.
Tại sao có thai hay bị đau lưng và điều trị như thế nào?
Hơn 50% thai phụ than phiền vì đau nhức lưng khi có thai. Việc đau nhức này gây khó chịu, nhất là về đêm, nhiều khi đau không ngủ được. Tử cung to, căng cơ… đều góp phần gây đau.
Để giảm đau, ban đầu có thể chườm (nóng hay lạnh tuỳ thích), massage, mang giày thấp, êm chân để thuận tiện di chuyển. Nếu đau nhiều ảnh hưởng sinh hoạt có thể dùng giảm đau paracetamol.
Hiện nay có nhiều sản phẩm hỗ trợ thú vị như gối ngủ cho bà bầu, đai bụng…nếu không tìm mua được thì cách đơn giản là khi ngủ, bạn ôm một cái gối to, mềm giữa hai chân, thêm một cái gối thật mềm đỡ dưới bụng.
>> XEM THÊM: Vì sao mẹ bầu nên cạo lông vùng kín trước khi đi đẻ? Và đây là 4 lý do!