Câu nói được người xưa đúc kết “Trai chăm vợ đẻ gầy mòn" thật chẳng sai chút nào.
Vì thương vợ, mong con mà ngày nay hầu hết các ông chồng đều tình nguyện “tay xách nách mang” theo vợ đi đẻ và chăm sóc vợ những ngày ở bệnh viện. Tuy nhiên, việc chăm sóc bà đẻ từ xưa đã không thuộc thiên chức của người đàn ông. Vì vậy không thể trách vì sao họ rất vụng về. Mặc dù đã cố gắng khéo léo hết mức có thể nhưng những việc làm của họ không khỏi khiến những bà vợ vừa bực, vừa thương.
Được chồng chăm - vẫn bực!
Kể lại chuyện những ngày đi đẻ chị Mai Hương (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: “Vì mình đẻ sớm so với ngày dự sinh tới hơn 2 tuần nên ông bà nội ngoại hai bên đều chưa lên Hà Nội kịp. Thế là hai vợ chồng đành tự đưa nhau đi đẻ. Hồi đó mình bị vỡ ối, không có cơn đau nên phải đến bệnh viện gấp. Đáng nhẽ ra lúc ấy mình mới là người lo sợ thì không hiểu sao anh xã còn lóng ngóng hơn mình. Mình nhờ làm việc gì anh xã cũng cuống lên chẳng thể làm nổi. Đến lúc tới bệnh viện làm hồ sơ cấp cứu, cũng chính mình cứ phăm phăm đi làm mọi thủ tục. Lúc ấy bực lắm nhưng càng nói nhiều thì anh xã càng cuống như kiểu anh sắp đẻ đến nơi vậy.
Khi mình được chỉ định sinh mổ, anh chỉ biết đứng ở ngoài chờ đợi mà chẳng chuẩn bị gì. Đến khi con yêu chào đời, y tá đưa con ra cho anh bế anh mới tá hỏa vì chẳng biết bế con làm sao, chẳng biết cho con ăn thế nào. Lúc ấy anh mới gọi điện cho chị gái đến bệnh viện gấp.
Về đến phòng hậu sản còn nhiều chuyện vừa bực mình vừa buồn cười hơn. Vì mình không được mẹ chăm sóc nên mọi việc vệ sinh cá nhân đều phải nhờ đến anh xã. Ấy thế mà hôm đó mình nhờ anh thay bỉm cho vì mình chưa thể ngồi dậy được. Vừa nhìn thấy máu anh đã nôn thốc nôn tháo rồi chạy ra ngoài để mình nằm tơ hơ trên giường. Lúc đó bực lắm nhưng chẳng thể làm được gì. Cũng may còn có chị chồng ở đó.”
Ngày nay hầu hết các anh chồng đều tình nguyện đưa vợ đi đẻ. (ảnh minh họa)
Cũng được chồng đưa đi đẻ, chị Phạm Hoa (Hà Đông, Hà Nội) nhớ lại: “Ôi nghĩ lại những ngày đi đẻ ở bệnh viện mình không khỏi buồn cười. Chồng mình vốn là người cực ham ngủ, chỉ cần đặt lưng xuống là có thể ngủ bất cứ lúc nào. Mấy ngày chăm vợ đẻ, chồng buồn ngủ quá thế là mang cả chiếu đến bệnh viện để trải dưới sàn nhà ngủ vì bệnh viện không có chỗ ngủ cho người nhà bệnh nhân. Bực nhất là đến đêm mình đau vết mổ đã khó ngủ anh còn ngáy như sấm khiến mình cả đêm không ngủ nổi. Đến lúc con khóc đòi ăn, mình lấy chân đạp anh dậy thì anh cứ ôm lấy chân mình rồi vỗ vỗ hát ru, trong khi con thì cứ khóc toáng lên. Cảnh ấy vừa bực vừa buồn cười vô cùng.
