Điều dưỡng khoa nhi Nguyễn Thị Mến sẽ hướng dẫn cách tắm và massage kích thích não bộ bé 'chuẩn' nhất.
Trong bài trước, chúng tôi đã giới thiệu về cách thở, rặn đẻ cho bà bầu khi sinh em bé. Tiếp tục các kiến thức về tiền sản, bài viết này sẽ giới thiệu về cách chuẩn bị đồ dùng cũng như cách tắm cho bé.
Điều dưỡng trưởng Nguyễn Thị Mến (Khoa Nhi - Bệnh viện Việt Pháp - Hà Nội) cho biết, phụ huynh cần chuẩn bị đầy đủ các vật dụng dành cho bé, lên danh sách các thứ cần mua trước khi sinh.
Các phụ huynh cần chuẩn bị đầy đủ đồ dùng cho bé bao gồm:
- Quần áo: Phụ huynh có thể chọn áo, quần hoặc áo liền quần dành cho trẻ sơ sinh (cả mùa đông và mùa hè), mũ, bỉm, giấy ướt (nếu cần).
- Chuẩn bị sữa tắm có thể tham khảo ý kiến bác sĩ, chọn sản phẩm uy tín, đảm bảo an toàn cho bé.
- Kem chống hăm: Mỗi ngày bôi cho trẻ 4 lần, lưu ý bôi dày một chút.
- Nước muối sinh lý: Nhỏ mũi và nhỏ mắt (lưu ý hỏi bác sĩ để được hướng dẫn, chỉ dẫn cẩn thận trước khi ra viện)
Các phụ huynh tham dự lớp tiền sản đang nghe hướng dẫn về cách massage và chuẩn bị tắm cho bé
- Cồn 70 độ C, gạc vô trùng sát khuẩn rốn
- Bông ngoáy tai
- Bao tay, bao chân cần thiết, 20 ngày đầu do chưa cắt được móng tay của bé nên chỉ đeo bao tay tối đa khoảng 1 tháng, sau đó nên cởi ra để đảm bảo cho bé được cử động thoải mái.
- Con cá bằng nhựa để kiểm tra nhiệt độ nước nhưng phụ huynh lưu ý vẫn cần kiểm tra bằng tay một lần nữa trước khi tắm.
- Dầu massage hàng ngày...
Để bé có thể vượt trội về thể chất, tinh thần, các ông bố bà mẹ cần biết massage và tắm cho trẻ. Các nghiên cứu đã chứng minh được rằng, động tác massage với trẻ vô cùng quan trọng.
Để chuẩn bị tắm cho trẻ, phụ huynh cần chuẩn bị:
- Chọn loại chậu to nhất dùng tắm bé có bán trên thị trường.
- Nước là nước máy sạch, không phải đun sôi, mùa đông hay mùa hè đều chú ý bật nóng lạnh để nước đủ ấm cho bé. Còn nước ở những vùng bị ô nhiễm thì cần lọc trước khi tắm.
- Nhiệt độ nước tắm từ 37-37,5 độ C.
- Chuẩn bị khăn hình chữ nhật, lưu ý dùng 1 khăn cho một lần tắm, sau đó giặt sạch.
- Khăn xô 4 lớp thấm nhanh, khăn sữa nhỏ hơn để rửa mặt và tắm.
Mời các bạn xem clip hướng dẫn tắm bé được ghi hình tại lớp tiền sản của bệnh viện Việt Pháp (Hà Nội)
Cũng theo điều dưỡng trưởng Nguyễn Thị Mến (Khoa Nhi - Bệnh viện Việt Pháp - Hà Nội), hiện nay, việc quấn em bé chặt cũng không cần thiết. Bởi điều đó làm giảm sự vận động của em bé. Phụ huynh chú ý không quấn quá chặt, hãy để em bé cử động được tối đa nhất. Thậm chí, có em bé về nhà nhưng bị sốt 39 độ C do bố mẹ quấn quá mức. Thân nhiệt của em bé còn non, tế bào não và thần kinh chưa hoàn thiện nên chưa thể điều tiết được nhiệt độ của cơ thể, bé cũng không toát được mồ hôi vì chưa có lỗ chân lông. Nếu quấn chặt làm bé mệt lử, nóng quá sẽ gây khó thở. Với người châu Âu, khi bé bú sẽ không mặc quần áo, mẹ cũng cố gắng da kề da với con. Ở Pháp, sau sinh nhiều người còn đặt con trên ngực để da của mẹ tiếp xúc với bé, nhận luôn tình cảm và sự che chở của người mẹ qua da. Nhiều trường hợp mới sinh em bé đã cho con ngủ riêng, với quan niệm là ngủ riêng sớm như vậy để quen và tránh bện hơi mẹ. Tuy nhiên, khi còn trong bụng mẹ, bé được che chở bởi thân nhiệt 37 độ C của người mẹ, sau khi sinh ra, bé cần được bú và nằm cạnh mẹ. Phụ huynh lưu ý không quấn chặt, cho nằm cạnh để hơi ấm 37 độ C để ủ em bé, đồng thời kích thích tiết sữa. Nhanh nhất cũng phải một tuần mới cho nằm riêng nhưng tốt nhất vẫn là nằm cạnh mẹ. Đặc biệt, trong những ngày đầu không cho bé nằm riêng hoặc nằm xa mẹ. Với các bé trai, phụ huynh lưu ý khi bôi kém chống hăm cần bôi cả phần bìu, thỉnh thoảng lộn đầu dương vật một chút. Có một tỷ lệ nhỏ bị chít hẹp bao quy đầu cần nong từ từ. Nếu bé có dấu hiệu hẹp bao quy đầu cần tham khảo ý kiến bác sĩ tiết niệu nhi để được tư vấn. Trước khi dùng bất cứ loại thuốc hay vật dụng nào cho bé cũng cần đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng. |