Mùa đông năm ngoái, khi đang mang bầu tháng thứ 6, mình đã bị ngứa da khủng khiếp.
Bầu bí đúng là khoảng thời gian trải nghiệm những cảm xúc tuyệt vời, lần đầu tiên nhìn que thử thai lên hai vạch, lần đầu tiên cảm nhận chuyển động của con yêu… Thích lắm ý. Nhưng bên cạnh đó người mẹ cũng phải trải quan muôn vàn khó khăn bởi ốm nghén, mệt mỏi, xấu xí, rạn da… Mình đã trải qua tất cả nhưng có một vấn đề trong thời gian mang bầu mà mình nhớ mãi.
Nhân câu chuyện hôm qua nhỏ bạn đang mang bầu tuần 25 gọi điện than phiền chuyện bầu bí với mình, mình xin chia sẻ chút kinh nghiệm của bản thân. Bạn mình gọi điện cầu cứu: “Bạn ơi, chẳng hiểu sau mấy hôm nay bụng mình nổi hết mẩn đỏ lên ngứa lắm ý. Mình không dám gãi vì sợ ảnh hưởng đến con trọng bụng. Nhưng mà 3 ngày rồi vẫn chẳng khỏi, mình cũng không dám tự tiện bôi thuốc gì. Làm thế nào đây?”. Bạn còn cẩn thận chụp ảnh bụng bầu gửi cho mình để “bắt bệnh” nữa chứ. Cô bạn này rất hay gọi điện nhờ mình tư vấn chuyện bầu bí bởi chẳng gì thì mình cũng đã một lần sinh nở, cũng có cả đống kinh nghiệm bầu bí trong đầu. Mình nhớ lại những ngày mang bầu năm ngoái, mình cũng bị ngứa da, nổi mẩn như cô bạn kia.
Nguyên nhân là do khi bụng bầu đã to dần, tình trạng rạn da sẽ xuất hiện (khoảng 70% phụ nữ bị rạn da khi bầu bí). Vào khoảng tháng thứ 5,6 thai kỳ, da bắt đầu rạn, chính vì thế khu vực da xung quanh bụng sẽ xuất hiện hiện tượng ngứa và nổi mẩn đỏ. Ngoài ra, sự gia tăng của hocmon estrogen, nội tiết thay đổi cùng với sự phát triển kích thước của cơ thể khi mang thai cũng khiến mẹ bầu bị ngứa da, có thể là ngứa cả ở lòng bàn tay, bàn chân. Thời gian ngứa nhất là khi vừa tắm xong, trước khi đi ngủ và gần sáng.
Tắm nước lá khế giúp mẹ bầu bớt bị ngứa da. (ảnh minh họa)
Còn một nguyên nhân nữa mình cho là cũng khiến tình trạng bệnh ngứa mạnh mẽ hơn là vì thời tiết những ngày đầu đông lạnh sẽ khiến da dễ bị nứt nẻ. Tất cả những “tác nhân” đó đã khiến mình có những ngày “sống dở, chết dở” vì ngứa. Hồi đó mình cũng đâu dám gãi vì sợ ảnh hưởng đến con nhưng không gãi thì khó chịu lắm. Buổi tối không thể ngủ nổi vì ngứa. Chồng mình thương vợ đã đưa đi khám da liễu, đã được bác sĩ kê đơn thuốc nhưng có lẽ do cơ địa mình bị ngứa nên bôi thuốc cũng chẳng khỏi. Hơn nữa vì bầu bí phải đi làm cả ngày mệt mỏi, tối về mùa đông lạnh mình chỉ muốn đi nằm ngay nên không bôi thuốc đều, vì thế mà bệnh ngứa mãi không hết.
Một hôm, trong câu chuyện với mẹ đẻ ở quê, mình đã than phiền với mẹ về chứng ngứa da. Mẹ bảo sao không gọi điện cho mẹ sớm. Thế là ngay hôm sau, mẹ đã gửi xe ô tô lên cho mình một túi lá khế chua. Mẹ bảo dùng lá khế chua nấu nước tắm sẽ giúp mẹ bầu bớt bị ngứa ngay. Mình nghe lời mẹ, thực hiện luôn và kết quả là thành công ngoài sức tưởng tượng. Ngày đầu tiên, chứng ngứa ngáy giảm dần và đến ngày thứ 3 thì đỡ hẳn.
Nếu mẹ nào cũng bị cơ địa ngứa da như mình có thể thực hiện như sau: Các mẹ kiếm khoảng 200g lá khế chua hoặc lá khế cơm (nhưng sẽ không tác dụng bằng lá khế chua). Sau đó rửa sạch rồi vò hoặc xay nát, cho vào nồi cùng 2 lít nước, đun sôi. Khi nước sôi mẹ cho vào 2 thìa café muối trắng. Khi nước đã nguội chỉ còn hơi ấm, mẹ dùng một chiếc khăn mềm và dùng nước đó để lau lên người và tắm lại bằng nước sạch. Để cho tác dụng của lá khế hiệu quả hơn, chị em có thể vắt thêm ½ quả chanh vào nước tắm.
Mẹ bị ngứa có thể tắm bằng nước lá khế chua hàng ngày nhé. Cùng với đó, chị em bầu cũng cần chú ý không nên sử dụng những loại sữa tắm có độ PH quá cao, tránh tắm nước quá nóng và ngâm mình trong bồn tắm quá lâu. Điều này có thể làm da mẹ bị khô hơn và tình trạng ngứa sẽ kéo dài hơn đặc biệt trong những ngày đông hanh khô. Mẹ cũng không nên gãi quá mạnh gây tổn thương da, có thể dẫn đến những vết thâm về sau mà chỉ nên xoa nhẹ thôi.
Về chế độ ăn, để giảm ngứa da, mẹ bầu nên bổ sung những thực phẩm giàu vitamin A và uống đủ nước (khoảng 2 lít mỗi ngày). Với những mẹ sau sinh, làn da còn yếu cũng rất dễ bị ngứa ngáy trong những ngày thời tiết hanh khô cũng có thể áp dụng cách tắm lá khế này. Nếu tình trạng ngứa ngáy vẫn cứ tiếp diễn và trầm trọng hơn, mẹ nên đi khám bác sĩ vì có thể bạn đang gặp vấn đề nghiêm trọng.
Một chút kinh nghiệm xin chia sẻ với các mẹ, hy vọng sẽ có ích cho chị em bầu.