Hai ngày sau, bà vội vã lên thẳng viện chăm sóc tôi. Dù đang mệt lả sau ca sinh nở, tôi vẫn hồi hộp chờ xem phản ứng của bà.
Ở tuổi 36, tôi vừa sinh thêm một cô công chúa nữa. Lẽ ra vợ chồng tôi dự định chỉ dừng lại ở hai con, nhưng vì mong có một cậu con trai cho có nếp có tẻ, tôi quyết định cố thêm lần nữa. Không ngờ, số phận sắp đặt, tôi vẫn chỉ sinh toàn con gái.
Lần mang thai này, do đã lớn tuổi, không còn trong độ tuổi ưu sinh nên sức khỏe tôi yếu hơn trước rất nhiều. Ba tháng đầu, tôi bị ra máu, bác sĩ chẩn đoán có nguy cơ dọa sảy, khiến tôi hoang mang lo sợ. Tôi phải nằm yên một chỗ, uống thuốc dưỡng thai và cầu mong con khỏe mạnh. Đến khi qua được giai đoạn nguy hiểm, tôi mới dám thở phào nhẹ nhõm.
Chồng tôi là con trai duy nhất trong nhà, trên anh có hai chị gái và một cô em út đang học đại học. Tuy nhiên, trong mắt bố mẹ, các chị em anh lúc nào cũng được cưng chiều hết mực. Mỗi cuối tuần, hai chị gái đều đưa chồng con về chơi, còn cô út thì được ba mẹ nâng niu như báu vật.
Ngay cả tôi - con dâu trong nhà - cũng được bố mẹ chồng đối xử rất tốt. Ông bà luôn quan tâm, bênh vực mỗi khi vợ chồng tôi xảy ra mâu thuẫn. Hai con gái đầu của tôi dù là cháu nội nhưng chưa bao giờ bị phân biệt với cháu ngoại. Ngược lại, ông bà còn chăm sóc chúng rất chu đáo. Bà nội lo nấu nướng, ông nội chải tóc, buộc nơ cho các cháu trước khi đi học. Mỗi lần ông bà đi đâu về cũng không quên mua quà đúng sở thích của chúng.
Dù bố mẹ chồng chưa bao giờ nhắc đến chuyện phải sinh con trai, nhưng bản thân tôi vẫn cảm thấy áp lực. Vì thế, trước khi mang thai lần này, tôi tìm hiểu đủ cách để sinh con trai. Tôi cho chồng uống tinh chất hàu, hạn chế ăn đậu, chọn đúng thời điểm trứng rụng để thụ thai. Nhưng rồi đến tuần thứ 13, khi bác sĩ thông báo:
"Lại một cô công chúa nữa nhé mẹ!", tôi chưng hửng đến mức bật khóc ngay trong phòng khám.
Ra về, tôi giấu nhẹm chuyện giới tính của con, chỉ nói với mọi người rằng bác sĩ chưa tiết lộ. Dù không ai trong gia đình chồng thúc ép, nhưng tôi vẫn lo lắng không biết phản ứng của họ sẽ thế nào.
Ngày tôi nhập viện sinh con, mẹ chồng bận về quê giỗ tổ nên không có mặt. Hai ngày sau, bà vội vã lên thẳng viện chăm sóc tôi. Dù đang mệt lả sau ca sinh nở, tôi vẫn hồi hộp chờ xem phản ứng của bà.
Khi bà nhẹ nhàng vén tã để thay lót cho cháu, tôi nín thở. Thế nhưng, trái ngược với nỗi lo của tôi, bà bỗng reo lên đầy vui vẻ:
"Ôi, công chúa của bà đây rồi! Yêu quá đi mất!".
Tôi sững người, vừa ngạc nhiên vừa xúc động. Bà vẫn niềm nở, trò chuyện vui vẻ với cháu mà không hề tỏ ra thất vọng vì đó là một bé gái.
Sau khi tôi về nhà, có vài người đến thăm vô tình buông lời khuyên:
"Cố thêm đứa nữa đi, phải có thằng cu cho đủ nếp đủ tẻ".
