Dù trải qua ca sinh con đầu lòng không mấy nhẹ nhàng nhưng Na Hye Brass luôn cảm thấy yên tâm vì có chồng và y bác sĩ túc trực 24/24 bên cạnh.
Đưa ra quyết định có phần liều lĩnh khi từ bỏ công việc với mức lương lý tưởng 2.000 USD để theo chồng Tây hơn mình khá nhiều tuổi, nhưng hiện tại, Na Hye Brass (quê ở Thạch Thất, Hà Nội) rất hài lòng với cuộc sống của gia đình nhỏ tại Mỹ. Cô gái trẻ 23 tuổi không chỉ được chồng chiều hết mực trong cuộc sống đặc biệt là thời gian mang bầu và sau sinh, mà còn được hưởng nền y tế tuyệt vời khi trải nghiệm ca sinh nở tại đất nước hiện đại nhất nhì thế giới này.
Na Hye Brass trải nghiệm thời gian bầu bí, sinh con rất thoải mái ở Mỹ
Cô gái trẻ hài lòng với cuộc sống hiện tại bên chồng Tây.
Giây phút hạnh phúc của 2 vợ chồng khi chờ đợi con chào đời.
Cảm động với cách chăm sóc sản phụ của y bác sĩ Mỹ
Chia sẻ về thai kỳ của mình, bà mẹ trẻ Na Hye Brass cho biết cô thấy có nhiều điểm khác biệt khi mang thai ở Mỹ và Việt Nam. Nếu như ở Việt Nam, các mẹ bầu đặc biệt là các mẹ sau sinh kiêng khem khá cẩn thận trong việc ăn uống thì ở Mỹ, cô luôn được bác sĩ khuyên không cần phải kiêng khem bất cứ thứ gì, trừ đồ ăn tái sống. Các bác sĩ ở đây cũng luôn nhắc nhở sản phụ không nên ăn nhiều sẽ dễ dẫn đến những nguy cơ như tăng cân quá nhiều, béo phì, huyết áp cao hay tiểu đường thai kỳ và thai nhi quá to gây khó khăn trong quá trình sinh nở.
Vì không bị ốm nghén nên trong thời gian mang bầu, Na Hye Brass ăn uống khá thoải mái. Cô chọn ăn những đồ mình thích nhưng hạn chế ăn đồ ngọt là tinh bột vì bị lượng đường cao trong máu. Ngoài ra, trong chế độ ăn uống hàng ngày, bà mẹ 23 tuổi luôn chú ý bổ sung nhiều rau xanh, thịt, cá và uống sữa tươi.
Nói về trải nghiệm khi sinh con ở Mỹ, Na Hye Brass cho biết cô vô cùng ấn tượng với cách chăm sóc sản phụ của các y bác sĩ tại đây. Bà mẹ trẻ có dấu hiệu chuyển dạ từ đêm 3/9 và sáng sớm 4/9 thì đến bệnh viện để sinh con theo dự kiến.
Người chồng luôn ở bên cạnh, hỗ trợ vợ trong cơn đau đẻ.
Sau khi nhập viện, cô được các bác sĩ làm các phương pháp trợ sinh, tiêm thuốc giục sinh để tăng cơn gò, chọc nước ối… “Sinh con ở Mỹ mọi thứ diễn ra có vẻ đơn giản và mọi chuyện hầu nhưu đều nằm trong dự tính của bác sĩ. Có thể mẹ chưa thấy dấu hiệu chuyển dạ nhưng cứ đến ngày dự sinh là bác sĩ có thể yêu cầu sản phụ đến bệnh viện để sinh con. Bác sĩ ở đây cũng không khuyến khích sinh mổ, chỉ sinh mổ trong trường hợp thai to hoặc nguy hiểm.”, Na Hye Brass kể lại.
Với ca sinh con của mình, ban đầu bác sĩ và vợ chồng Na Hye Brass chọn sinh thường nhưng sau 12 giờ đau đớn vì chuyển dạ mà cổ tử cung mở rất chậm nên các bác sĩ đã quyết định mổ đẻ cho sản phụ nhằm đảm bảo an toàn vì thai nhi khá lớn.
