Âm đạo ra dịch nhớt hồng, rỉ ối, xuất hiện cơn gò tử cung... là những dấu hiệu báo mẹ sắp sinh nở.
Nhiều cặp vợ chồng hối hả đến bệnh viện khi thấy mẹ bầu mới bắt đầu xuất hiện các cơn đau chuyển dạ nhưng rồi họ phải chờ đợi nhiều giờ đồng hồ sau đó vì những cơn đau chỉ là những dấu hiệu đầu tiên khởi phát chuyển dạ. Trong trường hợp bạn đang ở giai đoạn cuối thai kỳ và gần đến ngày sinh hãy lưu ý những dấu hiệu khởi phát chuyển dạ dưới đây để bình tĩnh và kịp thời tới cơ sở y tế chuyên khoa. Hãy nhớ rằng, đôi khi dấu hiệu không phải là những cơn đau vật vã để bạn biết ngay.
Dấu hiệu nhận biết chuyển dạ
Nếu mẹ bầu là người nhạy cảm và tinh ý, biết cách lắng nghe cơ thể mình thì những tuần trước ngày sinh bạn sẽ dễ dàng nhận ra 1 số dấu hiệu cho thấy cơ thể đang chuẩn bị cho quá trình chuyển dạ. Mẹ bầu đừng ngạc nhiên khi bắt đầu xuất hiện các dấu hiệu chuẩn bị chuyển dạ đến khi chuyển dạ thực sự thường kéo dài từ 2 đến nhiều tuần sau đó.
Thai ít máy hơn
Giai đoạn cuối thai kỳ, tử cung của người mẹ không còn không gian cho bé quẫy đạp như trước, bé sẽ ít hoạt động hơn trước. Nếu mẹ cảm thấy bé không cử động trong nhiều giờ liên tục và đã dùng nhiều cách để kích thích sự trả lời của bé thì cần nhanh chóng thăm khám bác sĩ.
Giảm cân
Những tháng cuối thai kỳ, một số mẹ bầu sẽ giữ nguyên cân nặng. Tuy nhiên càng gần đến ngày sinh thì có hiện tượng giảm cân từ 1-1,4 kg. Đây cũng là chuyện bình thường không có gì đáng lo.
Bị tiêu chảy nhẹ
Nếu bạn ăn uống đảm bảo hợp vệ sinh nhưng vẫn gặp phải hiện tượng tiêu chảy nhẹ khi gần ngày sinh thì hãy coi đây chỉ là một dấu hiệu chuyển dạ thôi nhé!Hệ đường ruột đang tư sục rửa cho chính mình để chuẩn bị cho cuộc sinh thôi mà.
Ra dịch nhớt hồng
Một buổi sáng thức giấc bình thường và bạn nhận thấy có nhớt hồng ở đáy quần lót, dân gian hay gọi “hồng hồng máu cá” thì đây chính là dấu hiệu cho thấy ngày sinh của bạn đã cận kề. Không có gì phải lo lắng trừ khi bạn ra máu nhiều đến mức phải đóng băng vệ sinh thì mới cần đến ngay bệnh viện.
Một buổi sáng thức giấc bình thường và bạn nhận thấy có nhớt hồng ở đáy quần lót, dân gian hay gọi “hồng hồng máu cá” thì đây chính là dấu hiệu cho thấy ngày sinh của bạn đã cận kề. (ảnh minh họa)
Vỡ ối
Một số bà bầu vỡ nước ối nhưng vẫn chưa có dấu hiệu chuyển dạ nào hết. Nếu thời gian này kéo dài từ 24-48 tiếng sau khi màng ối vỡ mà em bé vẫn chưa sinh thì cần đến ngay bệnh viện vì lúc này em bé có nguy cơ bị nhiễm khuẩn rất cao do không còn màng ối bảo vệ.
Bản năng nằm ổ
Bạn bỗng dưng muốn dọn dẹp sạch sẽ lại nhà cửa, thậm chí bỏ hầu bao mua mới một số đồ nội thất để trang hoàng lại nhà cửa. Điều này người ta gọi là bản năng nằm ổ của người mẹ nhằm chào đón con yêu ra đời.
Xuất hiện các cơn gò
Thuật ngữ sản khoa gọi các cơn đau chuyển dạ là cơn gò Braxton Hicks. Trước ngày sinh vài tuần bạn sẽ thấy xuất hiện những cơn gò theo kiểu đau bụng kinh với mức độ nhẹ rồi nặng dần.
