Kinh nguyệt sau sinh và những điều ít ai nói cho mẹ biết

Ngày 23/12/2016 19:00 PM (GMT+7)

Một thông tin mà các mẹ cần đặc biệt lưu ý là có thể chưa thấy chu kỳ kinh nguyệt xuất hiện trở lại sau sinh nhưng mẹ vẫn “dính” bầu.

Theo chuyên gia khoa sản Heather Smith, làm việc tại hệ thống y tế Montefiore, Anh: “Sau khi sinh, cơ thể người phụ nữ trải qua rất nhiều thay đổi như tử cung bị thu hẹp, mức độ hormone giảm dần và chu kỳ kinh nguyệt cũng sẵn sàng cho sự trở lại.”

Ở mỗi bà mẹ, thời gian chu kỳ kinh nguyệt trở lại sau sinh là khác nhau, tuy nhiên chị em cần biết những kiến thức này để chuẩn bị sẵn sàng cho lần trở lại đầu tiên.

1-6 tuần sau sinh

Mẹ sẽ bị ra máu nhưng đây không phải là chu kỳ kinh nguyệt của mẹ. Máu này được gọi là sản dịch, tiết ra trong quá trình tử cung được làm lành từ nơi nhau thai đã đính ở đó suốt thai kỳ. “Những ngày đầu, sản dịch ra rất nhiều như chu kỳ kinh nguyệt nhưng sẽ dần cải thiện trong tuần tiếp theo. Cũng trong giai đoạn này, máu thường chảy ồ ạt và xuất hiện nhiều cục máu đông mỗi khi người mẹ đứng lên, ngồi  xuống. Sau 1 tuần đầu, máu thường xuất hiện thành đốm khoảng 1-2 tuần tiếp theo nữa và dần hết. Nếu máu ra nhiều, kéo dài thì tình trạng có vẻ tồi tệ và mẹ nên đi đến bệnh viện để khám.”, bác sĩ Smith nói.

Một thông tin mà các mẹ cần đặc biệt lưu ý là có thể mẹ chưa thấy chu kỳ kinh nguyệt xuất hiện trở lại sau sinh nhưng vẫn có thể “dính” bầu. Đây là khẳng định nghiêm túc từ chuyên gia Smith. Vì vậy, hầu hết các bác sĩ luôn khuyên chị em không nên quan hệ tình dục trở lại sau sinh 6 tuần nhưng nếu có, mẹ cần sử dụng các phương pháp tránh thai an toàn.

Kinh nguyệt sau sinh và những điều ít ai nói cho mẹ biết - 1

Có thể mẹ chưa thấy chu kỳ kinh nguyệt xuất hiện trở lại sau sinh nhưng mẹ vẫn “dính” bầu. (ảnh minh họa)

6-8 tuần sau sinh

Nếu bạn không cho con bú, rất có thể chu kỳ kinh nguyệt sẽ trở lại trong thời gian này. “Hầu hết kinh nguyệt ở phụ nữ sẽ trở lại vào khoảng 6 tuần sau sinh.”, bác sĩ Smith nói.

Dù bạn có mong đợi hay không thì hiện tượng này vẫn sẽ trở lại và mẹ cũng không thể khẳng định trước rằng chu kỳ mới này của mình có dài hay ngắn, nhiều hay ít, có đau bụng hay không. Chỉ khi trải qua mẹ mới thực sự nhận thấy được. Chính vì vậy, không có cách nào khác, mẹ cần chuẩn bị sẵn sàng tâm lý cho lần kinh nguyệt trở lại sau sinh này.

Đây cũng là thời điểm mẹ cần nghĩ đến các phương pháp tránh thai để không có bầu ngoài ý muốn.

Mẹ cũng cần lưu ý nếu chu kỳ kinh nguyệt lần đầu trở lại với chứng đau đớn nhiều, ra nhiều máu và thay băng vệ sinh mỗi  giờ thì mẹ cần chú ý bởi đây có thể là dấu hiệu của bệnh u xơ tử cung, polyp hoặc mất cân bằng nội tiết sau sinh do cơ thể thiếu vitamin và khoảng chất.

8-24 tuần sau sinh

Một trong những tác nhân khiến chu kỳ kinh nguyệt của mẹ gián đoạn lâu nhất sau sinh đó là cho con bú. Các hormone có tác dụng sản xuất sữa trong cơ thể sẽ ngăn chặn quá trình rụng trứng. Điều này có nghĩa là mẹ có thể sẽ vắng kinh nguyệt sau suốt 6 tháng hoặc lâu hơn từ khi sinh con nếu cho con bú đều đặn, đúng giờ. Và đến khi “đèn đỏ” trở lại sau giai đoạn này sẽ có thể rối loạn, ra nhiều máu và thất thường hơn.

Nếu mẹ không cho con bú mà vẫn chưa thấy kinh nguyệt trở lại thì cũng hoàn toàn bình thường. Hormone stress do bận rộn công việc, nuôi con, ít ngủ… có thể làm cho trứng rụng muộn hơn. Tuy nhiên, sau sinh khoảng 2-3 tháng, mẹ nên đi kiểm tra lại sức khỏe sinh sản để đảm bảo cơ thể vẫn ổn định. 

Nguyệt Minh (Theo Womansday)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Chăm sóc cơ thể sau sinh