Nhiều chị em phải trải qua rất nhiều nỗi khổ thầm kín khi chứng kiến cơ thể thanh xuân ngày nào giờ đây “xuống cấp trầm trọng”.
Đối với một số người, việc mang bầu hầu như không ảnh hưởng đến nhan sắc trừ chuyện tăng cân. Vậy nhưng cũng có không ít chị em phải trải qua rất nhiều nỗi khổ thầm kín khi chứng kiến cơ thể thanh xuân ngày nào giờ đây “xuống cấp trầm trọng”. Vậy nhưng, dù có xấu xí đến mức nào, tất cả những người mẹ đều sẽ nguyện hy sinh để được có con trong đời.
Mọc lông bụng
Thời kỳ mang thai, một số mẹ bầu bỗng “tá hỏa” khi nhận ra vùng bụng của mình bỗng mọc lông đen “rậm rạp” như đàn ông. Rõ ràng đây là một tình huống khiến rất nhiều chị em ngại ngùng vì trông mình thậm chí còn “nam tính” hơn cả chồng. Tuy nhiên, lý do của nó đơn giản chỉ là do thay đổi hormone cơ thể, một triệu chứng hết sức bình thường đối với phụ nữ mang thai.
Xuất hiện đường chỉ nâu dọc bụng
Nếu như chỉ có một vài mẹ bầu bị mọc lông bụng khi mang thai thì hầu như đa số chị em đều sẽ thấy xuất hiện đường chỉ nâu dọc bụng, béo dài từ rốn dọc tới gần vùng kín. Với một vài trường hợp, đường này kéo dài lên trên rốn và chạy dọc tới tận khung xương sườn. Đường chỉ nâu này có thể mờ và mảnh, cũng có thể đen, sậm và có độ rộng lên tới 1-2cm.
Đường sọc nâu này được gọi tên khoa học là “linea nigra” . Thực tế, mỗi người phụ nữ đều có sẵn một đường linea nigra. Tuy nhiên, đường này khi bình thường có màu trắng, tương đồng với màu da. Khi mang thai, lượng hooc-môn estrogen tăng lên sẽ khiến cơ thể sẽ sản sinh ra nhiều sắc tố đen melanin, khiến đường linea alba trở nên sẫm màu.
Đen cổ và vùng dưới cánh tay
Làn da sáng sủa mịn màng thời con gái nay bỗng trở nên đen sạm, một số khu vực nhạy cảm như cổ, nách thậm chí còn thâm lại, hằn vạch đen như lâu ngày không tắm khiến nhiều mẹ bầu mặc cảm. Nguyên nhân chính cho hiện tượng này là do từ tháng thứ tư trở đi, bào thai và nhau thai tiết ra một lượng lớn hormone, làm tăng hắc tố melanin, khiến da sẫm màu.
Sở dĩ tình trạng đen sạm trông rất "bẩn" này xuất hiện nhiều ở các vị trí dễ nhận thấy trên cơ thể như cổ hay nách là vì đây những vùng da này rất mỏng, tổ chức dưới da lỏng lẻo nên dễ lắng đọng sắc tố đen. Cũng do da mỏng, các sắc tố đen ở đây dễ lộ ra hơn ở các vùng da khác.
Đây chỉ là một hiện tượng sinh lý bình thường. Sau khi sinh, những vết đen này sẽ giảm dần và biến mất.
Rạn da
Những vết rạn da thường hình thành trong thời gian mang thai khi trọng lượng cơ thể tăng quá nhanh, khiến da không kịp phát triển để thích nghi. Mô liên kết dưới da (được tạo bởi các sợi collagen và elastin, giúp da đàn hồi) bị căng giãn quá mức rồi đứt gãy, tạo thành các vết lõm dài, nhiều nhánh trông như rễ cây và cuối cùng để lại các vết rạn chằng chịt trên da. Tăng cân đều nhưng chậm có thể làm giảm nguy cơ bị rạn da.
Mũi nở
Mang thai khiến các mạch máu phình ra, tăng áp lực và từ đó khiến nhiều mẹ bầu bị nở mũi, mũi sưng to đặc biệt là vào những tháng cuối. Vì chiếc mũi ảnh hưởng rất nhiều đến sự cân đối trên gương mặt, một số người hay nói mang bầu bị “phá nét” cũng là do mũi nở. Thậm chí, nhiều chị em còn có thể gặp phải hiện tượng chảy máu mũi thai kỳ do các mạch máu ở mũi nở quá to dẫn đến bị vỡ.
Quầng vú to, sẫm màu
Nhiều phụ nữ mang bầu tiết lộ họ cảm giác quầng vú của mình ngày càng thâm và dường như lan rộng ra gần hết cả bầu vú? Sự thay đổi nội tiết tố cơ thể là tác nhân chính chịu trách nhiệm cho tình trạng này. Thậm chí sau khi sinh, quầng vú của một số chị em có thể vẫn không “trắng” lại như cũ, và ít nhất, sẽ chỉ thu nhỏ đi sau khi mẹ ngừng cho con bú.