Chị T. đột nhiên đau bụng, co quắp tay chân, choáng váng được người xung quanh đưa đi cấp cứu và được phát hiện khối chửa ở góc sừng tử cung phải đã bị vỡ.
8h30 sáng ngày 03/6, Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang tiếp nhận bệnh nhân Nông Thị T., 39 tuổi, trú tại Cẩm Nhân, Yên Bình, Yên Bái đến cấp cứu trong tình trạng sốc nặng, trụy mạch, huyết áp không đo được.
Qua khai thác thông tin từ người đưa đến, được biết, bệnh nhân đi chăm người nhà bị liệt đang điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang, đột nhiên bị đau bụng, co quắp tay chân, choáng váng, nên được người xung quanh đưa đến khoa Cấp cứu.
Chị T. đột nhiên bị đau bụng, co quắp tay chân, choáng váng, nên được người xung quanh đưa đến khoa Cấp cứu.
Bệnh nhân không có người nhà đi cùng, không có thẻ BHYT, được kíp trực khoa Cấp cứu khẩn trương cấp cứu cho bệnh nhân, hồi sức tích cực, siêu âm tại giường, làm các xét nghiệm cấp cứu cần thiết và test thử thai (dương tính), phát hiện ổ bụng bệnh nhân có nhiều dịch, nên đã liên hệ mời các bác sỹ khối Ngoại, Sản để hội chẩn. Bệnh nhân được chẩn đoán chửa ngoài tử cung vỡ choáng, có chỉ định phẫu thuật tối khẩn cấp và được đưa thẳng lên khoa Phẫu thuật – Gây mê hồi sức.
Ngay khi vào phòng mổ, kíp mổ liên khoa đã phối hợp tiến hành đặt nội khí quản cấp cứu, vừa gây mê, vừa hồi sức tích cực và phẫu thuật cấp cứu cho bệnh nhân.
Bác sỹ CKII Cao Thúy Anh – Phó trưởng khoa Phụ Sản, Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang cho biết: Khi tiến hành phẫu thuật mở ổ bụng đã lấy ra khoảng 1.500ml máu cục lẫn máu loãng. Kiểm tra ổ bụng thấy khối chửa ở góc sừng tử cung phải đã bị vỡ và đang chảy máu ồ ạt, kíp mổ đã tiến hành cặp, cắt khối chửa và cầm máu.
Kiểm tra tử cung, thấy mặt sau tử cung viêm dính có nhiều giả mạc, bác sĩ đã tiến hành gỡ dính tử cung, đồng thời truyền bổ sung 2 đơn vị máu (mỗi đơn vị 350ml) và các dung dịch thay thế máu. Trong và sau mổ, bệnh nhân dần ổn định, đã qua cơn nguy kịch.
Bác sỹ khuyến cáo: Thai ngoài tử cung là bệnh vô cùng nguy hiểm, một trong các nguyên nhân dẫn đến tình trạng này do các sản phụ không có thói quen chăm sóc sức khỏe sinh sản.
Một trong những yếu tố nguy cơ đã được khoa học chứng minh đó là viêm nhiễm đường sinh dục làm tăng tỷ lệ mang thai ngoài tử cung ở phụ nữa. Để tránh viêm nhiễm, phụ nữ cần thực hiện tốt vệ sinh hàng ngày, vệ sinh kinh nguyệt, vệ sinh khi giao hợp…
Sau mổ bệnh nhân dần ổn định, đã qua cơn nguy kịch.
Khám phụ khoa định kỳ hoặc có triệu chứng bất thường phải đi khám phụ khoa ngay tại các cơ sở y tế có chuyên khoa phụ sản. Phụ nữ đang trong độ tuổi sinh đẻ có quan hệ tình dục, nếu thấy chậm kinh cần phải đi khám sớm, để được siêu âm và làm các xét nghiệm sàng lọc trước sinh…kịp thời phát hiện các tai biến sớm của thai nghén, trong đó có chửa ngoài tử cung. Từ đó, có phương pháp điều trị thích hợp và kịp thời, tránh trường hợp chửa ngoài tử cung vỡ, nguy hiểm đến tính mạng.
Khi nghi ngờ mang thai hoặc có những dấu hiệu bất thường liên quan đến sản phụ khoa như: đau bụng âm ỉ, chậm kinh hoặc rối loạn kinh nguyệt, ra huyết, cần đến các bệnh viện có chuyên khoa sản để kiểm tra, chẩn đoán sớm và được các bác sĩ đưa ra lời khuyên chính xác.