Chị Khánh Linh cho biết dù cơ thể bị tàn phá nặng nề sau sinh nhưng ngắm nhìn thiên thần nhỏ bên cạnh là quên hết mọi đau đớn, xấu xí.
Mỗi người mẹ lại có những kỉ niệm, cảm giác khác nhau về ngày đi sinh, chào đón một "thiên thần" đến với thế giới. Với chị Vũ Khánh Linh (23 tuổi, Hà Nội), ngày sinh bé đầu lòng là một kỉ niệm khó quên trộn lẫn giữa cảm giác háo hức, hạnh phúc và đau đớn đến tột cùng vì chị phải chịu đựng cả đau đẻ, đau mổ và áp xe ngực sau sinh.
Bà mẹ trẻ đăng ảnh cho thấy sự thay đổi của mình từ ngày con gái đến khi sinh con.
Khổ sở vì vừa đau đẻ vừa đau mổ
Chị Linh dự sinh vào ngày 14/2 nhưng ngày 5/2 (đúng mùng 1 Tết Âm lịch) chị đã có nhưng cơn co như chuyển dạ. Tuy vậy, khi vào viện khám thì bác sĩ cho biết đây chỉ là cơn chuyển dạ giả nên cho chị về nhà, chờ đến mùng 4 Tết quay lại khám.
"Tối ngày mùng 3 mình đã có linh cảm sắp sinh nên đã chuẩn bị tắm gội sạch sẽ và bảo với chồng là có lẽ sẽ đẻ vào ngày mai. Đến 6h sáng mùng 4 Tết, mình đang ngủ thì bị vỡ ối. Đầu tiên mình cũng không biết nhưng đến khi thấy nước chảy nhiều quá, ướt cả đệm nên mình đã vội vàng gọi chồng rồi hai vợ chồng khẩn trương vào viện.
Bác sĩ đưa mình vào phòng nằm chờ đẻ và lắp máy đo cơn gò, lúc này mình vẫn chưa có cơn gò nhiều, bác sĩ vẫn tiếp tục cho mình nằm chờ. Đến 8h sáng mình bắt đầu có cơn gò chuyển dạ, lúc này cơn gò bắt đầu tăng dần theo từng phút, cứ 5 phút đau một lần và đau quặn như bị thắt ruột vậy".
Chị Linh phải chịu đựng "combo" vừa đau đẻ vừa đau mổ.
Vốn là người chịu đau không tốt, chị Linh "quằn quại" đến 10 giờ sáng nhưng bác sĩ khám cho biết cổ tử cung chị mới mở 2cm. Lúc này, mẹ bầu trẻ không chỉ đau bụng mà chân tay còn run rẩy, mệt và lả dần đi do tụt huyết áp. Thêm vào đó, chị Linh lo sợ em bé trong bụng bị ngạt nên đã xin mổ.
Dù bác sĩ nói chị nên đợi thêm để sinh thường nhưng người nhà đợi bên ngoài nhìn thấy chị đau đớn mà không biết nên bao giờ mới đẻ được nên đã tiếp tục xin cho chị được đẻ mổ theo yêu cầu.
Kể lại quá trình sinh mổ của mình, chị Linh chia sẻ: "10h15 mình bắt đầu mổ. Quá trình đẻ mổ của mình cũng khó quên. Việc đầu tiên là di chuyển vào phòng mổ vô trùng, phòng mổ này vô cùng lạnh nhé, người mình cơ thể lúc này bị tụt huyết áp nên vào đến phòng mổ người mình bị run giống như co giật vậy.
Khi vào phòng mổ bác sĩ bắt đầu quá trình sát trùng và gây tê màng cứng, mình phải nằm cong người để bác sĩ thực hiện quá trình này, khá là đau vì mình cảm nhận từng nơi mà kim tiêm đâm vào tuỷ sống, mình cảm nhận rõ mũi tiêm đi vào từng khúc sống lưng luồn vào xương. Sau lúc này là hai chân mình và nửa thân dưới hoàn toàn tê cứng, bác sĩ bắt đầu mổ và mình chỉ có cảm giác tê tê, mình nghe thấy tiếng kéo, và tiếng rạch.
Sau khoảng 7 đến 10 phút thì mình nghe thấy tiếng khóc của con, đây là khoảnh khắc mà dù sau này có thế nào mình cũng không bao giờ quên được. Con khóc, mẹ cũng khóc, mẹ khóc vì hạnh phúc khi nghe thấy tiếng của bạn nhỏ đã ở lì suốt 9 tháng trong bụng mẹ.