Vốn mình bị ít sữa nên mẹ đã bảo chồng về nấu cháo móng giò đến cho mình ăn. Anh vâng dạ nghe lời, khoảng 3 giờ sau chồng mang đến một bát cháo với cái móng giò còn nguyên chưa chặt ra từng miếng nhỏ. Nhìn bát cháo mình đã không muốn nuốt rồi. Lúc đó mình giận lắm, tự trách sao mình có thể lấy một ông chồng vụng về đến thế.”
Nhưng cũng thương lắm ý!
Nói bực là bực thế nhưng nếu được hỏi các mẹ muốn được ở cạnh ai nhất trong giây phút chuyển dạ đón con yêu chào đời và những ngày sau sinh, chắc chắn đến 90% trong số họ không ngần ngại chọn chồng. Các mẹ luôn tự hào mà nói rằng dù chồng có vụng về, luống cuống, không biết chăm con, chăm vợ nhưng chỉ cần chồng có mặt bên cạnh thôi đã là nguồn động viên vô bờ bến rồi.
Chị Mai Hương kể tiếp câu chuyện đi đẻ của mình: “Nói là giận thế thôi nhưng nhìn chồng vất vả long đong chăm vợ cũng xúc động lắm ý. Đúng là người xưa nói “trai chăm vợ đẻ gầy mòn” chẳng sai chút nào. Mình mới sinh được khoảng 4 ngày mà nhìn ông xã hốc hác hẳn. Chắc anh phải sụt mất 2-3kg do ngày ngày long đong chạy hết chỗ này để mua đồ đạc đến chỗ kia gọi bác sĩ thông hút sữa cho mình.
Vốn là người sợ máu nhưng vì mẹ chỉ nên chăm mình được 1 tuần còn từ đó chỉ có hai vợ chồng tự chăm nhau nên anh cũng từ từ học cách chăm sóc hai mẹ con mình từ việc vệ sinh vết mổ cho mình đến việc thay tã, bỉm cho con. Đến giờ thì anh làm mọi việc lành nghề lắm rồi. Ngày đó ban ngày anh vẫn phải đi làm, tối về lại phải cơm nước, rồi đêm đến còn sữa bỉm, trông con những lúc con dậy chơi đêm, thấy thương anh lắm lắm!”
90% phụ nữ đều muốn được ở cạnh chồng trong giây phút chuyển dạ đón con yêu chào đời và những ngày sau sinh. (ảnh minh họa)
Nhiều khi rất bực với cái thói ham ngủ của chồng nhưng chị Phạm Hoa cũng không khỏi xúc động mỗi lần nghĩ đến cảnh anh xã tất tưởi chạy từ bệnh viện về nhà, rồi lại từ nhà đến bệnh viện chỉ để nấu cho vợ bát cháo vì không tin tưởng cháo ngoài hàng, hay lấy hộ vợ một bộ quần áo… Mà nhà anh chị thì cách bệnh viện đến 15km hỏi sao không mệt. Chị tự hào nói: “Suốt 5 ngày ở viện, một mình anh lo cơm nước cho mẹ con mình. Ham ngủ là thế nhưng lần nào mình gọi dậy để cho con ăn hay bế con anh cũng không nỡ từ chối. Chỉ có điều cứ mắt nhắm mắt mở có khi vừa bế con vừa ngủ gật, trông thương lắm. Thương chồng mình hỏi có mệt không thì anh bảo không mệt tí nào, chỉ thèm ngủ một ngày một đêm liền cho đã”.
Mình nghĩ mình cũng may mắn lấy được anh chồng tuy hơi vụng về một chút nhưng lại rất mực yêu thương vợ con. Cũng có chị nằm cùng phòng đẻ với mình mà đêm đến chồng toàn trốn về nhà ngủ. Ban ngày cũng đến bế con một lúc rồi lại đi luôn. Lúc ấy càng thấy yêu chồng mình thế.”, chị Hoa nói thêm.