Bệnh sởi và bệnh cúm đều là các bệnh truyền nhiễm phổ biến, thường hay nhầm lẫn với nhau do một số triệu chứng mắc bệnh tương tự. Tuy nhiên, để điều trị đúng cách và phòng ngừa hiệu quả, việc phân biệt giữa 2 bệnh này là vô cùng quan trọng.
Dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội đầu năm, nhu cầu đi lại, giao thương, du lịch của người dân tăng cao, kéo theo sự gia tăng tiếp xúc giữa các cá nhân, tạo điều kiện thuận lợi cho virus gây bệnh lây lan nhanh chóng trong cộng đồng. Bên cạnh đó, thời tiết đặc trưng của mùa đông xuân với không khí lạnh, độ ẩm cao, xen kẽ những đợt hanh khô, nồm ẩm khiến hệ miễn dịch suy giảm, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua đường hô hấp.
Sởi và cúm là hai bệnh có số lượng mắc bệnh tăng cao do virus dễ dàng phát tán trong môi trường đông người, đặc biệt là tại các khu vực lễ hội, nơi thờ tự, bến xe, sân bay hay trường học,...
Mặt khác, đây cũng là hai loại bệnh khiến nhiều người dễ bị nhầm lẫn. Việc nhầm lẫn này có thể dẫn đến những hậu quả tai hại, bởi vì sởi là một bệnh truyền nhiễm nghiêm trọng, đặc biệt là ở trẻ em chưa được tiêm phòng đầy đủ. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh sởi có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm, thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Ngoài ra, việc nhầm lẫn này không chỉ làm chậm trễ trong việc điều trị đúng cách mà còn gây khó khăn trong việc phòng ngừa và kiểm soát dịch.
Sau Tết, số ca trẻ em nhiễm sởi vẫn còn nhiều, diễn biến phức tạp
Khi không xác định đúng bệnh, việc cách ly và phòng tránh lây lan có thể không hiệu quả, dẫn đến nguy cơ bùng phát dịch sởi trong cộng đồng. Vì vậy, việc phân biệt chính xác giữa bệnh sởi và cúm là vô cùng quan trọng để bảo vệ sức khỏe cộng đồng cũng như giảm thiểu các biến chứng nguy hiểm bệnh.
Làm sao để phân biệt bệnh sởi và bệnh cúm?
Triệu chứng ban đầu giống nhau
Theo ThS.BS Nguyễn Đình Qui – Phó Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2, sởi và cúm thông thường có một số triệu chứng ban đầu khá giống nhau. Cả hai bệnh đều khởi phát với triệu chứng sốt cao, ho, chảy nước mũi, mệt mỏi và đau họng. Đặc biệt, những dấu hiệu này thường xuất hiện trong những ngày đầu và có thể khiến người bệnh nghĩ rằng mình mắc cúm.
Mặt khác, trong giai đoạn đầu của bệnh sởi, các nốt ban đỏ không phải lúc nào cũng nổi ngay lập tức, khiến bệnh sởi không được chú ý hoặc dễ bị bỏ qua. Thêm vào đó, cả hai bệnh đều có thể kèm theo đau cơ và cảm giác ớn lạnh nên người dân dễ dàng tự chẩn đoán mình mắc cúm thông thường mà không nhận ra đó có thể là dấu hiệu của bệnh sởi, nhất là khi không có kiến thức rõ ràng về các đặc điểm khác biệt giữa hai bệnh.
Triệu chứng ban đầu của sởi và cúm có nhiều điểm tương đồng. (Ảnh minh họa).
Điểm khác biệt giữa bệnh sởi và cúm
Mặc dù có những dấu hiệu tương đồng nhưng bệnh sởi có những đặc điểm riêng biệt giúp phân biệt với cúm thông thường. Theo ThS.BS Nguyễn Đình Qui, một trong những khác biệt lớn nhất của sởi so với cúm mùa đó là phát ban.
Những nốt ban đỏ xuất hiện sau khi sốt kéo dài từ 3-4 ngày, lúc đầu ban nổi ở sau tai (vùng gáy), sau đó lan ra mặt, rồi lan dần xuống ngực bụng và lan ra toàn thân. Ban đỏ của bệnh sởi có thể là một trong những yếu tố giúp phân biệt với các bệnh khác, trong khi cúm thông thường không có đặc điểm này.
Bên cạnh đó, trong khi cúm thông thường thường xuất hiện nhanh chóng với các triệu chứng sốt, ho, đau họng trong vòng vài ngày và có thể khỏi sau một tuần thì bệnh sởi có thể bắt đầu với những triệu chứng tương tự nhưng diễn tiến kéo dài hơn, trẻ sẽ sốt kéo dài cho đến khi nào ban đỏ sạm đi mới có thể hạ sốt, đồng thời có thể kèm theo các biến chứng nghiêm trọng.
