Khi nào nên sinh tiếp tập 2?

Ngày 03/02/2013 10:29 AM (GMT+7)

Có nhiều đe dọa cho sức khỏe người mẹ và con khi sinh con quá gần.

Phần lớn các cặp vợ chồng trẻ ngày nay biết tạo ra khoảng cách an toàn cho 2 lần sinh để bảo đảm sức khỏe cho mẹ và cho việc nuôi dạy con, nhưng cũng không hiếm trường hợp mang thai quá gần hay quá thưa.

Lý do sinh con quá gần của nhiều cặp vợ chồng trẻ có nhiều, có thể do muốn kết thúc sớm chỉ tiêu “2 con”, có thể do lần không thể bỏ lỡ cơ hội, có thể vì tuổi mẹ đã cao (ngoài 30) nên lo gặp khó khăn cho việc thụ thai sau này… do vỡ kế hoạch, do thiếu hiểu biết hoặc không được tiếp cận với các phương pháp tránh thai sau đẻ. Một lý do không hiếm gặp và đáng buồn nữa là nhiều phụ nữ không biết sợ những nguy hiểm rình rập của việc mang thai và sinh con quá gần.

Có nhiều đe dọa cho sức khỏe người mẹ và con – khi sinh con quá gần. Điều này dường như đã được quy luật sinh lý tự nhiên dự kiến trước, vì chính việc cho con bú đã làm cho khoảng cách sinh con giãn ra, để không gây nguy hiểm cho bà mẹ. Nhiều nghiên cứu cũng đã xác nhận những nguy hiểm đến sức khỏe của việc sinh con quá gần, nhấn mạnh đến nguy cơ sinh con nhẹ cân và phát triển chậm của những trẻ này.

Khoảng cách hợp lý giữa hai lần?


Các thầy thuốc vẫn khuyên các bà mẹ, thời gian giãn cách giữa hai lần không ngắn hơn 24 tháng. Với các bà mẹ đã từng phải mổ lấy thai lần trước – khoảng cách nêu trên càng cần phải tôn trọng. Nhiều thầy thuốc khác ở các nước phát triển cũng đưa ra khoảng cách từ 18 đến 23 tháng, tính từ lần sinh trước cho đến thời điểm thụ thai sau.

Con số này cũng là kết quả của một trong những nghiên cứu lớn ở Mỹ, các nhà khoa học đã chứng minh, con nhẹ cân khi sinh ra, con sinh thiếu tháng, con có tầm vóc nhỏ có tỷ lệ thấp nhất ở những trẻ sinh sau các chị hoặc anh chúng trong khoảng từ 18 đến 23 tháng.

Khi nào nên sinh tiếp tập 2? - 1
Thời gian giãn cách giữa hai lần mang bầu không ngắn hơn 24 tháng với trường hợp sinh thường. (Hình minh họa)

Theo những số liệu của khảo sát này, nguy cơ có vấn đề thực sự cao – nếu khoảng cách giữa lần sinh trước và lần thụ thai sau dưới 6 tháng.

Ngoài những nguy cơ đã nêu trên của thai nghén quá gần, còn một nguy cơ nữa là bệnh tự kỷ ở trẻ. Tạp chí “Nhi khoa” của Mỹ đã đăng tải một nghiên cứu lý thú về nguy cơ này, tuy không giải thích được nguyên, nhưng cho thấy những thai nghén cách lần sinh đầu tiên dưới 1 năm ghi nhận nguy cơ quan trọng về bệnh lý.

Đó là trẻ sinh ra quá gần (dưới 1 năm) sau lần sinh đầu tiên đã thể hiện những triệu chứng của bệnh tự kỷ với xác suất cao hơn đến 3 lần so với những thai nhi có khoảng cách 3 năm sau lần có thai trước.

Tuy lý do vì sao thai nghén quá gần lại ảnh hưởng đến bệnh tự kỷ vẫn chưa rõ, nhưng có thể có mối liên hệ giữa bệnh lý này với sự chưa đủ thời gian hồi phục của cơ thể mẹ sau những cố gắng ở lần sinh đầu tiên. Theo các nhà nghiên cứu, lần có thai đầu đã làm cạn kiệt những chất dinh dưỡng thiết yếu như folate, sắt ở cơ thể người mẹ và các bà mẹ có xu hướng dễ bị stress hơn.

Người ta cũng nhận thấy trong khoảng thời gian từ 1995 đến 2002 ở Mỹ tỷ lệ những thai nghén cách nhau dưới 24 tháng đã tăng từ 11% lên 18%, chủ yếu vì nhiều phụ nữ sinh con lần đầu muộn và lo sợ khó có thai sau này.

Cũng nên giới thiệu vắn tắt về những biểu hiện ban đầu của bệnh tự kỷ (có tần suất là 1 cho 166 lần sinh, ở Pháp): trẻ đến 1 tuổi mà vẫn chưa bập bẹ nói hoặc biết chỉ vào đồ vật muốn có – trẻ được 16 tháng mà chưa nói được một từ nào hoặc đến 2 tuổi vẫn chưa nói được một từ kép – trẻ không đáp lại, khi gọi tên.

Thời gian giãn cách quá dài có tốt? Sinh con quá thưa cũng không phải giải pháp lý tưởng. Nhiều nghiên cứu đã khẳng định như vậy. Nguy cơ sảy thai, thậm chí tử vong con khi sinh ra có thể gia tăng - nếu khoảng cách giữa 2 lần sinh quá 6 năm.

Nhìn chung, nguy cơ sinh con nhẹ cân và sảy thai cao hơn – khi khoảng cách sinh quá 4 năm. Kết quả khảo sát cũng khẳng định, khoảng cách giữa 2 lần mang thai càng lớn thì nguy cơ mẹ bị tiền sản giật cũng càng cao.

Theo BS Đào Xuân Dũng (Tri thức trẻ)

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Thông tin y tế