Chia sẻ về hành trình đón con gái đầu lòng chào đời, top 20 Hoa hậu Việt Nam 2010 Lê Thu Huyền Trang cho biết đó là những trải nghiệm rất nhiều cảm xúc trái ngược nhau, có lo lắng, sợ hãi và cũng vỡ òa hạnh phúc.
Chia sẻ trên trang facebook cá nhân dịp con gái đầu lòng tròn một tháng tuổi, Lê Thu Huyền Trang (Amy Le) - từng lọt top 20 Hoa hậu Việt Nam 2010 - đã kể về hành trình đầy cảm xúc đón con chào đời. Mẹ trẻ xinh đẹp cho biết chị có thai kỳ khá suôn sẻ nhưng đến ngày sinh nở lại bị rỉ ối. "Vì mình có tìm hiểu trước về hiện tượng mẹ bầu rỉ ối, biết được nguy cơ đối với em bé trong bụng nên mặt cắt không còn giọt máu, chỉ kịp chạy ra báo tình hình cho chồng rồi vội theo bác sĩ vào phòng đẻ.", Huyền Trang kể.
Sau khi em bé đã chào đời bằng phương pháp kích đẻ sinh thường với cân nặng 3,9kg thì lo lắng của vợ chồng Huyền Trang vẫn chưa dừng lại khi con gái có chỉ số nhiễm trùng hơi cao. Hai mẹ con đã phải ở lại bệnh viện 5 ngày để điều trị.
Lê Thu Huyền Trang bên con gái nhỏ mới chào đời hồi đầu tháng 4 vừa qua.
Em bé chào đời rất bụ bẫm, nặng 3,9kg.
Đây có lẽ là khoảng thời gian khó khăn nhất với gia đình nhỏ khi em bé liên tục bị lấy máu xét nghiệm, lấy ven ở khắp tay, chân để truyền kháng sinh. Đến khi mất ven ở tay chân thì phải lấy ven trên đầu. Với Huyền Trang "thời điểm đó, mỗi ngày trôi qua tâm trạng nặng nề vô cùng, đón con từ tay y tá, nhìn con bị truyền ven tím tay chân mà xót chảy nước mắt."
Chia sẻ thêm về ca sinh con đầu lòng của mình, Huyền Trang nói: "Đi đẻ Anh Sa có lẽ là kỷ niệm khó quên nhất trong cuộc đời mình. Trong khi mang thai, mình lên kế hoạch rất kỹ và cẩn thận trong việc chăm sóc sức khoẻ mẹ và con, đặc biệt là nước ối. Vậy nên mình uống rất nhiều nước để ối luôn sạch sẽ và đầy đủ, vậy mà đến khi sinh mình vẫn gặp phải vấn đề về ối. May mắn là cuối cùng con cũng đã chào đời an toàn bằng phương pháp sinh thường.
Đến giờ mỗi khi nhìn ngắm con gái mình rất tự hào vì con đã mạnh mẽ kiên cường cùng mẹ vượt qua một ca sinh khó và những ngày tháng nằm lại viện để điều trị bệnh khi chỉ có vài ngày tuổi, làm mẹ rồi chỉ mong con lúc nào cũng khoẻ mạnh an yên là không hạnh phúc nào bằng."
Dưới đây là toàn bộ hành trình đón con chào đời của Lê Thu Huyền Trang:
"Con gái hôm nay tròn 1 tháng tuổi. Ngày này tháng trước mình sinh bé Sa, vậy mà loáng cái em bé Sa đã được 1 tháng, nhanh quá đi mất.
Nhìn con say ngủ bên cạnh, lại nhớ những kỷ niệm ngày đi sinh, chặng đường về nhà quả không dễ dàng khi mẹ con mình phải ở lại bệnh viện 5 ngày để điều trị nhiễm trùng cho Sa.
