Dù bác sĩ có nói mang thai chỉ còn 40% cơ hội sống thì chị Thu cũng không chần chừ lựa chọn mang sinh linh thứ 2 đến với thế giới này.
Phần 1: Nỗi đau của mẹ Nha Trang đẻ con ra không dám nhìn mặt
5 năm tìm con lần đầu đầy nước mắt, chịu đủ đớn đau có lẽ là quá đủ với một người phụ nữ. Vậy nhưng, số phận dường như vẫn muốn trêu đùa, dày vò chị Trần Thái Thu (Nha Trang) khi hành trình có con lần thứ 2 của chị còn kéo dài và nhiều chông gai hơn nữa.
Trong suốt cuộc trò chuyện, chị Thu luôn nhấn mạnh và nhắc đi, nhắc lại về “ý chí và sự quyết tâm” bởi 2 điều này đã giúp chị vượt qua tất cả sóng gió của cuộc đời, những ám ảnh mất con trước đó, để đón nhận niềm hạnh phúc làm mẹ lần 2.
Chị Trần Thái Thu và con trai thứ 2.
Nỗi đau đớn 10 lần sảy thai
Ngồi dựa lưng vào ghế, đưa ánh mắt ra bên ngoài cửa sổ, chị Thu trầm ngâm khi thước phim quay chậm trong đầu mình dừng lại ở tuổi 35. Thời điểm đó, chị phát hiện toàn bộ nhân xơ trong dạ con to, có thể phải cắt toàn bộ tử cung. Thế nhưng khao khát có con lần 2 cùng với nhà không có điều kiện, phải làm đủ thứ nghề tay chân để nuôi con, chị đã giấu mọi người tất cả, một mình chịu đựng rồi đi tìm thuốc ở chùa uống.
Có lẽ thời điểm từ 35 - 43 tuổi là giai đoạn sóng gió nhất của cuộc đời chị bởi không chỉ bệnh tật liên tiếp ập đến mà chị còn phải chịu đau đớn giằng xé với 10 lần mất con.
8 năm đó, chị phải nhận 10 vết sẹo trong tim với 10 lần sảy thai liên tiếp. Không chỉ vậy, những vết thương khắp người của bệnh tật khi bị thoái hóa đốt sống cổ, thoát vị toàn bộ đĩa đệm, phỏng nước sôi, điện giật nằm viện hơn một tháng... càng khiến chị đau đớn gấp bội, phải từ bỏ ước mong có con lần 2.
Ung thư toàn bộ tuyến giáp, mổ đốt xương sống, làm những thứ thấp nhất để kiếm sống nuôi con mặc dù có học nhưng tôi thấy mình vẫn may mắn và hạnh phúc vì có một đứa con. Tôi nhìn những người khác khó khăn, không bằng mình nhưng họ vẫn nở nụ cười và điều đó làm tôi có động lực hơn.
Trần Thái Thu - Eva.vn
“Từ khi 35-43 tuổi, tôi sảy thai gần chục lần, lần nào có cũng sảy, bác sĩ nói khả năng cắt dạ con cao nhưng khao khát có con tôi vẫn cháy bỏng dù bác sĩ nói trị xạ con có thể bị Down.
Mỗi một lần mất con lại là một lần đau đớn. Sảy thai đối với một người mẹ là bình thường nhưng với tôi đau đớn gấp trăm ngàn lần bởi những lần đó tôi lại nhớ đến đứa con gần 7 tháng tuổi mà vẫn rời xa mình.
8 năm đó, tôi cũng trải qua không biết bao chuyện. Năm 37 tuổi, tôi phỏng nước sôi toàn bộ cánh tay phải, bị điện giật nữa phải nằm viện 1 tháng. Tôi thấy mình quá may mắn, điện giật, bỏng nước sôi nhưng tôi không chết.
Năm 38 tuổi, tôi vào bệnh viện Sài Gòn mổ đốt sống cổ C3, C4 bất động một thời gian dài. Sau đó không có tiền mổ nữa nên tôi nghe lời một giáo sư ở viện về lấy hoa đu đủ non ép cho mật ong uống. Cứ thế thời gian trôi qua.
Bệnh tật đến khiến đôi lúc tôi từ bỏ khao khát có con lần 2, lao vào đi động viên các bà mẹ có hoàn cảnh như mình, đi hiến trứng cho các gia đình hiếm muộn, hiến nhóm máu O của mình cho mọi người và đi giúp đỡ những người khó khăn”, chị Thu trải lòng.
Để có được bé thứ 2, chị đã phải trải qua rất nhiều nỗi đau.
Gần chục lần sảy thai là gần chục vết thương trong lòng chị Thu. Những tưởng con số ấy sẽ nhấn chìm hy vọng được làm mẹ lần 2 của chị nhưng không đó lại là động lực khiến khao khát đó của chị càng ngày càng cháy bỏng hơn. Sau gần 15 năm, chị đã được thỏa nguyện làm mẹ lần 2 ở tuổi 43.
Quyết làm mẹ lần 2 dù chỉ có 40% cơ hội sống và lời nhắn nhủ đến các bà mẹ
Thời điểm đó, chị Thu đã vượt qua được được những nghịch cảnh, những ám ảnh của quá khứ, chấp nhận đương đầu với nó. Chị quyết định đi tìm, uống tất cả các loại thuốc để có con.
