Bé sơ sinh với "vòng cổ đặc biệt" là 5 vòng dây rốn quấn cổ kèm vòng quanh tai vừa được các bác sĩ đón chào đời an toàn.
Thông tin từ Trung tâm Y tế huyện Hải Hà, Quảng Ninh cho biết, mới đây khoa Phụ sản tiếp nhận thai phụ N.T.T ( 28 tuổi) vào viện trong tình trạng thai 38 tuần 5 ngày, mang thai lần thứ 2 có vết mổ đẻ cũ được chỉ định mổ do có dấu hiệu chuyển dạ.
Kíp mổ khoa Sản ,Trung tâm Y tế Hải Hà đã mổ bắt con trong ca sinh đặc biệt với 5 vòng dây quấn cổ, quanh tai
Trong quá trình mổ, kíp phẫu thuật phát hiện thai nhi có 5 vòng dây rốn quấn cổ kèm 1 vòng quanh vai. Kip mổ đã nhanh chóng bắt thai "giải cứu" em bé khỏi chiếc "vòng cổ đặc biệt" này. Bé gái 2800g chào đời khỏe mạnh, hồng hào, khóc to.
Sau mổ, sức khỏe của mẹ và bé đều ổn định và được các bác sĩ tiếp tục theo dõi điều trị tại trung tâm.
Bé gái sơ sinh với vòng cổ đặc biệt chào đời nặng 2,800 gram
Bác sĩ chuyên khoa Sản, TTYT Hải Hà, Quảng Ninh cho biết: Dây rốn quấn cổ là hiện tượng sinh lý bình thường hay gặp trong 3 tháng cuối của thai kỳ, phần lớn sẽ không ảnh hưởng gì cho thai. Tuy nhiên, nếu dây quấn cổ quá nhiều vòng hoặc quá chặt, quá trình vận chuyển máu và dinh dưỡng nuôi thai nhi sẽ bị cản trở nên khả năng cao thai nhi sinh nhẹ cân, thiếu máu, thậm chí là tử vong trong bụng mẹ… Trường hợp như của thai phụ T quấn 5 vòng là rất hiếm gặp và rất may đã được mổ kịp thời.
Ở những tháng đầu tiên của thai kỳ, việc di chuyển của thai nhi trong bụng mẹ là rất dễ dàng. Do đó sẽ xuất hiện việc dây rốn dài và quấn quanh người em bé. Không chỉ vậy, việc bé di chuyển trong buồng tử cung còn có thể khiến cho dây rốn tự cuốn vào nhau tạo thành các nút thắt nguy hiểm.
Ở các tháng cuối của thai kỳ, thai nhi sẽ quay đầu từ từ xuống dưới để chuẩn bị chào đời. Lúc này dây rốn mềm và trơn nên rất dễ bị quấn vào em bé. Khi dây rốn quấn vào người bé thì cũng có khả năng dây rốn sẽ tự tháo được, tuy nhiên cổ là một bộ phận nhạy cảm vì đây là một khe hẹp giữa vai và đầu, do đó nhiều trường hợp bé không thể tự tháo mà càng di chuyển làm dây quấn càng chặt hơn.
Việc mẹ lao động quá sức hay thường xuyên vận động được xem là nguyên nhân chính khiến dây rốn quấn quanh cổ em bé. Khi mẹ gắng sức, em bé sẽ có xu hướng quay đầu xuống dưới, việc này sẽ làm tăng khả năng dây rốn quấn vào cổ bé. Do vậy mẹ hãy chú ý vận động nhẹ nhàng trong thai kỳ, tránh các hoạt động quá sức. Mẹ cần nghỉ ngơi nhiều hơn.
Mẹ bị dư ối hay đa ối cũng là một nguyên nhân khiến bé bị dây rốn quấn cổ, đặc biệt là trong các tháng cuối thai kỳ. Có nhiều em bé có dây rốn dài hơn bình thường nên tình trạng bị dây quấn cổ là khá cao.