Dù trải qua ca sinh không hề nhẹ nhàng vì vừa phải chịu đau đớn bởi những cơn đau chuyển dạ, vừa phải trải qua vết đau đẻ mổ nhưng mẹ trẻ 9x vẫn cảm thấy rất thoải mái nhờ sự chăm sóc ân cần của y bác sĩ Mỹ. “Bác sĩ và y tá ở đây rất tận tình giúp đỡ bệnh nhân, luôn bên cạnh để kiểm tra và trấn an bệnh nhân vượt qua cơn đau, cũng như hỗ trợ khi sinh con. Mình đến bệnh viện vào lúc 6 giờ sáng thì y tá đã có mặt để chuẩn bị mọi thứ cho mình, từ giường nằm, nước uống, khăn, quần áo mặc khi sinh...Thậm chí cô y tá còn khóc nghẹn khi thấy mình trải qua ca vượt cạn khó khăn. Cô y tá đó đã ở cùng mình suốt 24 giờ. Trong 4 ngày ở bệnh viện, mình được 8 y tá chăm sóc thay phiên nhau ngày đêm. Họ giúp mình chăm con để vợ chồng lấy lại sức khỏe. Ngoài ra còn hỗ trợ ăn uống, quần áo, bỉm, sữa... thì đều được chuẩn bị sẵn cho em bé. Mình rất cảm động và hài lòng với cách chăm sóc bệnh nhân của bệnh viện bên này.”
“Bác sĩ và y tá ở đây rất ân cần, tận tình giúp đỡ bệnh nhân, luôn bên cạnh để kiểm tra và trấn an bệnh nhân vượt qua cơn đau, cũng như hỗ trợ khi sinh con."
Cả thai kỳ được chồng chiều hết mực, không một lần phải giặt quần áo
Na Hye Brass còn rất hài lòng với cuộc sống của gia đình nhỏ tại Mỹ với chồng Tây hơn cô khá nhiều tuổi. Ngay từ khi mới sống chung, cô đã được chồng chiều hết mực khi ngày ngày giặt, phơi quần áo, chuẩn bị bữa sáng tươm tất cho vợ. Và từ khi mang bầu, bà mẹ trẻ còn được chồng chăm sóc kỹ lưỡng hơn. Dù chồng đi làm cả ngày nhưng cứ ngày nghỉ là anh ở nhà dọn dẹp nhà cửa, nấu nướng cho vợ. Từ khi lấy chồng, Na Hye Brass chưa một lần phải giặt đồ và đi đổ rác.
Khi cô gái trẻ phải trải qua những cơn đau đớn khi vượt cạn, chồng Tây đã luôn bên cạnh động viên vợ. Anh chăm chút cho vợ từng bữa ăn, động viên vợ bằng những cái nắm tay, ánh mắt trìu mến và những nụ hôn yêu thương lên bụng bầu. “Sau 12 giờ đau đẻ để cố gắng sinh thường không thành công, mình được bác sĩ quyết định cho đẻ mổ. Khi đó mình đã rất thương con và khá lo lắng nên khi bước vào phòng mổ, mình đã khóc tu tu. Chồng mình thấy thế liền nắm tay vợ rồi thấy vợ bị rạch bụng cũng khóc luôn vì thương vợ và hai vợ chồng cùng khóc.”, Na Hye kể lại.
Hình ảnh bà mẹ trẻ khi mang bầu những tháng giữa thai kỳ.
Nói về cuộc sống gia đình nhỏ sau khi có thêm thành viên mới, Na Hye cho biết cuộc sống bị đảo lộn rất nhiều. Nếu như trước kia cô được ngủ thoải mái thì giờ phải thức để chăm con. Tuy nhiên, đồng hành cùng cô luôn có người chồng vô cùng tâm lý. Cô nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn nhưng chọn cách vắt sữa cho bé ti bình. Chính vì vậy mà những lúc Na Hye mệt mỏi hay đêm khuya là chồng sẽ thức để cho con ăn và thay tã cho con giúp vợ, để vợ có thêm nhiều thời gian nghỉ ngơi.
Bà mẹ 23 tuổi cũng cho biết khi mới chào đời, con trai cô khá bện hơi mẹ nên Na Hye không có nhiều thời gian chăm sóc cho bản thân. Tuy nhiên, hiện tại sau sinh hơn 1 tháng, cô đã tập cho con tự ngủ, tự chơi và tự lập hơn nên cô cũng đỡ mệt hơn và có nhiều thời gian để làm đẹp, chăm sóc bản thân và làm việc.
Na Hye chia sẻ, dù mới sinh con hơn 1 tháng nhưng cô đã giảm được 15kg và đang tiếp tục tập luyện thể thao, chăm sóc da, có chế độ ăn uống khoa học để sớm lấy lại eo thon, dáng đẹp như thời con gái.
Con trai Na Hye Brass hiện tại được 1,5 tháng tuổi.
Bà mẹ trẻ đã giảm 15kg sau hơn 1 tháng sinh con đầu lòng.