Chế độ ăn uống, chiều cao, các bệnh của người mẹ có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.
Thai nhi chậm phát triển là sự hạn chế lớn lên của bào thai trong tử cung mẹ. Trên thực tế, 60% số ca tử vong ở thai nhi liên quan đến vấn đề sinh thiếu cân hoặc là kết quả của việc thai nhi chậm phát triển. Vậy nguyên nhân của hiện tượng này là do đâu?
Có rất nhều nguyên nhân có thể khiến thai nhi chậm phát triển như:
Thai nhi không nhận đủ oxy và chất dinh dưỡng
Nguyên nhân đầu tiên có thể kể đến khiến thai nhi chậm phát triển trong tử cung là do em bé không nhận được đủ oxy và chất dinh dưỡng từ cơ thể mẹ. Điều này có thể bắt nguồn từ những nguyên nhân như mẹ mang bầu đa thai (mang bầu đôi hoặc ba…), tiền sản giật hoặc các vấn đề về nhau thai.
Bất thường bẩm sinh
Một nguyên nhân nữa có thể kể đến là do thai nhi bị dị tật bẩm sinh hoặc khiếm khuyết nhiễm sắc thể ở thai nhi. Điều này cũng khiến em bé chậm phát triển hơn bình thường.
Chế độ ăn uống, chiều cao, các bệnh của người mẹ có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. (ảnh minh họa)
Người mẹ mắc bệnh khi mang thai
Trong thời gian mang bầu, nếu người mẹ bị nhiễm các loại virut như rubella, giang mai hoặc bệnh toxoplasmosis cũng có thể khiến thai nhi chậm phát triển.
Chế độ ăn uống thiếu dinh dưỡng
Nếu mẹ có thói quen, lối sống “nghèo nàn” khi mang thai như thiếu dinh dưỡng, lạm dụng thuốc, hút thuốc lá, nghiện rượu cũng là nguyên nhân khiến em bé chậm phát triển hơn bình thường.
Những nguyên nhân này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng của thận, gây cao huyết áp, rối loạn đông máu và các bệnh tim mạch khác.
Mẹ quá nhẹ cân
Trọng lượng của mẹ dưới 45kg cũng có thể làm giảm tỷ lệ tăng trưởng của thai nhi và khiến em bé chậm phát triển hơn những em bé có bà mẹ cao hơn.
Bất thường ở dây rốn
Nếu dây rốn thai nhi gặp bất thường hoặc nước ối quá ít cũng có thể làm tăng nguy cơ em bé chậm phát triển.
Một em bé cũng có thể bị hạn chế phát triển trong tử cung mẹ nếu:
- Người mẹ bị bệnh lupus trước đó.
- Người mẹ đã từng mang thai em bé chậm phát triển.
- Mang thai ở tuổi vị thành niên.