Chị Ân sinh em bé ở tuần thứ 26 của thai kỳ, mặc dù mẹ có cân nặng “khủng” nhưng con sinh ra chỉ vỏn vẹn 8 lạng.
Chị Trần Hoài Ân (SN 1992) ở Nam Định mang bầu và làm mẹ đơn thân mà trước đó chưa từng có dự định hay kế hoạch. Là người chu toàn nên thai kỳ của chị được chăm sóc rất cẩn thận. Tuy nhiên, chị và em bé đã cùng nhau “vượt cạn” non tháng, sau sinh mỗi ngày chị lo ngược xuôi vắt và đi đưa sữa trong bệnh viện, chỉ sau gần hai tháng mẹ con mới chính thức được gặp nhau.
Chị Ân sinh em bé ở tuần thứ 26 của thai kỳ.
Mẹ đơn thân thai nghén không ăn được gì, cứ đêm đến lại nằm khóc
Theo lời chị Ân kể, sau khi quyết định mang bầu và làm mẹ đơn thân chị phải đương đầu với rất nhiều áp lực, chị chấp nhận đối diện với tất cả mọi lời điều tiếng và khó khăn lớn nhất chính là đối diện với bố mẹ của mình. Song, rất may mắn, tuy có chút giận hờn nhưng ông bà không bắt chị phải bỏ đứa bé mà ngược lại sẵn sàng đồng hành bên chị trong suốt thời gian mang thai cũng như mãi mãi về sau.
Sở dĩ bản thân có quyết định liều lĩnh như vậy là do chị Ân trước đó đã từng đi xin con cho những cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn nên thấu hiểu được nỗi bất hạnh của những người không thể có con. Mặt khác do sức khỏe sinh sản của chị có chút vấn đề như kinh nguyệt không đều, u nang buồng trứng nên rất sợ nếu không giữ em bé lại sau này sẽ không có cơ hội được làm mẹ.
Trước và trong thai kỳ chị Ân đều giữ cân nặng ở mức ngoài 90kg.
Cũng giống như rất nhiều bà mẹ mang bầu khác, ngày mang bầu chị Ân chú trọng chăm sóc sức khỏe thai kỳ, chị thường xuyên tái khám và siêu âm theo lịch của bác sĩ. “Trong thời gian mang thai mình luôn chú trọng việc khám thai định kỳ. Do thai nghén nên 3 tháng đầu mình không ăn được gì, khi đó mình chủ động tham khảo thêm các dạng thực phẩm chức năng theo thời kì phát triển của thai để uống” – mẹ 9X cho hay.
Bà bầu thường có tâm lý dễ bị tổn thương, chị Ân cũng vậy, chị thú nhận khó khăn nhất thời kỳ mang thai có lẽ là tâm lí, cứ đến đêm chị lại khóc, rất nhạy cảm. Chỉ một chút tác động tâm lý cũng có thể khiến chị khóc. Những lúc như vậy chị vừa cảm thấy thương con, giận bản thân vì đã không cho con được cuộc sống gia đình như bình thường, lại vừa cảm giác có tội lỗi với bố mẹ.
Mặc dù mẹ có cân nặng “khủng” nhưng con sinh ra chỉ vỏn vẹn 8 lạng.
Có những khoảnh khắc trăn trở như vậy nhưng chị Ân chưa bao giờ hối hận vì giữ lại em bé. Mẹ 9X tâm sự: “Ai sinh ra cũng đều có những khó khăn riêng cần phải trải qua để bản lĩnh, mình nghĩ con cũng sẽ vượt qua đc. Nhưng nếu mình bỏ con thì đấy là tội lỗi của bản thân không bao giờ xóa được cũng như không có cơ hội được bù đắp cho con”.
Vốn dĩ tạng người của chị Ân trước đó đã khá “đầy đặn” cộng với việc mang thêm chiếc bụng bầu “ục ịch”. Thế nhưng những yếu tố đó chưa bao giờ làm vật cản của chị. Ngày mang bầu chị vẫn đi làm để có thêm kinh tế lo cho con. Rất may mắn là trải qua hơn hai giai đoạn tam cá nguyệt chị và em bé vượt qua rất suôn sẻ.
Những lần đi siêu âm về chị đều thấy được sự phát triển của em bé, nhất là nội tạng tim đủ ngăn, phổi có đôi chút hình thành chậm. Bản thân chị Ân mang bầu bị ít ối, khoang bụng lại nhiều mỡ nên em bé không thể phát triển to được.