Tối trước sinh một ngày mình bị rỉ ối mà không biết, sáng hôm sau đi khám định kỳ thì bác sĩ Thu - trưởng khoa sản bệnh viện Việt Pháp, bác sĩ mà mình theo thăm khám từ lúc bầu đến lúc sinh, phát hiện ra mình bị rỉ ối thật và chỉ định kích đẻ chuyển dạ, vì mình có tìm hiểu trước về hiện tượng mẹ bầu rỉ ối, biết được nguy cơ đối với em bé trong bụng nên mặt cắt không còn giọt máu, chỉ kịp chạy ra báo tình hình cho chồng rồi vội theo bác sĩ vào phòng đẻ.
Vậy là Anh Sa ra đời không tự nhiên theo mong muốn của mẹ mà phải kích để đẻ, nước ối bình thường sẽ có màu trong vắt, nhưng do mình bị rỉ ối nên nước ối chuyển màu xanh đen. Vào viện lúc 8h30 thì nằm chờ kích đẻ, tiêm gây tê màng cứng đến 17h06' thì đẻ Sa.
Sau hơn 9 giờ truyền kích đẻ, bé Anh Sa đã cất tiếng khóc chào đời.
Về vụ gây tê màng cứng thì mình khuyên là nên tiêm, không có chuyện mất cảm giác về cơn co lúc sinh, hay bị đờ tử cung - là những biến chứng mà mn thường lo lắng khi gây tê màng cứng, trừ trường hợp bị đau lưng thì mình không dám chắc chắn, vì chỉ mới sinh được một tháng nhưng mình không thấy bị đau lưng tí nào. Gây tê giúp mình rất nhiều trong việc giữ sức trong thời gian chịu cơn co chờ đẻ, nếu không có nó chắc đến lúc rặn đẻ thì cũng chẳng còn tí sức nào nữa, nhưng lúc rặn vẫn cảm nhận được cơn đau, tuy nhiên mình đánh giá cũng phải giảm 70-80%, đây chính là điểm tối ưu của gây tê màng cứng, giúp mẹ bầu chịu được hàng trăm cơn co lớn nhỏ trong lúc chờ sinh nhưng không hề mất đi cảm giác trong quá trình đón bé.
Anh Sa ra đời nhưng không khóc. Chắc bé con bị nuốt phải nước ối đục của mẹ nên sau khi được cô y tá hút dịch, làm vệ sinh cho thì mới khóc tí ti, bé được "skin to skin" với mẹ một lúc rồi hai mẹ con được trở về phòng.
Ở bệnh viện mình sinh rất tốt trong khâu kiểm soát nhiễm trùng, đặc biệt là đối với những trường hợp như mình, bị rỉ ối trên 18 tiếng nên em bé Sa được đưa đi xét nghiệm và kết quả CRP - chỉ số nhiễm trùng hơi cao và sau một ngày tăng từ 12 lên 18 (dưới 5 là mức bình thường). Vậy là hai mẹ con phải nằm ròng rã trong viện gần 5 ngày để điều trị, nhớ lại mà thấy thương con vô cùng các mẹ ạ.
Con bé tí mà bị lấy ven ở khắp tay, chân để truyền kháng sinh, đến khi mất ven ở tay chân thì phải lấy ven trên đầu, mỗi ngày trôi qua tâm trạng nặng nề vô cùng, mặc dù bác sĩ động viên trường hợp này rất nhiều, và kháng sinh truyền cho Sa rất nhẹ, truyền chỉ tốt hơn thôi nên đừng lo lắng mà mất sữa, thế nhưng mỗi ngày đón con từ tay y tá, nhìn con bị truyền ven tím tay chân mà xót chảy nước mắt.
Bé Anh Sa khi mới chào đời, còn nằm trong bệnh viện để điều trị bệnh.
Hình ảnh bé Anh Sa kháu khỉnh trong dịp đầy tháng.
Thế rồi 5 ngày dài như 5 thế kỷ cũng qua, bé Sa được ra viện với chỉ số sau khi tiêm truyền kháng sinh dưới 5, khỏi phải nói bố mẹ mừng như thế nào. Ôi chao chưa bao giờ thấy nhớ nhà đến thế, lần đầu tiên mẹ nở nụ cười sau 5 ngày sinh con, thế mới nói có con rồi mới hiểu một điều rằng, bố mẹ sẵn sàng chịu mọi đau đớn thay con, miễn là con luôn được khoẻ mạnh an yên, là không hạnh phúc nào bằng."