Hơn 80% bà mẹ sẽ gặp phải triệu chứng buồn chán, trầm cảm sau sinh đấy các mẹ nhé.
Khác với cảm giác háo hức chờ đón con gái đầu lòng trong suốt thai kỳ, sau khi sinh bé Nina, mình lại lâm vào tình trạng chán nản, buồn bã và thất vọng vì một điều gì đó không rõ ràng. Tâm trạng này đã hành hạ mình suốt 3 tháng đầu sau sinh, hậu quả là ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình cảm gia đình cũng như tâm lý, sức khỏe của cả hai mẹ con. Rất may là nhờ ông xã luôn bên cạnh quan tâm, chăm sóc nên cuối cùng mình cũng đã vượt qua được stress và cân bằng lại cảm xúc. Hy vọng những bí quyết mà mình chia sẻ ngay sau đây sẽ giúp các mẹ có cùng hoàn cảnh mau chóng vượt qua giai đoạn biến đổi cảm xúc rất tiêu cực sau khi sinh, vì mình thấy rất nhiều chị em cũng từng lâm vào hoàn cảnh như mình.
Không biết các mẹ khác đối diện với em bé mới sinh của mình như thế nào? Chắc là rất hạnh phúc và sung sướng vì lần đầu tiên được chạm vào làn da non nớt của bé, được nghe tiếng bé khóc, được tận hưởng cảm giác gắn kết mẹ con khi cho bé bú? Mình cũng từng hình dung như vậy trong suốt thai kỳ, vậy mà sau khi vật lộn gần 5 tiếng đồng hồ mới sinh được Nina, mình mệt phờ đến nỗi không còn chút sức lực, nên khi bác sĩ đưa bé cho mình xem, mình nhìn mà như không thấy. Nina lúc đó cũng chẳng giống những gì mình từng tưởng tượng về thiên thần nhỏ của mình. Da bé nhăn nheo, đầu lại trọc và người thì đỏ hỏn, nhỏ xíu. Lúc đó một cảm giác thất vọng và cả thất bại ùa về, sau đó mình lại bị chìm trong cảm giác hối hận vì không phải là một bà mẹ tốt. Đúng ra phải vui mừng và âu yếm con chứ?
Hơn 80% bà mẹ sẽ gặp phải triệu chứng buồn chán, trầm cảm
sau sinh đấy bạn ạ. (ảnh minh họa)
Cảm giác này càng đè nặng lên mình sau suốt một đêm dù cố gắng, mình vẫn không có một giọt sữa nào, còn bé Nina thì khóc đỏ cả mặt vì đói. Nhìn bà nội vội vàng bế bé, cho bé bú sữa bình, mình còn có cảm giác bà đang trách móc mình làm mẹ mà không hoàn thành nhiệm vụ. Vì vậy, mình lại càng cảm thấy buồn chán và mệt mỏi hơn. Suốt thời gian trong bệnh viện, dù cố gắng lắm mình cũng chỉ có một ít sữa nên Nina càng bú lại chỉ nuốt được hơi, còn mình lại đau rát hai bầu ngực như bị kim châm. Cộng với cái xót mỗi lần đi vệ sinh do vết cắt tầng sinh môn chưa lành hẳn, rồi bộ dạng nhếch nhách, xuề xòa đến kinh ngạc, mình đâm ra thất vọng với chính bản thân, chẳng còn thiết đến việc chăm sóc Nina nữa.
Mình cũng tưởng là do không khí áp lực của bệnh viện nên ảnh hưởng tâm lý, nhưng không ngờ về nhà tình trạng lại càng nặng hơn. Chỉ sau 1 tháng mình đã không còn ra sữa, Nina lại phải bú bình dù bà nội cố ép mình ăn đủ các món ăn giàu dinh dưỡng. Càng ép mình càng cố tìm cách bỏ đi, lại càng thấy mệt mỏi và buồn chán, không muốn gần chồng cũng chẳng muốn trông con. Đến tháng thứ 3 thì chồng mình nghĩ là thật sự đã có vấn đề về tâm lý với mình, vì vậy anh ấy dành nhiều thời gian hơn cho mình, tìm những tài liệu về trầm cảm sau sinh cho mình đọc, rồi tranh thủ giữ con cho mình đi mua sắm hay đến tiệm làm tóc, gội đầu với bạn bè. Nhờ sự chăm sóc tận tình của ông xã mà mình lấy lại quân bình, và từ từ bắt đầu cảm thấy gần gũi với chồng và con hơn. Mặc dù bây giờ đôi lúc vẫn cảm thấy mệt mỏi, lo âu nếu phải thức khuya cho bé bú, nhưng tâm lý đã ổn định và cải thiện rất nhiều. Trải qua lần sinh này, mình cũng đã hiểu ra nhiều cách để bản thân có thể thoải mái hơn để đánh tan stress sau sinh. Các mẹ cùng tham khảo kinh nghiệm của mình nhé.
Hãy chia sẻ cảm xúc: Điều này cực kỳ quan trọng để giảm căng thẳng và buồn chán đấy các mẹ ạ. Nên chia sẻ cảm xúc của mình với những người thân yêu nhất, đặc biệt là chồng mình để anh ấy có thể thông cảm và từ đó góp sức cùng mình trong cuộc “chiến” chống lại trầm cảm sau sinh. Càng che đậy cảm xúc, bạn càng làm cho vấn đề trở nên xấu đi. Nói chuyện cởi mở với chồng là một trong những cách hay nhất để giải tỏa áp lực của bạn trong vai trò làm mẹ, từ đó cũng dễ ngăn ngừa không cho chúng phát triển thành những rối loạn cảm xúc nghiêm trọng.