Gần 2 tháng lọt lòng mẹ, từ một em bé chỉ vỏn vẹn 8 lạng.
Đang đi làm thì "bục" ối, con sinh ra vỏn vẹn 8 lạng
Đến tuần thứ 26 của thai kỳ, chị Ân đang đi làm thì có dấu hiệu bục ối, chị tức tốc nhập viện theo dõi. Bước vào ngày thứ 3 của tuần 26 sau bữa cớm tối chị lên cơn đau dồn dập. Sau đó chị được mẹ đẻ của mình đưa vào viện lúc 23h đêm.
Tại bệnh viện, chị được đưa thẳng vào phòng cấp cứu, các bác sĩ bắt tay vào kiểm tra thì thấy em bé đã giơ tay ra ngoài cửa tử cung của mẹ, ngay lập tức bác sĩ đã cho cấp cứu kịp thời. Chị Ân được làm hồ sơ sinh, sau gần 30 phút chị rặn đẻ vài hơi là em bé chui ra, lúc vừa lọt lòng em bé không khóc khiến chị Ân nằm trên bàn đẻ lo lắng, hoảng sợ nước mắt chảy ra liên tục. Chỉ đến khi bác sĩ tiến đến hỏi đặt tên con là gì, chị mới biết con vẫn còn sống.
Chị Trần Hoài Ân (SN 1992) ở Nam Định mang bầu và làm mẹ đơn thân mà trước đó chưa từng có dự định hay kế hoạch.
Em bé sinh thiếu tháng nên cân nặng chỉ vỏn vẹn 800gr được đặt tên ở nhà là Su Lì. Sau sinh chị được chuyển sang phòng hồi sức còn con được bác sĩ đưa đến khoa sơ sinh để hỗ trợ thở máy. Chị Ân nhớ lại: “Lúc được chuyển sang phòng hồi sức gặp người nhà, mẹ mình và em gái cứ khóc và bảo em bé nhỏ xíu giống búp bê nhựa và chỉ biết mũi cao còn các nét khác không nhìn đc vì bé quá”.
Một ngày sau sinh cả gia đình chị Ân không ai ngủ được mà chỉ đợi bác sĩ gọi để thông báo về tình trạng của em bé. Sau 5 ngày thì chị được xuất viện, còn em bé vẫn nằm điều trị và theo dõi tại bệnh viện. Chị Ân bắt đầu chuỗi ngày vắt và đi đưa sữa cho con. Vì sinh non lại con đầu nên tuyến sữa chưa có nhiều, chị phải đi xin thêm sữa từ các mẹ khác cũng có con nhỏ.
Sau gần 3 tuần tình trạng đã em bé bắt đầu ổn định, tự thở ăn được và không bị các bệnh lí trẻ sơ sinh. Hơn 1 tháng điều trị bé được chuyển sang phòng an toàn, gần 2 tuần sau chuyển sang phòng gần được xuất viện.
Giờ đây con đã cán mốc 1,6 cân, bé tập bú bình và ăn hết gần 50ml sữa.
Chị Ân không giấu được cảm xúc cho biết: “Hồi hộp lắm, gần 2 tháng mới được gặp con, háo hức vì lần đầu tiên được bế ẵm bạn ý. Con bé xíu được cuốn như một cái kén mẹ ôm còn ngủ kĩ chẳng thèm dậy ăn. Bác sĩ chỉ cho phép mẹ bế em tầm 40 phút nên mình tranh thủ chụp mấy bức hình của con. Cả ngày hôm sau không làm được gì chỉ ngồi ngắm ảnh con”.
Bé con xuất hiện khiến chị Ân thay đổi rất nhiều, được nhìn và ngắm con chị không còn tủi thân và hay khóc như trước. Gần 2 tháng lọt lòng mẹ, từ một em bé chỉ vỏn vẹn 8 lạng, giờ đây con đã cán mốc 1,6 cân, bé tập bú bình và ăn hết gần 50ml sữa.
Biết rằng phía trước sẽ là chặng đường vất vả đối với mẹ đơn thân, thế nhưng nhìn con lớn lên từng ngày từng giờ, chị Ân không cho phép mình lùi bước. “Nhìn con cố gắng từng ngày, một người mẹ như mình phải nỗ lực mạnh mẽ hơn để còn làm điểm tựa cho con dựa vào” – mẹ đơn thân chia sẻ.