Ngày 28/3, các bác sĩ khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Hữu Nghị đã phẫu thuật thành công cho bệnh nhân 72 tuổi (Hà Nội) có vòng tránh thai "đi lạc" trong ổ bụng.
Trước đó bệnh nhân thường xuyên bị đau bụng, đi khám siêu âm không thấy gì bất thường, soi dạ dày và đại tràng có viêm nhẹ nên điều trị bằng uống thuốc nhưng không đỡ. Gần đây, bệnh nhân thấy đau nhiều hơn, buồn nôn, sốt nhẹ nên vào Bệnh viện Hữu Nghị khám và chụp phim cắt lớp thấy có hình ảnh dụng cụ tránh thai nằm ra ngoài tử cung trong ổ bụng.
Bệnh nhân được phẫu thuật nội soi. Quá trình phẫu thuật cho thấy, vòng tránh thai lạc vào trong ổ bụng, bám chặt vào mạc nối, đại tràng và ruột non tạo thành ổ áp xe. Các bác sĩ đã tiến hành lấy vòng tránh thai và làm sạch ổ bụng. Sau mổ bệnh nhân tỉnh táo và hồi phục tốt.
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân sau phẫu thuật nội soi lấy vòng tránh thai. Ảnh BVCC
Bệnh nhân cho biết đã đặt vòng tránh thai trên 40 năm, và cũng không đi khám kiểm tra về phụ khoa. Những năm gần đây bà hay đau bụng, và chỉ siêu âm và nội soi dạ dày, đại tràng. Lần này sau khi chụp cắt lớp ổ bụng bà rất bất ngờ khi được các bác sĩ thông báo về nguyên nhân gây đau bụng nhiều năm của mình.
Bác sĩ Hoàng Việt Dũng, Trưởng khoa Ngoại tổng hợp, người trực tiếp thực hiện ca mổ cho biết, trường hợp vòng tránh thai di chuyển vào ổ bụng là ít gặp. Trường hợp này chiếc vòng đi lạc khỏi vị trí ban đầu nhiều năm nhưng không được phát hiện.
Thông thường, vòng tránh thai được đặt vào tử cung có thời hạn (tùy từng loại) và được lấy ra sau thời gian nào đó. Nếu để lâu vòng tránh thai có thể đi xuyên qua tử cung, đi vào ổ bụng và có thể gây nên những biến chứng như áp xe ổ bụng, đâm thủng ruột gây viêm phúc mạc, nhiễm trùng huyết…
Hình ảnh dị vật trên phim chụp CT.
Theo bác sĩ Dũng, nguyên nhân vòng tránh thai đi lạc vào trong ổ bụng có thể do trong quá trình thao tác đặt vòng tránh thai đã làm tổn thương thành tử cung, hoặc chiếc vòng trong nhiều năm đã ăn sâu vào cơ tử cung chui qua cơ tử cung vào nằm tự do trong ổ bụng, hoặc có thể chui vào ruột, vào bàng quang.
Tùy thuộc vào vị trí chiếc vòng, cũng như tính chất xuyên thủng các tạng mà các bác sĩ sẽ có biện pháp điều trị khác nhau như nội soi can thiệp hay phẫu thuật để lấy bỏ.
Hình ảnh dị vật trong mổ.
Bác sĩ Dũng cũng khuyến cáo, phụ nữ nên đặt vòng ở cơ sở y tế uy tín, do bác sĩ có kinh nghiệm thực hiện. Khám kiểm tra định kỳ tại cơ sở y tế để được hướng dẫn chăm sóc sức khỏe, vệ sinh để tránh viêm nhiễm cũng như phát hiện sớm vòng lạc chỗ.