Nghe con cất tiếng khóc chào đời, chị Linh cũng bật khóc vì hạnh phúc.
Bác sĩ có cất tiếng hỏi mình vì không thấy mình nói gì, quả thật là lúc này mình bị kiệt sức do cơn đau đẻ buổi sáng nên mình không nói nổi nữa rồi. Bác sĩ hỏi mình: "Cháu nghe thấy tiếng con khóc chưa Linh?" Mình cố gắng gật đầu và đáp lại dù lúc này thật sự người mình bị mê man và không còn thấy có cảm giác gì nữa rồi".
Nhớ lại "cơn đau đẻ trong truyền thuyết" mà nhiều chị em vẫn kháo nhau là "không có gì trên đời đau đớn hơn", chị Linh diễn tả: "Mình thấy đau đẻ giống như rất nhiều thứ đè lên người vậy, cảm giác như bị chấn thương đột xuất. Bản thân mình chịu đau kém nên cảm giác không khác gì ác mộng".
"Ác mộng" kéo dài sau sinh do áp xe ngực
Bế được "thiên thần nhỏ" trong tay, chị Linh những tưởng mình đã được thở phào khi vượt qua cơn đau thấu trời khi sinh. Vậy nhưng chị không ngờ sau sinh chị còn phải đối mặt với một cơn "ác mộng" khác chính là áp xe ngực.
"Vừa có sữa về là mình bị tắc rồi nổi cục áp xe ngực cứng như đá. Mình đau ngắc ngoải, muốn cho con bú để hết tắc thì đến lượt đầu ti bị nứt toác chảy cả máu khiến bản thân càng thêm áp lực, căng thẳng. Khi bị nứt cổ gà thì mình cũng không dám cho bé bú nữa vì lo nhiễm trùng nên sữa càng tắc hơn", chị Linh kể lại.
Sau sinh, bà mẹ trẻ tiếp tục khổ sở vì tắc tia sữa và nứt đầu ti.
May mắn sau đó, chị được y tá hướng dẫn cách khắc phục là thoa sữa non vào chỗ nứt, bôi thuốc nứt cổ gà, hạn chế tiếp xúc nước để vết thương mau lành. Việc bị tắc tia sữa thì chị tiến hành chườm nước nóng và massage hàng ngày đồng thời dùng máy hút sữa hút sữa ra.
Đến nay 14 ngày sau sinh, chị Linh đã thoát khỏi cơn ác mộng tắc tia sữa. Hàng ngày chị hút đều đặn 100ml cho bé bú.
Trải qua hành trình mang thai và sinh con đầy gian nan, chị Linh tâm sự: "Mình lãi được thằng cu và một đống sẹo, vết rạn đen chằng chịt. Cũng được trải nghiệm nhưng cơn đau mà đến giờ nhớ lại còn rùng mình".
Tuy đau đớn nhưng chị Linh hạnh phúc khi thấy con chào đời khỏe mạnh.
Tuy vậy, chị Linh chia sẻ ban đầu mới sinh bản thân thấy sợ và căng thẳng nên nghĩ sẽ không đẻ nữa. Nhưng đến nay mọi chuyện đã "vào guồng", nhìn con ngày một lớn lên khỏe mạnh, đáng yêu, chị lại thấy có con là một niềm hạnh phúc nên không còn sợ nữa.
"Hơn nữa, suốt quá trình từ lúc mang thai đến sinh em bé, chồng và gia đình hai bên là chỗ dựa vững chắc nhất cho mình. Mọi người đều rất quan tâm và chu đáo, hơn nữa chồng mình rất thương vợ nên đa số việc nhà cửa hay công việc của cửa hàng chồng đều đỡ cho mình", chị Linh nói thêm.
Cùng với những dòng chia sẻ nhật ký đi đẻ của mình, chị Linh cũng đăng tải bức ảnh về sự thay đổi của cơ thể từ trước khi mang bầu và sau sinh. Chị cho biết cơ thể mình bị tàn phá ghê gớm nhưng đó là sự hy sinh xứng đáng để có thiên thần đáng yêu nằm cạnh như bây giờ. Bức ảnh ngay lập tức nhận về rất nhiều lượt yêu thích và đồng cảm của các mẹ bỉm sữa.
Bà mẹ trẻ may mắn vì luôn có chồng đồng hành từ ngày mang bầu đến khi sinh nở hay chăm sóc con.