Dù chưa đến ngày sinh nhưng do huyết áp tăng cao, chị Thương được bác sĩ đẩy vào phòng mổ bắt con. Lúc tỉnh dậy thấy mình nằm trong căn phòng trắng toát, chân tay bị trói.
Chị Phạm Thị Thương ở Kiến Hưng – Hà Nội lần đầu làm mẹ nên quá trình mang thai và sinh con gặp rất nhiều bỡ ngỡ. Đặc biệt hơn vì sức khỏe không cho phép mang em bé đến những tháng cuối thai kỳ nên ở tuần 32 chị đã phải mổ bắt em bé ra ngoài.
Chị Phạm Thị Thương ở Kiến Hưng – Hà Nội
Thấy phù chân lâu ngày, đi khám bác sĩ nói phải mổ gấp vì mẹ cao huyết áp
Theo lời chị Thương, bản thân chị có tiền sử suy tim, cao huyết áp nhưng do chủ quan chị dùng thuốc huyết áp mà không theo dõi kỹ sức khỏe của mình. Cả thai kỳ chị rất khoẻ mạnh, không hề nghén, ăn ngủ tốt. Tuy nhiên đến tuần 25 của thai kỳ chân tay chị bị phù nề sưng to. Nhớ lại câu nói truyền miệng của các cụ “xuống máu ba lần là sinh” nên chị yên tâm nghe ngóng, cứ tối đến chị lại ngâm chân nước gừng và nhờ chồng bóp chân giúp.
Tầm tuần 30 cả nhà thấy chân tay chị phù quá lâu nên giục đi khám, vì chủ quan nên chị chần chừ đến tuần 32 mới vào bệnh viện. Sáng hôm 3/11/2018 hai vợ chồng chị nghi do ảnh hưởng của bệnh tim dẫn đến phù chân lâu ngày nên đã quyết định đến bệnh viện kiểm tra.
Lần đầu làm mẹ nên quá trình mang thai và sinh con gặp rất nhiều bỡ ngỡ.
Tuy nhiên, tại bệnh viện các bác sĩ chưa có kết luận về tình trạng phù chân thai kỳ của chị. Chị Thương được người nhà từng có con bị phù lâu dẫn đến tiến sản giật nên đã khuyên chị đến bệnh viện chuyên khoa tiêm trưởng thành phổi cho em bé.
Tại bệnh viện chị được bác sĩ tiến hành kiểm tra huyết áp, vừa nhìn vào chỉ số hiện trên máy đo, bác sĩ liền thông báo phải vào phòng cấp cứu ngay vì huyết áp khi đó lên 200 mmHg.
Đặc biệt hơn vì sức khỏe không cho phép mang em bé đến những tháng cuối thai kỳ nên ở tuần 32 chị đã phải mổ bắt em bé ra ngoài.
Nhớ lại thời khắc cấp cứu cấp tốc đó, chị Thương nói: “Khi đó mình vẫn ngỡ ngàng chưa hiểu chuyện gì xảy ra. Các bác sĩ vừa cắm ống truyền cho mình vừa hỏi “Sao để huyết áp tăng cao như này mới nhập viện”. Chưa kịp hoàn hồn thì bác sĩ thông báo mình phải đình chỉ thai nghén để đảm bảo tính mạng cho mẹ. Nói thật lúc đó mình chưa từng nghe đến chuyện sinh non hay nghe trường hợp nào sinh non nên nếu đình chỉ thai không biết con có sống được không”.
Bác sĩ dứt lời cũng là lúc chị Thương khóc như mưa vì nghĩ đến đứa con bé bỏng trong bụng sẽ không được đủ tháng đủ ngày như bao đứa trẻ khác. Nằm trong phòng bệnh chị nấc lên từng tiếng khi nghe bác sĩ gọi người nhà vào và thông báo nếu mổ cấp cứu cả mẹ và em bé tỉ lệ cứu sống khoảng 30%.
