Tai nạn giao thông cướp đi cậu con trai duy nhất của vợ chồng cô Nga nhưng may mắn lại đã mỉm cười với họ sau quá trình dài can thiệp y học hiện đại.
54 tuổi, ít ai nghĩ sẽ còn khả năng mang thai và sinh con nhưng cô Phó Thị Nga, sinh năm 1966, thôn Ngãi Cầu, xã An Khánh, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội đã tìm đến kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) với hy vọng có thể mang thai và làm mẹ thêm một lần nữa.
Tai nạn giao thông cướp đi cậu con trai vừa đến lúc trưởng thành, có khả năng đi làm nuôi bố mẹ của cô Nga. Nỗi đau bất ngờ đổ xuống gia đình khiến cô gần như suy sụp hoàn toàn. Sau 1 lần thực hiện IVF, với sự giúp sức của các bác sĩ, cô Nga đã thành công, mang thai và hạ sinh một bé trai khỏe mạnh.
Sau 1 lần thực hiện IVF, cô Nga đã thành công ở lần chuyển phôi thứ đầu tiên, mang thai và hạ sinh một bé trai khỏe mạnh. Ảnh minh họa
Con mất do tai nạn giao thông, mẹ 6X quyết định thụ tinh ống nghiệm sau khi đọc một bài báo
Cũng như bao người phụ nữ khác, sau thời gian tìm hiểu, cô Nga đã kết hôn với người mình yêu. Sau ngày cưới hai vợ chồng cô đã có với nhau 2 người con, một cô con gái sinh năm 1989 và một cậu con trai sinh năm 1991. Tổ ấm đủ nếp đủ tẻ những tưởng sẽ đủ đầy, đầm ấm. Thế nhưng năm 2012, tai nạn giao thông đã cướp mất cậu con trai duy nhất của vợ chồng cô
Mong muốn chứng kiến con trai trưởng thành, đi làm phụ giúp cha mẹ lúc bấy giờ là điều quá xa vời với cô Nga. Biến cố ập đến khiến cho người mẹ suy sụp, nỗi đau quá lớn khiến cô không thể nguôi ngoai. Thương chồng vì bao năm khao khát muốn có một cậu con trai để bố mẹ làm chỗ dựa khi về già. Cứ nghĩ đến mong ước của chồng, cô lại dằn vặt bản thân. Cô quyết định đến bệnh viện với mong mỏi duy nhất là một lần nữa được làm mẹ.
Vào một ngày đẹp trời đầu hè năm 2019, chị Nga hạ sinh một bé trai nặng 2,7kg khỏe mạnh
Chia sẻ về hoàn cảnh của mình, cô Nga tâm sự: “Bảy năm về trước khi ấy tôi rất đau khổ bởi con trai ra đi vĩnh viễn sau vụ tai nạn. Tôi hụt hẫng và mong muốn có thêm một người con để bù đắp lại khoảng trống trong lòng. Tôi chỉ nghĩ đến việc mình phải làm sao để sinh được con, có được con vì tôi biết ở tuổi này, muốn có thai và sinh con là việc vô cùng khó khăn khi đã mãn kinh hoàn toàn”.
Gạt đi nước mắt, cô hiểu rằng mình cần phải cố gắng sống thật kiên cường. Và cũng chính lúc đó, cô đã tìm đến với y học hiện đại. Cô Nga tiến hành làm hàng loạt xét nghiệm để xác nhận có đủ sức khỏe, thai nhi không đối diện với nguy cơ bệnh lý từ mẹ, vì đã bước vào giai đoạn mãn kinh nên cô được các bác sĩ tư vấn hỗ trợ phương pháp mang thai bằng thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).
Tiếp nhận trường hợp khá đặc biệt, các bác sĩ nhận định đây là một ca khó bởi người mẹ đã lớn tuổi và có nhiều nguy cơ khi mang thai, sinh nở.
Ngày 21.9.2018 cô Nga được các bác sĩ tiến hành lựa chọn phôi tốt nhất và chuyển phôi vào tử cung của bệnh nhân.
Sau khi lắng nghe những trải lòng về hoàn cảnh của cô Nga, cảm động trước mong ước quá lớn của một người mẹ mất con, đội ngũ y bác sĩ tại bệnh viện đã áp dụng mọi kỹ thuật hiện đại nhất để hỗ trợ “tìm con”.
Nhắc nhớ lại kỷ niệm về ngày đầu tiên đến khám sức khỏe sinh sản ở tuổi 50, cô Nga nói: "Trước khi về các bệnh viện lớn hỏi cách sinh nở ở tuổi 54, tôi và chồng đã nghe nhiều lời can ngăn rằng đó là điều không thể. Kinh nguyệt hàng tháng đã hết từ gần 10 năm nay. Điều đó đồng nghĩa với việc chức năng hoạt động của buồng trứng không còn nữa. Đang định bỏ cuộc, thì anh chồng lên mạng đọc báo, biết đến kỹ thuật thụ tinh nhân tạo rất hiện đại. Nên hai vợ chồng bàn bạc với nhau đặt trọn niềm tin vào y học”.