Thế nhưng đối với chị, để có được tiếng cười trẻ thơ lần thứ 2 trong nhà, ngoài ý chí, sự quyết tâm, điều quan trọng nhất là sự giúp đỡ của bác sĩ Nhật - người luôn động viên chị suốt chặng đường mang thai cũng như chăm sóc thai kỳ bằng tấm lòng y đức của mình.
Bác sĩ nói với căn bệnh của tôi có thai đã quá kiệt tác rồi còn giữ được cái thai đó là một kiệt tác lớn hơn nữa.
Trần Thái Thu - Eva.vn
“Tôi có bầu nhưng Bệnh viện tỉnh Khánh Hòa khuyên tôi bỏ đứa bé đi vì nhân xơ không thể giữ được. Tôi có thể băng huyết trên bàn sinh bất cứ lúc nào, nếu cứu được cũng bị tai biến.
Sau đó tôi lên Sài Gòn khám bác sĩ Hồ Quang Nhật ở bệnh viện Từ Dũ. Bác sĩ đưa ra tất cả các trường hợp tôi đều chấp nhận hết, chỉ cần bác sĩ nói tôi có 40% cơ hội sống.
Bác sĩ nói với tôi rằng “Có cần như vậy không?”. Tôi khóc và xin bác sĩ hãy giúp tôi giữ lại đứa bé. Tôi đã chạm vào tất cả nỗi đau rồi nên tôi không muốn từ bỏ. Khi đó, bác sĩ nói tôi có 50% cơ hội sống. Tôi biết bác sĩ không nói hết và có rất nhiều rủi ro nhưng tôi vẫn chấp nhận giữ dù có thế nào", chị Thu tâm sự.
Hai chàng trai của cuộc đời chị.
Với căn bệnh của mình, bác sĩ chuẩn đoán mọi khả năng xấu, hơn 70% phải cắt dạ con nên 9 tháng 10 ngày mang thai đối với chị như “ngồi trên đống lửa”, luôn thấp thỏm lo âu.
Lúc nào chị cũng đánh vào bụng rồi liên tục đi siêu âm xem tình hình con. Thậm chí chị không dám ăn bất kỳ đồ ăn gì ở ngoài.
Đừng từ bỏ mà phải chấp nhận vượt qua. Tôi hối hận vì mình không vượt qua được sớm, ám ảnh chuyện mất con nên mãi về sau mới có lại.
”Và cuối cùng khoảng thời gian mang thai như “ác mộng” đối với chị cũng đã trôi qua. Chị hạnh phúc đón chào chàng trai thứ 2 đến với gia đình mình. Niềm hạnh phúc nhân đôi hơn khi mọi rủi ro bác sĩ đưa ra khi mang thai đều không xảy ra và chị đã làm lên một kiệt tác, một kỳ tích của cuộc đời mình.
“Con người không phải hơn nhau ở tiền bạc mà hơn nhau ở ý chí. Ý chí lớn lao giúp mình vượt qua, chấp nhận đối đầu với tất cả. Tôi muốn gửi lời nhắn nhủ đến những người phụ nữ, những gia đình hiếm muộn rằng hãy lạc quan và luôn nghĩ mình làm được, hãy đối mặt với sự thực, chấp nhận và vượt qua chúng giống như tôi.
Những bà mẹ hãy luôn biến nghịch cảnh thành những cơ hội cho dù là nhỏ nhất. Đừng chùn bước vì đó là thiên chức liêng liêng duy nhất mà tạo hóa đã tạo ra cho mình”, chị Thu mỉm cười.
Chia sẻ của bác sĩ Hồ Quang Nhật về hành trình mang thai đặc biệt của chị Trần Thái Thu Kể về quá trình chăm sóc thai kỳ và ca sinh của chị Thu, Bác sĩ Hồ Quang Nhật cho biết, khi mới biết có thai, chị Thu đã đến tìm anh. Do chị đã từng sảy thai và lưu thai nhiều lần, hơn nữa lại nhiều bệnh tật, anh đã cố gắng hết sức mình để động viện cũng như giúp chị và bé an toàn. "Mỗi lần chị đến khám, tôi hồi hộp lắm và mừng cho chị vì vẫn giữ được bé và thấy bé lớn dần lên. Trước mỗi lần siêu âm, tôi đều cầu trời để thấy được tim thai của chị vì điều đó rất quan trọng. Quá trình mang thai của chị, nhiều lần tôi cũng lo lắng, sợ chị ấy chịu không nổi và có thể sinh non, sợ chị nhược giáp ảnh hưởng đến phát triển thai, rồi sợ u xơ to lên chèn ép thai làm thai bị dị tật và sợ nhất là thai lưu", bác sĩ Nhật chia sẻ. Theo đánh giá của bác sĩ Nhật, ca sinh của chị là một ca rất khó, tiên lượng mất máu và có thể phải cắt bỏ tử cung. Hơn nữa, cơ thể chị mập, nhiều bệnh nên rất nguy hiểm. Bên cạnh đó, chị đã trải qua nhiều lần mổ nên có khả năng dính ruột, bàng quang và có thể phải truyền máu. Tuy nhiên, do tiên lượng được, tổ chức kíp mổ tốt nhất nên ca sinh thành công, mẹ tròn con vuông. “Cũng may mắn giữ được tử cung cho chị và không bị mất máu hay ảnh hưởng cơ quan khác. Em bé chào đời đủ tháng, nặng 3,8kg”, bác sĩ Nhật chia sẻ. |