Hiếm muộn 2 năm, cặp vợ chồng Hòa Bình vỡ òa khi mang tam thai

Ngày 13/08/2019 06:14 AM (GMT+7)

Khi biết tin mang thai 3, chồng chị Thanh vỡ oà.

Nhìn kết quả đo nồng độ hormone beta hGC 898 mIU/ml, chị Nguyễn Phương Thanh (Xóm Trung, xã Trung Minh, thành phố Hoà Bình, tỉnh Hòa Bình) vỡ òa trong hạnh phúc, mừng đến mức không thể cầm điện thoại gọi cho chồng để báo kết quả vì quá run.

Suốt gần 6 tháng nay, vợ chồng chị Thanh tất bật chăm 3 con nhỏ. Mang thai, “vượt cạn” và chăm sóc 3 em bé vốn rất khó khăn nhưng nhìn vẻ mặt mãn nguyện xen lẫn tự hào sau chuỗi ngày dài vất vả mong ngóng tiếng em thơ.

“Cứ tưởng đời trai trẻ đã chấm hết!”

Chị Nguyễn Phương Thanh và anh Nguyễn Xuân Phúc kết hôn năm 2016. Sau ngày cưới những tưởng tổ ấm nhỏ sẽ sớm chào đón thêm thành viên mới. Thế nhưng nỗi niềm mơ ước vẫn chưa thực sự đến bên gia đình, anh chị sớm lâm vào cảnh chậm con. Biết bản thân khó mang thai, anh chị ngày đêm không ngại mưa gió cần mẫn tìm tòi sách vở và các địa chỉ chữa hiếm muộn để lui tới thăm khám, xin thuốc.

Hiếm muộn 2 năm, cặp vợ chồng Hòa Bình vỡ òa khi mang tam thai - 1

Chị Nguyễn Phương Thanh và anh Nguyễn Xuân Phúc kết hôn năm 2016

Hai năm trôi qua cùng với sự nỗ lực và cố gắng nhưng hai vợ chồng chưa được đón nhận tin vui. Anh chị đã bắt đầu tìm đến các bệnh viện để thăm khám. Hè năm 2018 nhờ lời giới thiệu từ người quen, anh chị quyết định đến Bệnh viện chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Hà Nội để tìm kiếm thêm cơ hội nhưng kết quả đã khiến anh chị như chết lặng, việc chậm có con là do chồng chị không có tinh trùng trong tinh dịch.

Chị Thanh nhớ lại: “Buồn nhất là khi nghe kết quả khám của chồng, không có tinh trùng trong tinh dịch. Nhận tin sốc hai vợ chồng chỉ biết lặng người nuốt nước mắt vào trong, cùng nắm tay động viên nhau cố gắng. Trở về nhà trong nỗi chán chường, khi đó chồng vẫn không nguôi nước mắt, vợ phải an ủi mãi mới thôi khóc”.

Chia sẻ về quãng thời gian đi bệnh viện khám bệnh, anh Phúc tâm sự: “Sau khi thăm khám, cầm kết quả trên tay và được bác sĩ kết luận vợ bình thường còn chồng không có tinh trùng trong tinh dịch, nghe xong mà buồn không thể tả nổi. Lúc đó mình không nghĩ được gì, cứ tưởng đời trai trẻ đã chấm hết ở đây”.

Hiếm muộn 2 năm, cặp vợ chồng Hòa Bình vỡ òa khi mang tam thai - 2

Sau ngày cưới những tưởng tổ ấm nhỏ sẽ sớm chào đón thêm thành viên mới

Một thời gian ngắn sau đó, anh chị trở lại bệnh viện kiểm tra, bác sĩ chẩn đoán anh khả năng cao là tắc ống dẫn tinh. Có thể can thiệp bằng phẫu thuật để nối thông đường dẫn tinh, tuy nhiên phương pháp này tỷ lệ thành công chỉ 50/50. Phương án thứ hai được đưa ra nhằm rút ngắn thời gian và tăng hiệu quả điều trị là tiến hành thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).

Theo lời chị Thanh, những ngày đầu tiến hành “tìm con” bằng phương pháp hiện đại, hai vợ chồng rong ruổi giữa thời tiết ngày hè trên chiếc xe máy lộ trình Hòa Bình – Hà Nội. Vất vả là vậy nhưng khao khát có được con thơ đã thôi thúc vợ chồng cùng cố gắng, dù có mâu thuẫn hay xích mích song vẫn không cho phép bản thân lùi bước.