Hãy nghỉ ngơi càng nhiều càng tốt: Các tài liệu mình nghiên cứu về chứng buồn chán, trầm cảm sau sinh đều chỉ ra rằng quá kiệt sức cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi cảm xúc đầy tiêu cực. Vì vậy chứng mệt mỏi chắc chắn sẽ làm trầm cảm tệ hơn và khó đương đầu hơn. Nếu thấy mệt, hãy ngưng công việc ngay và nằm nghỉ, chân gác lên cao. Bạn cũng cố gắng ngủ được giấc nào hay giấc ấy trong ngày, và nếu được hãy nhờ người thân giúp mình cho bé bú ban đêm. Rất may là ông xã mình hiểu rất rõ tác dụng của việc nghỉ ngơi để hồi phục sức khỏe, nên tranh thủ thời gian rảnh là lại giành việc trông chừng con cho mình được nghỉ ngơi hay có những giấc ngủ ngắn. Cơ thể khỏe hơn sẽ giúp tinh thần phấn chấn hơn đấy bạn.
Có chế độ dinh dưỡng hợp lý: Việc cơ thể thiếu Kali có thể làm cho chứng trầm cảm, buồn chán sau sinh ngày càng nặng hơn. Do đó các mẹ nên bổ sung lượng Kali cho cơ thể bằng các thực phẩm giàu chất này như chuối, cà chua v.v…, kết hợp chế độ ăn nhiều rau xanh và trái cây tươi khác để cơ thể đủ chất. Không cần ăn quá nhiều, nên cân đối bữa ăn, và ăn nhiều bữa trong ngày. Đồng thời tránh ăn ngọt và các thực phẩm nhiều cafein như cafe, chocola, trà, bánh kẹo v.v…Các mẹ cũng đừng ăn kiêng khem quá nghiêm ngặt vì thiếu dinh dưỡng cũng sẽ ảnh hưởng đến thể chất và tinh thần, chưa kể tác hại đầu tiên là giảm tiết sữa, giảm chất lượng sữa cho bé.
Chế độ dinh dưỡng giàu kali, nhiều rau xanh và trái cây tươi
sẽ rất tốt cho các mẹ đấy nhé (ảnh minh họa)
Hãy tự chiều chuộng bản thân mình: Bạn đừng tự ép bản thân mình làm những gì mình không muốn làm, bằng không chúng sẽ lại càng gây khó chịu cho bạn. Cũng đừng lo buồn vì mình không giữ gìn nhà cửa ngăn nắp, gọn gàng mà hãy nhờ người thân hỗ trợ. Hãy làm từng phần việc nhỏ nhặt thay vì ôm đồm một khối lượng lớn công việc cùng một lúc, đồng thời sau khi xong việc hãy “tự thưởng” cho mình được nghỉ ngơi, thư giãn. Bạn cũng nên tránh những việc nổi lên bất ngờ như bắt đầu một công việc mới, dọn nhà mới hoặc trang hoàng lại nhà cửa v.v… Mình vẫn thường tự chiều chuộng bản thân bằng việc nhờ chồng trông Nina, sau đó cùng bạn bè đi siêu thị, mua sắm, đi mat xa, làm tóc, gội đầu v.v… Khi tạm rời xa các áp lực, mình được thư giãn tối đa và cảm thấy nhẹ nhõm hơn nhiều.
Đừng lo âu quá: Thường sau khi sinh, các mẹ thường sẽ bị nhiều chứng đau nhức, nếu lúc này mà bạn xuống tinh thần, thì tình trạng sẽ còn tệ hơn nữa. Hãy đón nhận một cách bình thản nhất có thể, bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy rằng chúng hầu như sẽ biến mất khi bạn nghỉ ngơi thư giãn. Cũng đừng tự gây áp lực hay tự trách mình, bạn nên biết rằng có đến 80% phụ nữ rơi vào tình trạng như bạn, và tình trạng này được giải thích là do sự thay đổi quá đột ngột của mức nội tiết tố trong cơ thể giữa trước và sau khi sinh: mức protesterone sẽ tuột từ khoảng 150 nanograms/1 ml xuống còn ít hơn 7 nanograms/1 ml, rồi dao động xuống bằng 0; còn estrogen sẽ tuột từ khoảng 2000 nanograms/1 ml xuống còn 20 nanograms/1 ml, rồi dao động ở mức 10 nanograms/1 ml. Chính việc cơ thể khó lòng thích ứng ngay với sự tuột dốc của nội tiết tố, cùng với các vấn đề cá nhân hay quan hệ gia đình, xã hội sẽ tạo điều kiện cho chứng trầm cảm sau sinh có dịp hoành hành bạn.
Tập thể dục, vận động nhẹ nhàng: Hãy tạo cho mình thói quen tập thể dục với các môn thể thao nhẹ nhàng, không đòi hỏi gắng sức như yoga, đi bộ, bơi lội v.v…Việc đi dạo cùng chồng trong không gian xanh mát ở công viên hay vườn nhà cũng giúp ích rất nhiều cho bạn đấy.
Hơn nữa, bạn đừng quá trách bản thân nếu cảm thấy mình vô dụng hay vụng về, không thể chăm sóc con tốt như các bà mẹ nhiều kinh nghiệm khác. Hãy tự dễ dãi một chút với bản thân mình, vì không có người phụ nữ nào có khả năng nuôi con ngay lập tức, đây là việc cần thời gian học hỏi và tích lũy kinh nghiệm mới có thể đạt được, bạn nhé.