Chị Hồng Ngọc kể: “Lúc mới mổ áp xe xong mình cởi áo ra. Máu thấm ướt qua 10 tấm gạc, vừa tháo gạc ra để thay gạc mới thì máu nhỏ xuống ướt đầy nền nhà..., giờ nghĩ lại vẫn thấy rùng mình.”
Mang thai, sinh nở là một hành trình rất đặc biệt. Có nhiều người may mắn trải qua thai kỳ dễ dàng, suôn sẻ nhưng cũng có không ít người phải khổ sở với "thiên chức" làm mẹ. Mang thai lần đầu ở tuổi 23, chị Lê Hồng Ngọc (sống tại TP.HCM) chưa bao giờ lường trước được thai kỳ của mình lại vất vả từ ngày bầu đến tận lúc sau sinh.
Mọi đau đớn do tắc tia sữa và áp xe vú đã dần vơi đi nhưng chị Ngọc chưa tin sẽ có ngày hôm nay nên nhờ chồng chụp cho một tấm ảnh làm kỉ niệm.
Suốt thai kỳ ngày nào cũng uống 10 quả dừa và 1 lít sữa tươi
Chị Ngọc vẫn nhớ như in quãng thời gian bầu bí đầy khó khăn mà chị vừa trải qua. Ngay từ những ngày đầu mang thai, chị đã gặp phải nhiều thử thách, mỗi lần đi siêu âm chị đều được bác sĩ cảnh báo về tình trạng thiểu ối, cần phải bổ sung nước để em bé có thể sống sót và phát triển.
Nghe lời bác sĩ, mỗi ngày chị uống 2 lít nước nhưng cũng không đủ, có thời gian do quá ít nước ối báo động ảnh hưởng đến thai nhi chị phải truyền liên tục 7 chai nước biển và nước đường.
“Trung bình suốt 37 tuần mang thai, ngày nào mình cũng uống 10 quả dừa và 1 lít sữa tươi đều đặn, vì nghĩ cho con nên nhiều khi uống đến phát trớ vẫn phải uống. Rất may đến khi sinh thì em bé hoàn toàn khỏe mạnh”, chị Ngọc chia sẻ.
Mặc dù suốt thai kỳ bị thiểu ối nhưng đến khi sinh thì em bé hoàn toàn khỏe mạnh.
Chịu đau đớn rạch ngực khủng khiếp hơn đau đẻ để chữa áp xe vú
Thai kỳ đã vất vả là thế, chị Ngọc tự nhủ mọi chuyện sẽ suôn sẻ hơn khi con đã chào đời khỏe mạnh. Vậy nhưng sau sinh không lâu, bà mẹ trẻ phải đối mặt với nỗi kinh hoàng mang tên tắc tia sữa.
Vài ngày sau phẫu thuật, ngồi nghĩ lại cảm giác tắc sữa đến nứt toét cả đầu vú rồi những lần ổ mủ chảy máu lênh láng khắp nền nhà và bồn rửa mặt khiến chị Ngọc vẫn còn cảm giác “rùng mình”. Chị Ngọc kể lại, lúc đầu có dấu hiệu tắc tia sữa chị cũng đã chuẩn bị tinh thần dễ bị áp xe vú nhưng không nghĩ lại đau đớn đến vậy.
Do quá nhiều sữa và sữa lại đặc nên chị phải dùng máy hút sữa, ban đầu chị chỉ bị nứt rất nhẹ giống như các mẹ cho con bú khác nhưng do sữa rò ra liên tục, vết nứt khó khô được nên ngực của chị luôn trong tình trạng ẩm ướt, dần dần vết nứt càng ngày càng nặng khiến vùng da đầu nhũ hoa bị lột hoàn toàn.
Chị Ngọc kể lại: “Lúc toét hết đầu ti mình lại thấy có biểu hiện tắc sữa, phải chườm nước nóng nhưng không đỡ, chồng đi làm xa nhà nên mình ở với mẹ đẻ, đêm đến vắt sữa không ra được đau khủng khiếp. Thật sự là còn đau đớn hơn cả lúc đẻ”.