“Mặc dù phát ban còn có thể liên quan đến các ban siêu vi khác nhưng ở thời điểm hiện tại, nếu trẻ sốt và có sự xuất hiện của phát ban thì phụ huynh nên nghĩ đến bệnh sởi đầu tiên. Một khi nghĩ đến sởi thì bố mẹ mới có động thái cách li con trẻ để hạn chế lây lan trong cộng đồng”, ThS.BS Nguyễn Đình Qui cho biết.
Thêm vào đó, bệnh sởi thường đi kèm với viêm kết mạc, khiến mắt người bệnh đỏ và sưng lên, đôi khi có dịch nhầy. Cuối cùng, sởi có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng hơn so với cúm thông thường, đặc biệt là đối với những trẻ chưa được tiêm chủng hoặc những người có hệ miễn dịch yếu.
Các biến chứng này bao gồm: viêm phổi, viêm tai giữa và thậm chí là viêm não, điều mà cúm hiếm khi gây ra. Do đó, việc nhận diện đúng bệnh sởi sớm sẽ giúp ngăn ngừa các nguy cơ nghiêm trọng và giúp điều trị hiệu quả hơn.
Những nốt ban đỏ là dấu hiệu đặc trưng của bệnh sởi. (Ảnh minh họa).
Cách phòng bệnh sởi và cúm cũng khác nhau
Phòng bệnh sởi
Sởi là bệnh nhiễm trùng cấp tính do virus Polinosa Morbillarum gây ra. Đây là bệnh truyền nhiễm mạnh mẽ, có thể lây lan rất nhanh trong cộng đồng, đặc biệt là ở những khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp. Để phòng ngừa bệnh sởi, tiêm phòng là biện pháp quan trọng và hiệu quả nhất. Vắc-xin sởi (hoặc vắc-xin MMR – vắc-xin phòng sởi, quai bị, rubella) được khuyến cáo tiêm cho trẻ em ngay từ khi 9 tháng tuổi và nhắc lại khi trẻ lên 18 tháng tuổi.
Bên cạnh việc tiêm vắc-xin, việc duy trì vệ sinh cá nhân cũng rất quan trọng. Người mắc bệnh sởi cần cách ly để tránh lây lan cho người khác. Môi trường sống cần được thông thoáng, sạch sẽ, hạn chế tiếp xúc với những người có triệu chứng bệnh.
Phòng bệnh cúm
Cúm là bệnh do virus Influenza gây ra, thường lây qua đường hô hấp từ người bệnh sang người khỏe mạnh thông qua việc ho, hắt hơi hoặc tiếp xúc với các vật dụng bị nhiễm virus. Cách phòng ngừa cúm chủ yếu là tiêm vắc-xin phòng cúm hàng năm. Vắc-xin cúm không hoàn toàn ngăn ngừa được bệnh nhưng giúp giảm mức độ nghiêm trọng của triệu chứng và nguy cơ biến chứng.
Bên cạnh việc tiêm vắc-xin, việc duy trì vệ sinh tay và đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người bệnh cũng rất quan trọng. Ngoài ra, tránh tụ tập đông người trong mùa cúm và tăng cường sức đề kháng bằng chế độ ăn uống khoa học cũng là những biện pháp hữu ích để phòng ngừa bệnh cúm.
Việc tiêm vắc-xin phòng bệnh là cách phòng ngừa hiệu quả nhất. (Ảnh minh họa).
Sự khác biệt trong phòng ngừa sởi và cúm
Mặc dù cả sởi và cúm đều là những bệnh lý lây nhiễm qua đường hô hấp, nhưng các biện pháp phòng ngừa lại có sự khác biệt đáng kể. Vắc-xin là biện pháp phòng ngừa quan trọng đối với cả hai bệnh, nhưng vắc-xin phòng sởi thường được tiêm cho trẻ em từ nhỏ, có hiệu quả lâu dài, trong khi vắc-xin cúm cần tiêm lại hàng năm do virus cúm có khả năng thay đổi và biến thể qua từng mùa.
Bên cạnh đó, cúm có thể gây ra các triệu chứng và biến chứng nhẹ hơn sởi nếu được điều trị kịp thời, trong khi sởi lại có thể gây biến chứng nghiêm trọng hơn. Vì vậy, việc nhận biết bệnh chính xác hay phòng ngừa bệnh sởi bằng cách tiêm vắc-xin từ sớm là vô cùng cần thiết để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cho cả cộng đồng.