Nhưng mẹ chồng tôi lập tức đáp lại:
"Thôi, ba đứa cháu gái là quá đủ rồi. Con dâu tôi đâu phải gà mái mà bắt đẻ hoài. Con bé 36, 37 tuổi rồi, lần này mang thai cũng vất vả hơn 2 lần trước. Sức đâu mà đẻ thêm. Hơn nữa phụ nữ cũng cần được nghỉ ngơi, giữ sức khỏe nữa chứ!".
Lời nói của bà khiến tôi ấm lòng vô cùng. Tôi không ngờ mẹ chồng lại có tư tưởng thoáng đến vậy. Nhìn cách bà chăm bẵm, nâng niu con gái tôi, tôi biết rằng dù không sinh được con trai, tôi vẫn được yêu thương và trân trọng trong gia đình này. Và với tôi, như thế là đủ.
Phụ nữ sinh con sau tuổi 35: Cần chuẩn bị những gì để có thai kỳ khỏe mạnh?
Nếu bạn quyết định sinh con sau tuổi 35, việc chuẩn bị tốt cho thai kỳ và sức khỏe tổng thể là rất quan trọng để đảm bảo một thai kỳ khỏe mạnh. Dưới đây là một số điều mà bạn có thể chuẩn bị:
- Kiểm tra sức khỏe tiền sản: Trước khi mang thai, nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia sản khoa để tiến hành kiểm tra sức khỏe tổng thể và chuẩn bị kỹ càng cho thai kỳ sắp tới. Bác sĩ có thể đề nghị bạn tiến hành các xét nghiệm, kiểm tra để đảm bảo rằng bạn đủ khỏe mạnh để mang thai…
- Đảm bảo chế độ ăn uống lành mạnh: Một chế độ ăn uống cân bằng và giàu chất dinh dưỡng là rất quan trọng trong thai kỳ. Bạn nên tăng cường tiêu thụ các loại thực phẩm giàu chất sắt, axit folic, canxi cùng nhiều dưỡng chất thiết yếu khác. Trong lần khám sức khỏe tiền sản, bạn có thể đề nghị được tham vấn với chuyên gia dinh dưỡng để xây dựng một kế hoạch ăn uống phù hợp với nhu cầu.
- Vận động thể chất đầy đủ để duy trì cơ thể khỏe mạnh: Thói quen hoạt động thể chất đều đặn làm tăng sức khỏe tổng thể, có sự chuẩn bị tốt cho thai kỳ. Tuy nhiên, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về các loại hình thể dục phù hợp với tình trạng sức khỏe của bản thân.
- Bổ sung axit folic: Axit folic là một chất quan trọng để giúp phòng ngừa khuyết tật ống thần kinh ở thai nhi. Bạn nên đi khám để bổ sung axit folic trước và trong thai kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Quản lý tốt tình trạng sức khỏe hiện có: Nếu có bất kỳ vấn đề sức khỏe nào như đái tháo đường, huyết áp cao hoặc bất kỳ bệnh mãn tính nào khác, bạn cần đi khám để được điều trị và kiểm soát hiệu quả trước khi mang thai. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để theo dõi và quản lý tình trạng y tế hiện có.
- Điều chỉnh lối sống theo : Tránh các yếu tố gây hại như hút thuốc lá, uống rượu và sử dụng các chất gây nghiện khác. Bên cạnh đó, bạn cũng cần hạn chế tiếp xúc với các chất độc hại và tác nhân gây ô nhiễm.
- Tìm hiểu thông tin về thai kỳ và chăm sóc sau sinh: Đọc và tìm hiểu về các giai đoạn thai kỳ, dấu hiệu và triệu chứng khi mang thai để biết đâu là dấu hiệu bất thường cũng như các biện pháp chăm sóc sau sinh. Điều này sẽ giúp bạn có sự chuẩn bị tốt nhất cho quá trình mang thai và làm mẹ sắp tới.