Từ một em bé sinh non chỉ nặng 1.9kg giờ đây em bé đã phát triển và lớn ngang bằng các bạn cùng trang lứa
Bủn rủn chân tay đặt bút ký vào tờ cam kết mà trong lòng rối bời. Trong phút giây phải giành giật sự sống và cái chết, cả hai vợ chồng chỉ biết nhìn nhau trong nước mắt.
Mẹ 9X chia sẻ: “Sau khi chồng ký vào tờ cam kết mình được đưa vào phòng mổ, vì huyết áp cao nên bác sĩ gây mê, lúc tỉnh dậy thì thấy mình đang nằm trong căn phòng trắng toát, chân tay bị trói. Gặng hết sức gọi bác sĩ cho gặp chồng, khi đó 23h đêm vừa nhìn thấy mình, chồng liền nói con ra lúc 16h35’, được đặt tên ở nhà là Mỡ Mỡ, nghe chồng nói chuyện được gặp con, bác sĩ nói con ra khỏi bụng mẹ khóc to lắm, lúc đấy mình mới thấy yên tâm hơn”.
Em bé được đặt tên ở nhà là Mỡ Mỡ
Vừa đẻ xong mẹ đã phải cắt sữa để chữa bệnh
Nằm viện năm ngày, chị Thương vẫn chưa được gặp con. Sau đó chị được xuất viện và được các bác sĩ giới thiệu đến bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) kiểm tra. Tại đây chị được phát hiện bị bệnh viêm cơ tim chu sản nên bắt buộc phải cắt sữa để chữa theo liệu trình lâu dài
Em bé tuy chào đời thiếu tháng nhưng không cần phải nằm lồng kính. Được 10 ngày con nằm hồi sức tích cực chị Thương được bác sĩ gọi vào cho ấp con theo phương pháp kangaroo. “Lần đầu tiên thấy nên mình run lắm, con thì nhỏ tí xíu, da lại đỏ hỏn, bế con cũng sợ làm con đau. Lúng túng với từng động tác chăm con” – chị Thương nói.
Và tên khai sinh là Hoàng Ngọc Bảo Châu
Sau khi được gặp con, chị Thương đăng ký ở lại phòng dịch vụ một ngày để theo dõi xem con có cơn tím tái gì không. Rất may mắn em bé thương mẹ nên rất hợp tác, từ ăn bằng thìa cho đến mút bình, mỗi cữ mút của con lúc đó chỉ 30ml.
Hết một ngày cho con ở lại viện theo dõi, bác sĩ chăm sóc con chưa cho em bé xuất viện và thông báo động mạch vành của con chưa đóng, cần theo dõi vào uống thuốc. Nghe lời bác sĩ nói, chị Thương thêm phần lo lắng, chị lo nếu con không may bị bệnh tim có lẽ chị sẽ hối hận cả đời.
Em bé chào đời đời và phát triển khỏe mạnh là thành quả ngọt ngào của cả gia đình chị Thương
Sau khi sức khỏe của mẹ và con đã ổn định, cả gia đình đoàn tụ. Con về nhà ăn ngoan, ngủ tốt cứ cữ 3 tiếng con ăn 1 lần. Giờ đây đã 8 tháng trôi qua kể từ ngày hai mẹ con cấp cứu trên bàn mổ. Em bé đã phát triển khỏe mạnh, ngoan ngoãn.
“Chăm con sinh non nhưng mình lại rất nhàn. Con không có sữa mẹ, uống sữa công thức nên rất khó tìm đc loại hợp với con. Tháng đầu tiên con tăng đc 700g , tái khám tổng quát bác sĩ nói con tăng chậm so với tuổi thai.
Nhưng được cái thính lực và mắt của con phát triển hoàn toàn rồi. Sang tháng thứ 3 trở đi cân nặng của con mới tăng đều đều. Con nhỏ nhưng trộm vía sức khoẻ con tốt, mọi phát triển vận động của con đều bằng đc với các bạn đủ tháng” – mẹ bỉm sữa tâm sự.