Để chào đón một em bé đến với thế giới này, người mẹ sẽ phải chịu hy sinh rất nhiều thứ.
Sau sinh vẫn to béo như mang bầu
Đây là sự thật đau lòng đối với hầu hết các bà mẹ sau sinh. Thật vậy, khi mang thai, người mẹ buộc phải ăn uống tích cực để cung cấp đầy đủ dưỡng chất nuôi con kéo theo cân nặng tăng dần đều. Sau sinh, để có đủ sữa cho con bú, mẹ cũng phải bồi bổ cơ thể thật nhiều. Kết quả, mẹ trở thành người “khổng lồ” trong mắt mọi người. Tuy nhiên, người mẹ nên lưu ý có chế độ ăn uống hợp lý, kết hợp tập luyện sẽ giúp cơ thể dẫn săn chắc, giảm cân sau sinh.
Ngực chảy xệ
Sau sinh, chắc chắn đôi gò bồng đảo của mẹ sẽ không thể nào giữ được sự săn chắc, căng tròn như thời con gái. Nhất là khi cho con bú, độ “nhão, chảy xệ” của ngực sẽ gia tăng. Chưa kể khi mang thai, ngực mẹ phát triển quá nhanh sẽ xuất hiện những vết rạn da đáng ghét, quầng vú và nhũ hoa sẽ trở nên to hơn, đậm màu hơn trông rất… không đẹp.
Để chào đón một em bé đến với thế giới này, người mẹ sẽ phải chịu hy sinh rất nhiều thứ. (ảnh minh họa)
Vòng 2 ngoại cỡ
9 tháng mang thai, vòng bụng của mẹ sẽ lớn lên từng ngày cùng với sự phát triển của con yêu. Việc vòng bụng lớn sẽ kéo theo các hệ quả sau: vùng da bụng bị căng và giãn nở sau sinh sẽ trở nên nhăn nheo xấu xí, chằng chịt các vết rạn nứt… Mặc dù theo các chuyên gia, nếu chịu khó luyện tập sau sinh thì mẹ sẽ lấy lại được vòng eo phẳng lỳ, tuy vậy thực tế có những bộ phận cơ thể rất khó trở về nguyên vẹn như ban đầu, điển hình là vùng bụng.
Âm đạo giãn nở
Điều này là dĩ nhiên nếu mẹ sinh thường. Vùng kín được cho là bộ phận chịu tổn thương nặng nề nhất, giãn nở kinh khủng nhất… bởi mẹ vừa đưa em bé nặng tới hơn 3kg đến với thế giới này. Do đó không có gì ngạc nhiên khi nhiều mẹ thắc mắc: “Liệu vùng kín có trở về được kích thước ban đầu sau khi sinh?”, “Vùng kín quá khổ có ảnh hưởng tới chuyện chăn gối không?”…
Nhưng khác với các bộ phận cơ thể khác, vùng kín sẽ dần hồi phục từ 4 – 6 tuần sau sinh và có thể trở về trạng thái ban đầu nếu mẹ chăm chỉ tập luyện Kegel.
Tóc rụng
Theo nghiên cứu có khoảng 90% phụ nữ sau khi sinh gặp phải tình trạng rụng tóc. Thường các mẹ sẽ bị rụng tóc nhiều nhất từ 1- 3 tháng đầu sau sinh và kéo dài đến tháng thứ 6. Nếu không biết cách chăm sóc, lượng tóc rụng ngày càng nhiều sẽ khiến mẹ lo âu, thiếu tự tin. Nguyên nhân gây rụng tóc được xác định là do lượng nội tiết tố trong cơ thể thay đổi trong quá trình mang thai và sinh con. Hơn nữa rụng tóc còn do tâm lý người mẹ căng thẳng, thiếu ngủ, cơ thể mệt mỏi và chế độ dinh dưỡng không hợp lý.
Són tiểu
Theo các bác sĩ sản khoa, phụ nữ sau sinh dễ mắc chứng này nhất. Són tiểu tuy không ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như không bị di chứng gì về sau nhưng có thể gây viêm nhiễm đường sinh dục vì luôn trong tình trạng ẩm ướt. Do trong quá trình mang thai và sinh con, dưới ảnh hưởng của chiếc bụng bầu ngày càng to sẽ khiến các cơ vùng tầng sinh môn và cơ thắt kiểm soát sự đi tiểu bị suy yếu đi dẫn đến hiện tượng này.