Không chỉ nấu cơm đều đặn cho vợ mỗi ngày, chồng chị Yến còn tự tay chăm sóc cho bé lớn 4 tuổi trong thời gian chị ở cữ.
Những bữa cơm cữ cả tháng trời chỉ "thịt nạc, rau ngót" chắc chắn là nỗi ám ảnh của những mẹ đã từng sinh con và nỗi lo với những chị em đang trong thời gian bầu bí.
Vậy nhưng đối với chị Lê Thị Hải Yến (30 tuổi, sống tại Hà Nội), mỗi ngày chị đều chờ mong giây phút bất ngờ khi mở lồng bàn ra và được thấy mâm cơm cữ. Không chỉ bởi mỗi bữa cơm của chị đều đa dạng, đủ món mà đây còn là công sức chồng chị thức dậy từ sớm để chuẩn bị.
Gia đình chị Hải Yến khi chị đang bầu bé thứ 2.
Được biết chị Yến có hai bé gái, bé lớn 4 tuổi và bé nhỏ vừa tròn tháng. Do ông bà nội ngoại đều bận công việc nên chỉ giúp đỡ được hai vợ chồng trong 2 tuần đầu sau sinh. Sau đó là những tháng ngày hai vợ chồng tự chăm nhau và chăm con.
Chồng chị luôn ở bên quan tâm, chăm sóc vợ từ khi bầu bí đến sau sinh.
"Sinh bé đầu thì có ông bà giúp đỡ chứ đến bé này, vợ chồng mình cũng vững vàng hơn rồi nên ông bà bận thì đều tự lo được. Từ sau tuần thứ 2 trở đi là cơm nước một tay chồng mình lo hết.
Mặc dù nhà có thuê giúp việc 3 buổi sáng/tuần nhưng chồng mình muốn tự tay nấu cơm cho vợ nên sáng nào cũng dậy từ 5h30-6h sáng để nấu ăn, giặt đồ em bé. 8h anh đưa con lớn đi học, 9h đến cơ quan, chiều xin về sớm để 6h có mặt ở nhà nấu cơm. Đến 10h tối cho con lớn đi ngủ rồi lại làm việc đến đêm, đợt nào chạy deadline thì đến 3h sáng. Cuối tuần anh mới có thời gian để ngủ bù. Vất vả lắm! Mình nhìn mà xót", chị Yến kể.
Từng bữa cơm cữ của chị Yến đều do chồng tự tay nấu.
Dù không có nhiều thời gian nhưng nhìn những mâm cơm chồng chị Yến nấu, ai cũng phải xuýt xoa khen ngợi. Mỗi bữa cơm không chỉ đa dạng các loại dưỡng chất mà còn được bày biện rất đẹp mắt. Mỗi ngày anh đều cố gắng đổi món cho vợ không ngán, ăn được nhiều.
Anh thường xuyên đổi món để vợ không ngán.
"Nhiều khi thấy chồng làm nhiều mình xót lắm, phải mắng cho mấy câu là nấu ít món thôi, em ăn đơn giản cũng được nhưng anh bảo sợ mình chán ăn rồi nấu ăn cho vợ cũng là niềm vui nên anh không mệt", chị Yến tâm sự.
Không chỉ cố gắng nấu món ngon và đổi món cho vợ, chồng chị Yến còn chịu khó đọc sách, lên mạng tham khảo những món ăn tốt cho phụ nữ sau sinh và những thứ phải kiêng để nấu đúng chuẩn cho vợ.
Từng bữa đều do anh lên mạng tham khảo và tự đi chợ, nấu hết.
"Bé đầu đẻ xong mình cũng kiêng nhiều, chủ yếu ăn cơm với thịt lợn và cháo móng giò thôi. Lần này thì chồng lên mạng xem hết kiến thức rồi đổi món liên tục cho nên không ngán. May mắn mình thấy sữa về nhiều mà không chị béo như lần trước, tinh thần và sức khỏe của mình cũng tốt hơn", chị Yến nói.
Nhờ được ăn đủ chất và thoải mái tinh thần do có chồng quan tâm nên chị Yến lúc nào cũng dồi dào sữa cho con ti.
Bé nhà chị Yến đã tròn tháng và được bú mẹ hoàn toàn.
Chị Yến nói: "Mình rút kinh nghiệm từ tập 1 và được các y tá bệnh viện khuyên nên lần này thừa sữa nhưng cũng không hút nhiều vì hút ra là sữa mất 15% chất lượng; hâm lại mất 40%. Ti mẹ sẽ cung cấp vi khuẩn có lợi cho con nên mình cho con ti trực tiếp là chủ yếu. Ngày mình hút 3 lần cho đỡ tắc sữa; tầm 150ml/ lần sau khi con đã ti. Sữa đó mình cho bé lớn uống hoặc để bé nhỏ tập bú bình".
Cùng xem thêm những mâm cơm cữ "ngon miệng, bổ mắt" chồng chị Yến nấu cho vợ!
Chồng chị Yến dậy từ 5h30-6h sáng để chuẩn bị cơm cho vợ.
Sợ vợ chán ăn nên anh thường xuyên thay đổi thực đơn.
Những món ăn lợi sữa được anh tham khảo trên mạng.
Lúc nào cũng đầy đủ cả món tráng miệng.
Tuy vất vả nhưng với anh nấu cơm cho vợ chính là niềm vui.
Chồng chị Yến cố gắng chăm sóc vợ để chị có 100% thời gian chăm con.
Bên cạnh việc nấu ăn, anh còn tự tay chăm sóc cho bé lớn và giặt đồ cho bé nhỏ.
Anh chồng nào cũng chăm chỉ nấu cơm cữ thế này thì vợ chẳng lo trầm cảm sau sinh.