Đau bụng dưới khi có thai 2 tuần là triệu chứng khá phổ biến nhưng mẹ không được chủ quan vì có thể đó là dấu hiệu báo nguy cơ mẹ sẽ mất con.
Đau bụng dưới khi có thai 2 tuần nói riêng và những tháng đầu thai kỳ là hiện tượng khá phổ biến nhưng cũng vô cùng đáng sợ đặc biệt với những người lần đầu mang thai. Trong hầu hết các trường hợp, đây là thay đổi tự nhiên trong cơ thể khi mang bầu và sẽ đi qua mà không có vấn đề gì nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong một số trường, cơn đau có thể là dấu hiệu của những biến chứng nguy hiểm như mang thai ngoài tử cung hoặc sảy thai.
Đau bụng dưới khi có thai 2 tuần nói riêng và những tháng đầu thai kỳ là hiện tượng khá phổ biến. (ảnh minh họa)
Dưới đây là những lý do phổ biến khiến mẹ bị đau bụng dưới khi có thai 2 tuần và trong những tháng đầu mang thai.
Phôi thai cấy vào tử cung
Những thay đổi trong tử cung và vùng cổ tử cung trong thời kỳ đầu mang thai có thể gây đau bụng dưới cho mẹ, đôi khi thậm chí xảy ra trước khi xét nghiệm dương tính khẳng định đã có bầu. Khoảng 2 tuần sau khi thụ tinh, trứng đã thụ tinh sẽ đi vào tử cung và gấy ghép vào thành tử cung.
Chính lúc này, mẹ sẽ có cảm giác đau nhói vùng bụng dưới đôi khi là cảm giác khó chịu nhưng thường sẽ không gây quá nhiều phiền phức cho mẹ và không quá gây chú ý. Tuy nhiên, mẹ vẫn phải gặp bác sĩ để xác định xem mình đã chính xác có thai hay chưa.
Nhiễm trùng đường tiết niệu
Hiệp hội mang thai Mỹ giải thích rằng phụ nữ rất dễ bị nhiễm trùng đường tiết niệu khi mang thai do tử cung tăng kích cỡ sẽ chèn vào bàng quang khiến nước tiểu khó đi ra ngoài hơn. Các triệu chứng của bệnh này bao gồm đau bụng dưới (vùng bàng quang), đau khi đi tiểu và buồn tiểu thường xuyên.
Nhiễm trùng được tiết niệu nếu không được điều trị có thể dẫn tới nhiễm trùng thận, dễ gây sinh non và em bé nhẹ cân. Vì vậy mẹ cần gặp bác sĩ sớm.
Để phòng ngừa bệnh, bà mẹ nên uống nhiều nước, tránh mặc quần áo chật chội, vệ sinh sạch sẽ bộ phận sinh dục và đi tiểu ngay khi cảm thấy buồn tiểu.
Giãn dây chằng
Theo Hiệp hội mang thai Mỹ, dây chằng là bộ phận nối phần trước tử cung đến háng, sẽ kéo dài để hỗ trợ tử cung trong suốt thai kỳ. Đau dây chằng là hiện tượng phổ biến nhất trong 3 tháng giữ thai kỳ khi bụng đã lớn dần nhưng nó cũng có thể xảy ra từ khi mẹ có bầu tuần thứ 2 và những tháng đầu mang thai.
Các cơn đau sẽ xuất hiện ở vùng bụng dưới và mở rộng đến vùng hông nhưng thường là cơn đau thoáng qua, chỉ kéo dài vài giây tại một thời điểm và sẽ nặng nề hơn khi mẹ ho, cười hoặc đứng ngồi đột ngột. Di chuyển chậm hoặc thực hiện các bài tập kéo giãn hàng ngày sẽ giúp giảm tối đa hiện tượng này.
Sảy thai
Sảy thai sớm được định nghĩ là thai nhi chết trong 20 tuần đầu của thai kỳ và phổ biến hơn cả là trong 13 tuần đầu mang thai. Mặc dù chảy máu là dấu hiệu đầu tiên và thường gặp nhất của sảy thai nhưng đau bụng dưới cũng có thể xảy ra.
Cơn đau có thể tăng lên và có cảm giác như đau trước mỗi kỳ kinh nguyệt. Các dấu hiệu của sảy thai khác có thể đi kèm là xuất huyết, đau lưng và khi nhận thấy mẹ cần đến bệnh viện ngay.
Có thai ngoài tử cung
Thai ngoài tử cung xảy ra khi thai nhi hình thành bên ngoài dạ con và tiếp tục phát triển. Mặc dù thai ngoài tử cung thường xảy ra tại các ống dẫn trứng nhưng trong một số trường hợp hiếm hoi, thai nhi lại phát triển trong buồng trứng hoặc cổ tử cung.
Thai ngoài tử cung sẽ không thể phát triển nhưng lại vô cùng nguy hiểm và có thể gây tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Các triệu chứng thai ngoài tử cung bao gồm đau bụng dưới, đau lưng và chảy máu. Khi nhận thấy những dấu hiệu này, mẹ cần đến bệnh viện cấp cứu ngay đặc biệt là khi đau đột ngột và mạnh ở vùng bụng dưới vì đây có thể là dấu hiệu thai ngoài tử cung bị vỡ.