Không chịu được đau đớn, chị Ngọc ra hiệu thuốc thì được nhà thuốc cho bôi kem hăm của trẻ nhỏ nhưng cũng không có hiệu quả với cơn đau do tắc sữa của chị. Sau khi chuyển sang dùng kháng sinh dạng bôi liền một tuần, chị có dấu hiệu lành vết nứt, thế nhưng ngay hôm sau thì chị bị áp xe ngay lập tức.
Cho đến khi áp xe mỗi lúc một nặng chị Ngọc đi hết viện này đến phòng khám khác, tốn kém rất nhiều tiền nhưng đều không khỏi. Lâu dần ổ áp xe đọng mủ khiến đầu vú lại nứt ra. Cho đến khi chị phải vào bệnh viện, các bác sĩ phải dùng tay xử lý.
“Các bác sĩ dùng tay bóp mạnh đầu vú để một phần tia sữa được thông và giải phóng ổ áp xe. Mình đau đến phát khóc, hét toáng cả căn phòng bệnh viện. Bác sĩ còn dặn về chườm đá cho tuyến vú khỏi sưng, tuyệt đối không được masage và vắt sữa vì vỡ ổ áp xe là nguy hiểm, mà chỉ có thể cho em bé bú”, chị Ngọc tâm sự.
Mặc dù đã mổ xong cách đây vài ngày, nhưng chị Ngọc vẫn nhớ như in cảm giác đau đớn mỗi khi máu chảy và những lần thay băng gạc. (Ảnh: NVCC)
Bà mẹ mới sinh phải chịu cảnh xa con, ngày ngày vào viện để chọc hút ổ mủ áp xe. Việc điều trị gặp nhiều khó khăn vì nhiểu ổ áp xe lớn tạo mủ đặc sệt, kim chọc vào không hút mủ ra được mà mủ dính vào đầu kim, kim đâm tới đâu là mủ dính đi theo tới đó không theo đầu kim ra ngoài được.
Giải pháp cuối cùng cho chị Ngọc đành phải rạch ngực. Bác sĩ phải dùng thuốc cực mạnh để ngăn vi khuẩn không đi vào máu. "Lúc rạch để lấy ổ mủ ra ngoài, mình cảm giác sống không bằng chết, mỗi lần bác sĩ rạch sống và nặn mủ không có 1 tí thuốc tê nào còn đau hơn đau đẻ gấp trăm lần.
Lúc mới mổ áp xe xong mình cởi áo ra. Máu thấm ướt qua 10 tấm gạc, vừa tháo gạc ra để thay gạc mới máu vừa nhỏ xuống ướt đầy nền nhà. Đi vào nhà vệ sinh để rửa ráy thì máu chảy từ ổ mủ đỏ kín cả bồn rửa mặt. Giờ nghĩ lại vẫn thấy “rùng mình”, chị Ngọc nhớ lại.
Đến nay, chị Ngọc đang nghỉ ngơi tại nhà để chờ vết rạch lành hoàn toàn. Vừa ôm con vừa thay miếng gạc đẫm máu trên ngực, bà mẹ trẻ tâm sự có lẽ đây sẽ là nỗi ám ảnh theo chị đến suốt cuộc đời.
Dấu hiệu sớm nhất nhận biết bà mẹ bị áp xe vú
Theo tiến sĩ - Bác sĩ Nguyễn Hữu Trung - Giảng viên Đại học Y Dược TP HCM, áp xe vú là sự tích tụ các sản phẩm của hiện tượng viêm (như mủ) trong mô vú. Áp xe vú thường gặp nhất khi bệnh nhân bị viêm tuyến vú hoặc viêm mô tế bào không được chẩn đoán kịp thời hoặc khi đã được chẩn đoán nhưng không đáp ứng với điều trị bằng kháng sinh.
