Nhận định về trường hợp sinh sớm của Harriet, các bác sĩ đều cho rằng, nếu cô không chuyển dạ sớm hơn dự định thì khối u chưa chắc đã được chẩn đoán kịp thời để phát hiện sớm và điều trị tốt căn bệnh ung thư.
Cô Harriet, 32 tuổi dự kiến sinh con vào ngày 1/10/2022. Thế nhưng vào ngày 1/7, sản phụ này đã bị đau bụng dữ dội. Sau khi nhập viện 20 phút, cô đã sinh con gái Maddison nặng hơn 1kg.
Do con sinh sớm 12 tuần nên bé Maddison nhỏ tí xíu. Sau vài phút được bế con trong lòng, cháu bé đã được chuyển vào phòng chăm sóc đặc biệt.
Sau ba ngày ở bệnh viện, vợ chồng Harriet đã trở về nhà chăm sóc hai cậu con trai 4 và 2 tuổi. Còn bé Maddison vẫn nằm trong khoa sơ sinh để điều trị nhiễm trùng vùng bụng và bổ sung vitamin do sinh non.
Do con sinh sớm 12 tuần nên bé Maddison chỉ nặng 1kg. (Ảnh minh họa)
Tuy nhiên khi về nhà, bà mẹ này vẫn cảm thấy đau dữ dội ở vùng bụng bên phải nên nhân chuyến đến thăm con tại Bệnh viện Broomfield (Essex, Anh), Harriet quyết định đi kiểm tra sức khỏe.
Sau khi siêu âm vùng chậu, các bác sĩ phát hiện khối u trong buồng trứng của Harriet. Ngay lập tức, họ cho biết bà mẹ này cần phải thực hiện hóa trị 2 tuần/ lần để điều trị. Và đợt hóa trị đầu tiên của Harriet bắt đầu vào ngày 29/8.
Hiện bé Maddison đã về nhà vào ngày 19/9 và nặng 4kg, sức khỏe ổn định. Sản phụ này cũng đang vượt qua những ngày hóa trị khó khăn và nóng lòng được đón Giáng sinh ở nhà cùng gia đình.
Nhận định về trường hợp sinh sớm của Harriet, các bác sĩ đều cho rằng, nếu cô không chuyển dạ sớm hơn dự định thì khối u chưa chắc đã được chẩn đoán kịp thời để phát hiện sớm và điều trị tốt căn bệnh ung thư. Bản thân Harriet cũng luôn tin con gái mới chào đời sớm đã cứu mạng mình.
Ai có nguy cơ mắc ung thư buồng trứng cao nhất?
Ung thư buồng trứng là một loại ung thư ảnh hưởng đến một hoặc cả hai buồng trứng của phụ nữ. Nói chung, tỷ lệ bệnh nhân mắc ung thư buồng trứng không nhiều. Tuy nhiên, vì ung thư buồng trứng thường không được phát hiện cho đến khi bệnh ở vào giai đoạn tiến triển, nên đây được xem là bệnh ung thư phụ khoa gây tử vong hàng đầu ở Hoa Kỳ.
Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư buồng trứng bao gồm:
- Phụ nữ trên 50 tuổi
- Thừa cân, béo phì
- Người bị lạc nội mạc tử cung
- Có người thân bị ung thư buồng trứng hoặc ung thư vú.
Triệu chứng khi bị ung thư buồng trứng?
Nhiều triệu chứng của ung thư buồng trứng rất khó nhận biết vì giống với các tình trạng như hội chứng ruột kích thích. Thậm chí có người nhầm tưởng vết sưng là biểu hiện của việc mang thai. Những điều cần chú ý bao gồm:
- Bụng sưng to
- Đầy hơi liên tục
- Cần đi tiểu thường xuyên
- Khó chịu ở vùng bụng hoặc vùng chậu
- Nhanh no
Xét nghiệm sàng lọc ung thư buồng trứng
Xét nghiệm sàng lọc là các xét nghiệm được thực hiện khi bệnh chưa có biểu hiện triệu chứng. Ví dụ, thực hiện nội soi đại tràng để phát hiện mầm mống ung thư đại trực tràng, hay xét nghiệm Pap để sàng lọc ung thư cổ tử cung.
Cho đến thời điểm hiện tại, chưa có xét nghiệm giúp sàng lọc ung thư buồng trứng. Do đó, bạn nên cảnh giác với bất kỳ thay đổi nào trong cơ thể và trao đổi ngay với bác sĩ phụ khoa hoặc bác sĩ ung bướu ngay khi phát hiện dấu hiệu ung thư buồng trứng. Càng phát hiện sớm ung thư buồng trứng, khả năng điều trị thành công sẽ càng cao hơn.