Vợ 54 tuổi đã mãn kinh mang thai từ chính tinh trùng của chồng
Sau khoảng thời gian theo dõi sức khỏe, các thầy thuốc đã đưa ra phác đồ theo dõi niêm mạc, sàng lọc phôi và tinh trùng do trước đó tinh trùng của người chồng bị dị dạng khá nhiều. Như vậy bệnh nhân có một năm để chuẩn bị sức khỏe. Ngày 21.9.2018 cô Nga được các bác sĩ tiến hành lựa chọn phôi tốt nhất và chuyển phôi vào tử cung của bệnh nhân.
Hạnh phúc bất ngờ khi cô thành công ngay từ lần chuyển một phôi đông lạnh đầu tiên. Sau khi có kết quả mang thai, các bác sĩ luôn động viên và theo sát quá trình thai kỳ của người mẹ lớn tuổi.
Hơn 10 ngày sau chuyển phôi, cô xét nghiệm đo nồng độ hormone beta hGC là 160 IU/l, chỉ số rất cao. Điều kỳ diệu đã đến, cô Nga lại một lần nữa được làm mẹ.
Do trước đó tinh trùng của người chồng bị dị dạng khá nhiều, hai vợ chồng cô Nga phải mất một năm để chuẩn bị sức khỏe. Ảnh minh họa
Nhận kết quả có thai, hạnh phúc gấp đôi nhưng những lo lắng cũng tăng lên gấp bội. Cô nghĩ đến sức khỏe thai kỳ, liệu ở độ tuổi này có đủ sức lực để giữ cho con khỏe mạnh suốt 9 tháng trong bụng hay không? Tuy nhiên cô được các bác sĩ tư vấn chế độ sinh hoạt và ăn uống bình thường, chỉ đến kỳ thăm khám là đến bệnh viện để được kiểm tra. Vì là bệnh nhân mang thai khi đã lớn tuổi nên cần phải lưu ý kiểm tra huyết bàng mốc quan trọng.
Được biết, ở lần sinh nở trước đó cô Nga hoàn toàn khỏe mạnh và sinh thường rất suôn sẻ. Lần mang thai này tuy có những lo ngại nguy cơ có thể xảy ra như mẹ dễ bị cao huyết áp, tiểu đường thai kỳ, tiền sản giật, băng huyết… nhưng thật may mắn suốt thai kỳ cô trải qua nhiều cung bậc cảm xúc tích cực, 3 giai đoạn tam cá nguyệt không có quá nhiều vấn đề lớn xảy ra.
Khoảng thời gian cuối thai kỳ tuy có chút đau mỏi lưng nhưng cô vẫn cố gắng vượt qua từng ngày, vì biết trước mắt sẽ là những tháng ngày hạnh phúc bên con yêu.
Vào một ngày đẹp trời đầu hè năm 2019, cô Nga hạ sinh một bé trai nặng 2,7kg khỏe mạnh. Nhìn ngắm con ngủ ngon lành trong vòng tay yêu thương của cha mẹ, cô Nga không giấu nổi cảm xúc: “Giờ đây ngồi ôm con trong tay cảm thấy hạnh phúc vô bờ bến, nhiều khi không thể diễn tả được cảm xúc của mình".
Cô Nga và gia đình rất hạnh phúc khi được đón một bé trai khỏe mạnh đúng như mong ước
Bác sỹ Luyện Thị Ngọc Dung và Bác sĩ Trần Minh Thắng – Trung tâm Hỗ trợ sinh sản - Bệnh viện Chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Việt Bỉ trực tiếp điều trị, hướng dẫn để cô Nga mang thai từ chính tinh trùng của chồng mình chia sẻ: "Cô Nga và gia đình rất hạnh phúc khi được đón một bé trai khỏe mạnh đúng như mong ước. Bản thân những người làm ngành y chúng tôi đã thở phào nhẹ nhõm. Bởi bao nhiêu tận tụy và kỹ năng nghề nghiệp của mình đã không uổng công”.
Bác sĩ chia sẻ thêm, làm mẹ ở tuổi 54 với một người phụ nữ mãn kinh, câu chuyện tưởng như không thể nay đã trở thành sự thật. Hành trình mang thai diệu kỳ của cô Nga được lan truyền như minh chứng cho một phép màu có thật đến từ tình mẹ và từ sự cố gắng, nỗ lực của y học. Đây cũng là nguồn động lực vô cùng lớn lao cho các gia đình hiếm muộn trên hành trình tìm con.