Tần suất của các cơn gò có thể 20-30 phút/cơn, đôi khi là 5-10 phút mới xuất hiện rồi dừng lại.
Cơn đau chuyển dạ chỉ thực sự bắt đầu khi bạn thấy đau bụng quặn dữ dội, rồi đau lan xuống 2 chân, đau sang vùng lưng và lại lên bụng. Những cơn đau đến dồn dập, càng lúc càng mạnh, kéo dài.
Lúc nào mới đi bệnh viện?
Việc khởi phát chuyển dạ và hạ sinh em bé không phải xuất hiện cùng một lúc vì vậy mẹ bầu nên bình tĩnh để thu xếp đồ dùng, thông báo cho người thân và di chuyển đến bệnh viện một cách an toàn.
Tuy nhiên, nếu bạn đã có những dấu hiệu đặc biệt sau thì cần vào viện ngay, càng sớm càng tốt:
- Các cơn đau xuất hiện cách nhau dưới 5 phút. Muốn biết điều này, khi các cơn đau bắt đầu bạn cần nên đo thời gian từ lúc bắt đầu cơn gò này đến lúc bắt đầu cơn gò tiếp theo.
- Bạn thấy vỡ ối hoặc ra máu tươi.
- Bạn cần sự giúp đỡ của chuyên gia y tế để chống chọi với những cơn đau.
Việc khởi phát chuyển dạ và hạ sinh em bé không phải xuất hiện cùng một lúc vì vậy mẹ bầu nên bình tĩnh để thu xếp đồ đạc trước khi đến bệnh viện. (ảnh minh họa)
Khi tới bệnh viện...
Nếu bạn đã đăng ký sinh tại một bệnh viện nào đó thì nên gọi điện thông báo cho họ biết trước rằng bạn đã có dấu hiệu chuyển da gần sinh để cho chuẩn bị đón tiếp.
Khi đến bệnh viện, bạn sẽ được thăm khám tại phòng cấp cứu sản khoa. Nếu bạn đã có hồ sơ sinh thì các bước thăm khám sẽ diễn ra nhanh chóng, dễ dàng hơn còn không bạn sẽ được đo thân nhiệt, huyết áp, bắt mạch, làm môt số xét nghiệm máu và nước tiểu.
Bạn cần nằm yên một chỗ để bác sĩ thực hiện việc theo dõi tim thai. Cứ 20-30 phút họ sẽ kiểm tra tim thai một lần. Nếu mọi chỉ số đều tốt thì bạn có thể tiếp tục hoạt động bình thường cho đến khi sinh.
Bên cạnh đó bác sĩ hoặc nữ hộ sinh sẽ liên tục khám để kiểm tra cổ tử cung của thai phụ đã mở bao nhiêu phân và quyết định đưa bạn lên bàn đẻ. Bất kể có thắc mắc hoặc điều gì lo lắng bạn hãy hỏi người có chuyện môn càng sớm càng tốt.
Một số biện pháp làm giảm cơn đau chuyển dạ
Xoa bóp: Bạn có thể nhờ sự giúp đỡ của người thân trong gia đình để xoa bóp vùng quanh thắt lưng hoặc các điểm nhức mỏi khắp cơ thể. Đừng ngần ngại nói ra bạn đang đau ở đâu và muốn được trợ giúp.
Đi lại nhẹ nhàng: Bạn vốn là người năng động thì đây chính là lúc bạn cần hoạt động và đi lại nhiều hơn. Điều này nhằm mục đích thúc đẩy quá trình chuyển dạ diễn ra nhanh hơn đồng thời giúp thai phụ quên bớt đi sự “hành hạ” bới những cơn đau.
Cố quên đi những cơn đau: Ai cũng biết là bạn đang rất đau, hãy suy nghĩ tích cực rằng nếu không đau thì làm sao bạn đẻ được con. Trong thời gian chờ đến lúc được lên bàn sinh, bạn có thể làm mọi cách miễn sao phân tán sự tập trung hiện tại của mình là những cơn đau.
Tắm nước ấm: Nước ấm có tác dụng làm giảm sự căng cơ, giảm căng thẳng và hạn chế những cơn đau chuyển dạ cho thai phụ. Một số bệnh viện có phòng dịch vụ thường khuyến khích mẹ bầu tắm hoặc ngâm mình thư giãn trong bồn nước ấm vào giai đoạn chuyển dạ cuối thai kỳ.