Trước khi chuyển phôi chị Thanh chú trọng đến việc ăn uống nhờ sự tư vấn của bác sĩ, tham khảo trên các trang mạng, kinh nghiệm của các đôi vợ chồng có cùng hoàn cảnh: Ăn lòng trắng trứng, uống sắt, viatamin tổng hợp, DHA.

Chọc mào tinh là để tìm tinh trùng trong tinh hoàn

Tháng 7/2018 hai vợ chồng anh chị quyết định làm hồ sơ thụ tinh trong ống nghiệm. Về phía anh chồng do tắc ống dẫn tinh nên đã được bác sĩ cho chỉ định chọc mào tinh là để tìm tinh trùng trong tinh hoàn. Ngày 9/7/2018 chị chính thức được chuyển phôi. Kết quả cho thấy phôi ngày 5 không thành công, còn duy nhất 3 phôi trữ ngày 3, như vậy chặng đường thụ tinh trong ống nghiệm của anh chị lại dài thêm chút nữa.

Vốn là người cẩn thận, anh chị luôn chăm chút dinh dưỡng đầy đủ. Sau khi chuyển phôi chị nghỉ ngơi ăn uống điều độ với thực đơn đảm bảo nhiều dưỡng chất như ăn bơ, đậu bắp, cháo cá chép... Đặc biệt luôn giữ tinh thần thoải mái.

Hiếm muộn 2 năm, cặp vợ chồng Hòa Bình vỡ òa khi mang tam thai - 3

Thế nhưng, phải chờ 2 năm sau đó, 3 thiên thần mới về bên bố mẹ

Ngày nhận kết quả xét nghiệm, chỉ số hormone beta hGC 898 mIU/ml – kết quả có thai khiến anh chị vỡ òa trong sung sướng khi được bác sỹ thông báo đậu 3 thai. Thế nhưng, niềm hạnh phúc đó được nhân lên gấp 3 khiến nỗi lo lắng trong lòng anh chị lại nhanh chóng ùa về bởi mang thai 3 đồng nghĩa với nhiều nguy cơ, sinh non, tiền sản giật, truyền máu thai nhi… Anh chị cũng sợ rằng một lúc 3 em bé chào đời thì sức khoẻ các con sẽ không được tốt như những gia đình sinh một bé ngoài kia.

Mang bầu chị Thanh trải qua khoảng thời gian ốm nghén dài, người mệt mỏi không ăn uống được. Thai 12 tuần chị phát hiện bị tiểu đường thai kỳ. Đến tuần thứ 31 chị bị dọa sinh non do thai to làm tử cung mở rộng, buộc phải xuống bệnh viện ở Hà Nội nằm dưỡng thai.

Mặc dù vậy, chị Thanh vẫn vui vẻ bởi mình có được sự động viên lớn lao từ ông xã. Từ thời khắc chữa chạy hiếm muộn đến khi xuất hiện mầm sống trong bụng, những lần thăm khám thai định kỳ, anh luôn là người đồng hành trên mọi bước đường của 4 mẹ con.

Hiếm muộn 2 năm, cặp vợ chồng Hòa Bình vỡ òa khi mang tam thai - 4

Để có được những em bé khỏe mạnh, chị Thanh đã cùng chồng trải qua một hành trình đầy thử thách

Mang thai 3 nên khi bầu chồng chị đã quyết định xin cho vợ xin nghỉ không lương. Suốt quãng ngày nghỉ ở nhà dưỡng thai, chị vẫn nhận được hết những cử chỉ yêu thương, quan tâm của chồng. Chính vì những sự an ủi, động viên đó của gia đình và điểm tựa từ chồng mà chị có được tâm lý thoải mái trong suốt thai kỳ.

Chị Thanh chia sẻ lần đầu mang thai, lại mang thai 3 nên chị gặp rất nhiều bỡ ngỡ. Vừa lo lắng cho các con, lại sợ cho chính sức khỏe của mình, chị không ngừng học hỏi kinh nghiệm của những người đã mang thai 3 trước đó. Với hy vọng giúp con phát triển cân nặng tốt nhất, mỗi ngày chị ăn làm nhiều bữa, không để các em bé phải chịu đói ngay cả khi còn ở trong bụng mẹ.

Đến tuần thứ 36 một lần nữa chị lại xuất hiện những cơn co theo đợt. Dấu hiệu chuyển dạ cũng ập đến, các bác sĩ đã tiến hành mổ bắt em bé, gia đình hào hứng đón ba cô công chúa trong niềm vui khó tả, các em bé lần lượt chào đời với cân nặng 1.75kg, 1,8kg và 2,0kg được đặc tên vô cùng thân thương là Nguyễn Diệu Huyền, Nguyễn Diệu Anh và Nguyễn Diệu Hiền.