Tiến sĩ - Bác sĩ Nguyễn Hữu Trung |
Để nhận biết dấu hiệu của áp xe vú, chị em cần nhận biết những triệu chứng của viêm tuyến vú.
- Khi bị viêm tuyến vú, các chị em sẽ thấy những triệu chứng ban đầu như vú bắt đầu sưng lên, căng cứng và đau nhức kèm theo tình trạng sốt, đau tăng khi cử động vai hay cánh tay, hạch ở nách cùng bên sưng to và đau.
- Vùng da vú ở trên ổ viêm lúc đầu thấy có màu sắc bình thường nếu ổ viêm nằm ở sâu bên trong tuyến vú.
- Khi tình trạng viêm tuyến vú không được điều trị sớm, đúng… sẽ diễn tiến thành áp xe vú. Mọi triệu chứng của giai đoạn viêm đều tăng nặng lên: hội chứng nhiễm khuẩn, nhiễm độc như sốt cao, rét run, môi khô, lưỡi bẩn, đau đầu…
- Áp xe vú có mủ sẽ có vùng mềm, mủ không được thoát ra ngoài đóng kén xung quanh và xơ hóa cứng. Phụ nữ sẽ có cảm giác đau khi dùng tay ấn vào khu vực tuyến vú bị áp xe khi cử động vai hoặc cánh tay.
- Phụ nữ đang cho con bú sữa mẹ bị áp xe vú có thể cảm nhận sự xuất hiện của những cục cứng bên trong vú.
- Áp xe vú còn khiến cơ thể phụ nữ tăng thân nhiệt, xuất hiện các cơn sốt nhẹ từ 38 - 40 độ C kèm theo cảm giác ớn lạnh và rùng mình.
- Trường hợp ổ áp xe nằm ở sâu, da vẫn có thể bình thường. Các tĩnh mạch dưới da nổi rõ, hạch bạch huyết sưng viêm, núm vú tụt vào trong.
- Nếu áp-xe vú mà không được điều trị hoặc điều trị không đúng có thể gây biến chứng viêm xơ tuyến vú mạn tính. Lúc này, các triệu chứng đã đỡ: không sốt hay chỉ sốt nhẹ. Có thể sờ thấy một vùng thâm nhiễm rắn như sụn, bề mặt lổn nhổn, không rõ ranh giới, không dính da, ít đau.
- Viêm tấy tuyến vú xảy ra gây mủ tuyến vú khi dịch tiết lẫn mủ nằm giữa các lớp da, mô lỏng lẻo dưới da, mô liên kết và mô tuyến vú. Ổ viêm lan rộng và thấm vào các mô. Biểu hiện bằng hội chứng nhiễm khuẩn, nhiễm độc nặng.
Quy tắc phòng bệnh áp xe vú, mẹ cho con bú phải biết
Bác sĩ Trung khuyến cáo, phụ nữ muốn tránh áp xe vú trong thời kỳ cho bú cần áp dụng các biện pháp sau đây:
- Giữ gìn vệ sinh tốt vùng vú và núm vú trước và sau khi cho con bú. Tránh làm xước sát, rạn nứt đầu núm vú khi cho con bú.
- Tìm hiểu các triệu chứng ban đầu của viêm tắc tuyến vú, áp xe vú… để có thể đi khám bệnh sớm. Tránh quan điểm “kiêng ra khỏi nhà trong 1 tháng đầu sau sinh”.
- Nên cho con bú hết từng lần vú, nếu trẻ bú chưa hết thì vắt sữa ra, tránh ứ đọng sữa, tắc sữa dễ bị áp-xe. Phụ nữ bị áp xe vú đã được phẫu thuật rạch dẫn lưu mủ cần được được nghỉ ngơi, có chế độ dinh dưỡng phù hợp để vết thương nhanh lành.
- Chị em lưu ý không nên áp dụng một số cách dân gian dễ khiến nguy cơ nhiễm trùng gia tăng, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.