Trung Quốc - Nữ bệnh nhân đến rạp xem phim suốt 10 tiếng một ngày trong dịp Tết Nguyên đán, khiến thị lực mắt trái suy giảm nghiêm trọng.
Bệnh nhân họ Lưu có sở thích xem phim điện ảnh và truyền hình. Vào kỳ nghỉ Tết, cô xem phim tại rạp liên tục 10 tiếng. Ngày hôm sau, cô đến Bệnh viện Nhân dân Đại học Bắc Kinh khám vì nhức mắt. Bác sĩ phát hiện thị lực trái của cô bị tổn hại nghiêm trọng. Bệnh nhân không thể nhìn rõ ngay cả chữ cái lớn nhất trên biểu đồ thị lực. Khi giơ ngón tay trước mặt, cô chỉ thấy một vệt mờ.
Theo bác sĩ điều trị, mắt của Liu bị đỏ, sưng tấy nghiêm trọng, áp lực nội nhãn cao. Sau khi kiểm tra, cô được chẩn đoán mắc bệnh tăng nhãn áp cấp. Ngoài ra, Lưu còn chứng lão thị vì xem phim rạp trong điều kiện ánh sáng kém thời gian dài.
Theo Cơ quan Quản lý Bệnh viện Hong Kong, tăng nhãn áp là một bệnh về thần kinh thị giác. Nếu dây thần kinh thị giác bị tổn thương liên tục, thị lực không thể hồi phục, tầm nhìn bị thu hẹp, thậm chí mù lòa. Bệnh tăng nhãn áp chủ yếu chia thành các loại như mạn tính hoặc cấp tính, nguyên phát hoặc thứ phát.
Minh họa đôi mắt. Ảnh: Freepik
Triệu chứng tăng nhãn áp mạn tính thường không rõ ở giai đoạn đầu. Bệnh nhân có thị lực trung tâm do tầm nhìn bị thu hẹp, không thể thấy hình ảnh bên ngoài, tạo thành tầm nhìn kiểu đường hầm. Nếu các triệu chứng tiếp tục xấu đi, bệnh nhân có thể bị mù lòa.
Bệnh tăng nhãn áp cấp tính xuất hiện đột ngột, các triệu chứng gồm tầm nhìn mờ, nhìn đèn có quầng cầu vồng, mắt đỏ, mờ giác mạc, đau mắt dữ đội, nhức mắt kèm nhức đầu, buồn nôn và nôn mửa.
Bệnh tăng nhãn áp nguyên phát về cơ bản không có nguyên nhân rõ ràng, ảnh hưởng nhiều bởi các yếu tố khác. Tăng nhãn áp thứ phát có thể biểu hiện bằng tình trạng đục thủy tinh thể sớm, viêm mống mắt, chảy máu nội nhãn, khối u, chấn thương, biến chứng sau phẫu thuật và sử dụng steroid không phù hợp.