Hiếm muộn 2 năm, cặp vợ chồng Hòa Bình vỡ òa khi mang tam thai - 5

Giờ đây các con đã gần 6 tháng tuổi, phát triển khỏe mạnh, ba bé đều đang tập những bước lẫy đầu tiên của cuộc đời, chị Thanh và anh Phúc đều cảm thấy mãn nguyện với hạnh phúc mình đang có

Đến bây giờ, nhớ lại ngày đi đẻ của mình, chị Thanh vẫn không giấu được cảm xúc: “Nhớ lúc nằm trên bàn mổ, rất nhiều cảm xúc ùa về, vừa hồi hộp, lo lắng lại đau gò bụng. Mặc dù rất run, lo sợ cho các con nhưng cảm giác đó cũng nhanh chóng trôi qua khi lần lượt 3 bé cất tiếng khóc chào đời”.

Giờ đây các con đã gần 6 tháng tuổi, phát triển khỏe mạnh, ba bé đều đang tập những bước lẫy đầu tiên của cuộc đời. Mặc dù vất vả vì chăm 3 bé nhưng mỗi lần nhìn các con ngủ chị lại quên hết mệt mỏi. Điều chị mong muốn nhất đó là các con hay ăn chóng lớn, chị và chồng sẽ cố gắng làm tất cả sức mình để mang những điều tốt đẹp nhất đến với các con.

Thạc sĩ, Bác sĩ Đinh Hữu Việt – Trưởng khoa Ngoại - Tiết niệu và Nam học -  Bệnh viện chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Hà Nội - là người trực tiếp chọc mào tinh tìm tinh trùng trong tinh hoàn cho vợ chồng anh Phúc để làm thụ tinh ống nghiệm. Bác sĩ cho biết, theo thống kê, hiện có khoảng 15% các cặp vợ chồng không có thai trong thời gian một năm và cần có sự can thiệp của y tế, trong đó tỉ lệ vô sinh ở cả nam và nữ là ngang nhau, chiếm khoảng 40% các trường hợp vô sinh hiếm muộn.

Đáng chú ý, trong số các trường hợp vô sinh nam, thì nhóm vô sinh do vô tinh (vẫn xuất tinh bình thường nhưng không có tinh trùng trong tinh dịch) chiếm từ 10-15% và đang có xu hướng gia tăng. Đây có thể hiểu là tình trạng nam giới xuất tinh, nhưng không có tinh trùng trong tinh dịch. Có hai nguyên nhân dẫn đến tình trạng này: Thứ nhất, do đường dẫn bị tắc hoặc không có đường dẫn; thứ hai là do tinh hoàn sản xuất kém hoặc không sản xuất tinh trùng- tình trạng này gọi là vô tinh không bế tắc, thường sẽ khó khăn hơn.

Theo bác sĩ Việt, với những trường hợp vô tinh do đường dẫn tinh bị tắc, thì chỉ cần mổ vi phẫu cắt bỏ đoạn tắc và nối lại ống dẫn tinh, mào tinh. Tỉ lệ thông sau nối khoảng 60-80%, mang lại cơ hội có thai tự nhiên. Riêng đối với vô tinh không bế tắc, trước đây là những trường hợp y học không thể can thiệp, hy vọng người đàn ông có con bằng chính tinh trùng của mình gần như bằng 0. Tuy nhiên, hiện đã có kỹ thuật điều trị mới, mang lại hy vọng và niềm hạnh phúc thực sự cho nhiều gia đình. Micro TESE (Microdisection Testicular Sperm Extraction)- vi phẫu tìm tinh trùng từ mô tinh hoàn- kỹ thuật đột phá được các chuyên gia điều trị vô sinh bắt đầu đưa vào điều trị trong thực tế từ năm 1999, đến nay đã ứng dụng rộng rãi trên thế giới đã đạt được những kết quả kỳ diệu.

Đôi mắt đỏ hoe lần đầu ngắm con của người vợ mang thai từ chồng không có tinh trùng
Ở gần độ tuổi tứ tuần, anh Tào Đình Phúc mới được hưởng niềm hạnh phúc làm bố. Đối với anh, để có được niềm hạnh phúc này phải "đánh đổi" 8 năm với...
Như Loan - Ảnh: NVCC
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề 9 tháng 10 ngày khổ tận cam lai