Một nghiên cứu khoa học mới đây được tiến hành bởi Đại học Newcastle, top 20 trường Đại học tại Anh quốc, đã khiến không ít ông bố "giật mình".
Trong suốt thai kì, em bé và mẹ có sự liên hệ mật thiết, không chỉ về dinh dưỡng, mà còn cả về cảm xúc, tâm trạng. Bởi vậy, những thứ tác động tích cực đến tâm trạng của bà bầu cũng có những hiệu ứng đáng kinh ngạc đến sự phát triển của em bé, chẳng hạn như sự quan tâm của bố dành cho mẹ bầu.
Mới đây, một kết quả nghiên cứu mới được công bố từ Đại học Newcastle, một trong 20 đại học top đầu của Vương quốc Anh đã khiến không ít ông bố phải "tự vấn lương tâm". Theo nghiên cứu này, chồng càng quan tâm vợ bầu, em bé sẽ càng thông minh và vui vẻ, bởi lẽ, khi nhận được nhiều sự chăm sóc từ chồng, mẹ sẽ có được tinh thần lạc quan, vui vẻ. Cảm xúc, tâm trạng tích cực từ mẹ sẽ "truyền" tới thai nhi, kích thích các tế bào của thai nhi phát triển mạnh hơn.
Chồng càng quan tâm vợ bầu, em bé càng thông minh và vui vẻ hơn (Ảnh minh họa)
Không chỉ vậy, một số nghiên cứu khoa học khác cũng đã kết luận rằng, những em bé được bố yêu thương, vỗ về từ trong bụng mẹ sẽ có trí thông minh cao hơn, cũng như năng động hơn so với các bạn ít được nhận sự quan tâm từ bố. Theo đó, một số dạng tương tác tích cực giữa bố và thai nhi sẽ giúp kích thích sự phát triển kĩ năng cũng như năng lực nhận thức của em bé.
1. Hôn bụng bầu và trò chuyện với em bé hàng ngày
Nụ hôn hay những cái ôm đã được khoa học chứng minh về tác dụng giảm stress, cải thiện tâm trạng. Với thai nhi cũng vậy, nếu bố thường xuyên ôm, hôn bụng mẹ hay tâm sự, khiến mẹ được thư giãn, thoải mái, bé sẽ nhận được những tín hiệu tích cực, nhận biết được âm thanh bên ngoài, phát triển trí tuệ cũng như hình thành sự kết nối tình cảm với bố mẹ.
Nếu bố thường xuyên ôm, hôn và tâm sự với bụng bầu của mẹ, thai nhi cũng sẽ nhận được những tín hiệu tích cực, kích thích não bộ phát triển. (Ảnh minh họa)
2. Cho bé nghe nhạc mỗi ngày
Âm nhạc có tác dụng vô cùng tích cực đối với sự phát triển trí não của bé. Đây cũng được coi là một phương pháp hiệu quả giúp cải thiện tâm trạng cho mẹ bầu, đặc biệt là những loại nhạc có âm hưởng nhẹ nhàng, với âm lượng vừa phải. Những loại nhạc có tiết tấu mạnh, âm thanh lớn dễ ảnh hưởng đến thính giác cũng như dễ khiến bé giật mình, khó chịu.
3. Chăm chỉ đi dạo cùng vợ
Bầu bí khiến cơ thể mẹ mệt mỏi, đau nhức. Bởi vậy, các chuyên gia vẫn thường khuyến khích mẹ thực hiện các bài tập đơn giản, nhẹ nhàng như đi dạo bộ, vừa luyện tập nhẹ nhàng, vừa giúp mẹ cải thiện tâm trạng khi hít thở không khí trong lành. Do đó, các bố có thể tranh thủ thời gian rảnh đưa mẹ dạo mát, cùng tâm sự sẽ giúp tăng cường tương tác giữa bố mẹ, thắt chặt tình cảm vợ chồng, đồng thời kích thích tích cực đến sự phát triển của em bé.
4. Chăm sóc vợ từng bữa ăn, giấc ngủ
Bố nên chú ý hơn đến chế độ ăn hàng ngày của mẹ bầu để đảm bảo mẹ bầu ăn uống hợp lí, đủ chất (Ảnh minh họa)
Bầu bí là giai đoạn hết sức nhạy cảm. Những thay đổi của cơ thể khiến mẹ yếu đuối hơn, vì thế, mẹ rất cần nhận được những chăm sóc tỉ mỉ từ bố để sức khỏe và tâm trạng luôn trong trạng thái tốt nhất.
Đặc biệt, bầu bí nghén ngẩm có thể khiến mẹ đảo lộn thói quen ăn hàng ngày, ăn uống thiếu khoa học, hợp lí. Vì thế, bố nên để tâm hơn đến bữa ăn hàng ngày của mẹ, để đảm bảo mẹ và bé luôn có được đủ chất dinh dưỡng.
5. Chịu khó xắn tay làm việc nhà
Như đã nói ở trên, mang thai khiến mẹ mệt mỏi, sức khỏe suy giảm. Vì thế, bố nên chủ động giúp đỡ mẹ làm việc nhà, đặc biệt là những việc phải tiếp xúc với khói bụi hay hóa chất, để tránh tác động tiêu cực đến sức khỏe của mẹ và bé. Nhờ đó, mẹ sẽ được nghỉ ngơi, cũng như có tâm trạng tích cực hơn hẳn, rất tốt cho sự phát triển của em bé.
Cảm xúc vui vẻ, tích cực của mẹ sẽ truyền tín hiệu đến thai nhi, kích thích sự phát triển của các tế bào (Ảnh minh họa)
6. Không chê vợ
Mang bầu chắc chắn là một trong những cách nhanh nhất khiến mẹ chóng "tàn phai nhan sắc" do những thay đổi về nội tiết, mẹ có thể sẽ gặp phải tình trạng sạm da, mụn, tăng cân...Sự thay đổi tiêu cực về ngoại hình sẽ khiến mẹ tự ti và nhạy cảm hơn hẳn. Chính vì thế, bố nên tinh tế hơn khi chú ý đến cảm xúc của mẹ, và hạn chế chê mẹ để tránh mẹ tủi thân, suy nghĩ hay buồn bã, ủ dột, thậm chí có thể là trầm cảm.