Có nhiều nguyên nhân dẫn đến ngứa da khi mang thai và một trong số đó có nguy cơ dẫn đến thai chết lưu.
Gần đây, một người phụ nữ tên Hoa Hoa (sống tại Hoài Nam, Trung Quốc) đã chia sẻ kinh nghiệm "nhớ đời" của mình vì coi nhẹ những triệu chứng bất thường khi mang thai.
Bắt đầu từ tháng thứ 4 của thai kỳ, Hoa Hoa thấy tay mình thỉnh thoảng bị mẩn đỏ và ngứa. Cô lo lắng và kể với mẹ chồng nhưng bà cho rằng đó là hiện tượng bình thường, khi mang thai chồng Hoa Hoa bà cũng thường bị vậy nhưng mọi chuyện vẫn ổn. Sau khi nghe lời khuyên của mẹ chồng, Hoa Hoa cũng mặc kệ triệu chứng ngứa này mà không đi khám thêm.
Ban đầu chỉ ngứa tay chân nhưng sau đó Hoa Hoa thấy ngứa cả người và phần bụng bầu.
Một tuần sau đó, Hoa Hoa thấy lòng bàn tay và lòng bàn chân của mình bỗng ngứa rát không chịu nổi, sau đó cả cơ thể bắt đầu ngứa ngáy. Không còn cách nào khác nên cô cùng chồng đến bệnh viện khám.
Lời kết luận của bác sĩ khiến hai vợ chồng Hoa Hoa hết sức ngạc nhiên, cô bị ứ mật thai kỳ, một căn bệnh không gây ảnh hưởng nhiều đến mẹ bầu nhưng có thể dẫn đến hiện tượng thai chết lưu. May mắn được phát hiện và điều trị kịp thời nên thai của Hoa Hoa chưa gặp biến chứng gì.
Từ câu chuyện trên có thể thấy, ngứa da khi mang thai không hề đơn giản. Đây có thể là biểu hiện của những bệnh sau đây.
Ứ mật thai kỳ
Ứ mật thai kỳ, còn có tên gọi khác là ứ mật sản khoa hay ứ mật trong gan thai kỳ thường xảy ra trong 3 tháng cuối thai kỳ. Trong những trường hợp hiếm gặp, các triệu chứng còn xuất hiện ở 3 tháng giữa thai kỳ.
Triệu chứng: bị ngứa và đỏ ở lòng bàn tay, lòng chân, đôi khi xuất hiện cả ở bụng và đùi. Hiện tượng ngứa này thường không rõ nguyên nhân và cũng diễn ra không thường xuyên. Có khi mẹ bầu thấy đỡ nhưng vài hôm sau lại ngứa nghiêm trọng hơn và đặc biệt thường xảy ra vào ban đêm. Một vài triệu chứng khác là vàng da, nước tiểu sẫm màu và phân bạc màu.
Ứ mật thai kỳ khiến bà bầu bị ngứa chân, tay. (Ảnh minh họa)
Hậu quả: Ứ mật thai kỳ hầu như không gây hại cho mẹ ngoài việc bị ngứa ngáy khó chịu hoặc nặng lắm là chảy máu, xước xát da do gãi ngứa nhiều.
Tuy nhiên, hội chứng này dễ đến nhiều biến chứng nguy hiểm cho thai nhi như sinh non tháng, chảy máu não, thai chậm phát triển hoặc nhiễm trùng nước ối. Nghiêm trọng hơn, hội chứng này có thể dẫn đến thai chết lưu. Thậm chí sau khi sinh, tỉ lệ tử vong của bé cũng rất cao.
Vì vậy khi nghi ngờ mình đang bị ứ mật thai kỳ, mẹ bầu nên đến bệnh viện xét nghiệm máu ngay để đề phòng trường hợp xấu nhất xảy ra.
Bệnh sẩn ngứa
Triệu chứng: Người nổi những nốt tròn cỡ hạt đậu, nhô lên và hơi cứng. Những nốt ngứa này có thể xuất hiện ở khắp cơ thể, gây cảm giác ngứa, nóng rát và thậm chí là sốt. Đây là bệnh tự miễn dịch nên thường sau sinh sẽ tự khỏi. Tuy nhiên, mẹ chủ quan với bệnh này dễ dẫn đến mãn tính, sau này sẽ thường xuyên bị lại.
Những nốt đỏ nổi lên khi bị sẩn ngứa. (Ảnh minh họa)
Các bác sĩ khuyên mẹ mang thai bị bệnh này nên đi khám ngay, chú ý tắm rửa sạch sẽ, hạn chết ăn đồ cay và sử dụng thuốc theo đơn nếu cần.
Ngứa do khô và rạn da
Ngoài những nguyên nhân bệnh lý, da khô và bị rạn khi mang thai cũng có thể khiến mẹ bầu bị ngứa da. Trường hợp này, mẹ bầu sẽ thường thấy ngứa ở bụng, ngực, mông và những phần bị sưng phù.
Thường xuyên thoa kem dưỡng da giúp mẹ bầu chống rạn và ngứa da. (Ảnh minh họa)
Ngứa do khô và rạn da thường không cần điều trị đặc biệt, sau khi cơ thể trở lại kích cỡ bình thường thì sẽ tự hết. Nó cũng không gây hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu mẹ bầu thường xuyên gãi vào những vết rạn da thì sau sinh vùng da đó sẽ để lại sẹo. Vì vậy, mẹ bầu có thể đề phòng ngứa bằng cách thường xuyên cấp ẩm cho da bằng các loại kem hoặc tinh dầu.