Đẻ không đau bằng phương pháp gây tê màng cứng có thể gây ra một số tác dụng phụ như làm chậm quá trình giãn mở tử cung, tăng nguy cơ đẻ mổ...
Đau đẻ là nỗi kinh hoàng của 100% chị em bầu bí. Tuy nhiên, y học hiện đại ngày nay đã cho ra đời phương pháp gây tê ngoài màng cứng (GTNMC) - cứu tinh tuyệt vời cho mẹ bầu khỏi đau đẻ. Tiêm thuốc tê vào khoang ngoài màng cứng (màng cứng là màng bao bọc tủy sống và dịch não tủy, bên ngoài màng cứng có một khoang ảo gọi là khoang ngoài màng cứng) sẽ tác động đến các dây thần kinh cảm giác, ức chế không cho dẫn truyền cảm giác đau lên trung ương não, làm mẹ bầu không còn cảm giác đau đớn gì nữa
Tuy nhiên, nhiều sản phụ vẫn lo ngại tính an toàn của GTNMC. Dưới đây là những băn khoăn thường gặp về GTNMC, giúp chị em bầu bí có một cái nhìn toàn diện về phương pháp giảm đau hiện đại này và đưa ra quyết định đúng đắn nhất.
GTNMC ảnh hưởng như thế nào đến mẹ và bé?
Lợi ích chính của GTNMC là giảm đau hiệu quả. Với GTNMC, cảm giác đau “banh da xẻ thịt” không còn và nhiều bà mẹ đã có được trải nghiệm sinh con tuyệt vời và hạnh phúc hơn bao giờ hết.
Tuy nhiên, GTNMC cũng gây ra một số tác dụng phụ cho bà mẹ. Mặc dù GTNMC không làm chậm quá trình giãn mở tử cung hay gia tăng nguy cơ đẻ mổ, nhưng sản phụ có thể bị kéo dài quá trình rặn đẻ thêm khoảng 20 phút. Ngoài ra, sử dụng GTNMC còn có thể bị tăng nhiệt độ cơ thể dẫn tới sốt.
Về sức khỏe của em bé, hầu hết các nghiên cứu gần đây xác nhận rằng GTNMC không gây ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ sơ sinh (theo chỉ số APGAR - kết quả kiểm tra sức khoẻ tổng quát trẻ sơ sinh được thực hiện ngay sau khi bé ra đời.) Chỉ số APGAR giữa những em bé ra đời trong những ca sinh có áp dụng GTNMC và những bé được sinh ra mà mẹ không được giảm đau bằng GTNMC hầu như không có sự khác biệt.
Đẻ không đau bằng phương pháp gây tê màng cứng có thể gây ra một số tác dụng phụ như làm chậm quá trình giãn mở tử cung, tăng nguy cơ đẻ mổ... (Ảnh minh họa)
Mũi tiêm GTNMC có đau không?
Nhiều chị em lo ngại rằng chưa kịp được giảm đau bởi GTNMC thì đã phải chịu đau do mũi tiêm nhọn hoắt này chọc vào rồi. Đừng sợ hãi vì đây chỉ là một đầu kim tiêm nhỏ xíu làm bạn có cảm giác tê khoảng 5 giây. Thuốc gây tê bắt đầu có hiệu lực trong vòng 5 phút và gây tê cực đỉnh trong 10 phút. Sau đó, mẹ bầu sẽ không cảm thấy đau đớn gì nữa.
GTNMC được thực hiện như thế nào?
Tùy từng trường hợp bác sĩ sẽ quyết định sản phụ nằm quay nghiêng về một bên hoặc ngồi thẳng để gây tê. Sau đó, bạn sẽ được sát trùng da, tiêm thuốc tê và chọc kim dẫn vào vùng lưng dưới. Nghe có vẻ đau đớn nhưng khi mũi tiêm xuyên qua khoang ngoài màng cứng, bạn sẽ không thấy đau hoặc chỉ thấy hơi “buồn” chân. Tiếp đó, bác sĩ sẽ luồn ống dẫn thuốc qua kim, rút kim và cố định ống dẫn để thuốc tê được truyền vào khi cần thiết. Lúc này, bạn được hạ xuống nằm (mà không hề cảm thấy khó chịu bởi ống dẫn thuốc). Ống dẫn thuốc sẽ liên tục được truyền thêm thuốc khi cần cho đến khi bạn sinh xong.
Khi nào tốt nhất nên dùng GTNMC?
Hầu hết chuyên gia y tế và bác sĩ sản khoa đều khuyến khích các mẹ sinh tự nhiên trước khi bắt đầu cho giảm đau bằng GTNMC. Nên xem đây là phương pháp can thiệp cuối cùng nếu cảm thấy quá đau dễ dẫn đến sợ đẻ, không dám đẻ nữa, bị mất sức do cơn chuyển dạ quá lâu. Phương pháp này đặc biệt có giá trị với những trường hợp sinh đẻ mà cơn đau chuyển dạ kéo dài và gặp nhiều khó khăn. Quyết định gây tê cuối cùng thuộc về mẹ bầu nên các mẹ có thể đợi xem mình chịu đau được đến đâu rồi cân nhắc. Bạn vẫn có thể quyết định chọn GTNMC cho đến khi đầu em bé đã lọt ra.
Ai không nên dùng GTNMC?
Mẹ bầu có huyết áp thấp hơn bình thường (nguy cơ xuất huyết cao), rối loạn chảy máu, nhiễm trùng máu, nhiễm trùng vùng da ở lưng cần tiến hành chọc kim hoặc có tiền sử dị ứng với thuốc gây tê, sử dụng thuốc loãng máu,... không được dùng GTNMC.