Krystal không thể ngờ chỉ vì đã từng sinh mổ mà cô suýt mất mạng khi mang thai lần tiếp theo.
Sinh mổ dù nhanh chóng, dễ dàng, nhưng luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ sau đó. Không chỉ khiến cho quá trình hồi phục hậu sản kéo dài hơn, mà cách sinh này còn dễ kéo theo những nguy hiểm cho những lần mang thai sau đó, chẳng hạn như câu chuyện mà Krystal A. Sital đã chia sẻ trên trang tin The New York Times.
Sinh mổ tiềm ẩn nhiều nguy cơ về sức khỏe. (Ảnh minh họa)
"Trông giống như là bạn đang chuẩn bị sảy thai", đó là điều bác sĩ đã nói với Krystal khi phát hiện tình huống mà cô đang gặp phải. Đây cũng là những lời chẩn đoán khá phổ biến cho những trường hợp tương tự như Krystal: thai làm tổ trên vết sinh mổ cũ.
Đây là tai biến xảy ra khi trứng đã thụ tinh "mắc kẹt" tại eo tử cung, nơi có vết sẹo mổ và phát triển thành túi thai. Nhìn chung, rủi ro mắc phải tai biến này rất thấp, chỉ khoảng 1%. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tỉ lệ này ngày càng gia tăng do sự tăng nhanh của các ca sinh mổ trên toàn thế giới.
Tại thời điểm phát hiện ra tai biến này Krystal mới mang thai được 8 tuần. Trong buổi gặp với bác sĩ IIan Timor-Tritsch, chuyên gia xử lý những trường hợp này, cô đã được bác sĩ giải thích những nguy hiểm có thể xảy đến.
Thai làm tổ trên vết mổ cũ có thể khiến mẹ mất mạng vì xuất huyết.
Theo đó, kể từ tuần thai thứ 9 trở đi, vết sẹo mổ có thể vỡ ra bất cứ lúc nào, khiến cô bị chảy máu và thậm chí dẫn đến tử vong.
Trường hợp khả quan nhất có thể xảy ra đó là các bác sĩ cầm máu kịp thời và thực hiện cấp cứu phẫu thuật cắt tử cung. Khi ấy, các bác sĩ chỉ có thể lựa chọn cứu lấy tính mạng của mẹ hoặc con.
Khi ấy, Krystal đã 29 tuổi và là mẹ của hai bé, một bé 3 tuổi và một bé 1 tuổi. Lần mang thai này hoàn toàn bất ngờ và ngoài dự định của hai vợ chồng cô. Không chỉ thế, lần mang bầu thứ ba của cô không chỉ là một, mà đến hai em bé.
Krystal đã buộc phải lựa chọn giải pháp tốt hơn, không phải là một gia đình đông đúc, mà là hai con gái và chồng mình. Vì thế, cô sẵn sàng thực hiện bất cứ đề xuất nào của bác sĩ Timor-Tritsch để đảm bảo sự an toàn nhất có thể.
Thai đậu trên vết sẹo mổ cũ, giống như mang thai ngoài tử cung, thường được "kết thúc" bằng việc tiêm methotrexate vào tử cung - một loại thuốc thường được sử dụng để chữa ung thư. Nhưng bác sĩ Timor-Tritsch đã thiết kế một phương pháp mới để "chấm dứt" những trường hợp mang thai gặp tai biến như Krystal, có tên gọi Kỹ thuật đặt ống thông hai bóng. Krystal là trường hợp thứ 14 được bác sĩ Timor-Tritsch thực hiện phương pháp này.
Lợi ích lớn nhất phương pháp này mang lại là giảm thiểu tối đa sự xâm lấn vào tử cung để bỏ thai mà không cắt bỏ tử cung, cũng như giảm tỉ lệ chảy máu tử cung.
Krystal đã gặp phải biến chứng mang thai hiếm gặp sau sinh mổ. (Ảnh minh họa)
Krystal đã tiến hành thủ thuật ngay tại phòng khám của bác sĩ cùng với sự có mặt của chồng mình. Mặc dù bác sĩ và các phụ tá đã can ngăn, cô vẫn kiên quyết muốn theo dõi toàn bộ quá trình qua màn hình. Khi bác sĩ bắt đầu mở cổ tử cung, một cơn đau khủng khiếp lập tức truyền đến khiến cô gào thét.
Qua màn hình, cô nhìn thấy bác sĩ đã nhét hai ống thông bóng vào tử cung. Ông làm đầy quả bóng phía trên bằng nước để đảm bảo rằng ống thông không bị tuột ra. Tiếp theo, bác sĩ làm xẹp quả bóng phía dưới rồi tiếp tục bơm nước vào đầy quả bóng. Hai ống thông bóng này đã tạo sức ép lên túi thai dính liền vào vết sẹo mổ sinh cũ và khiến túi thai thứ hai ngay bên cạnh ngừng tim. Sau đó, cơ thể của cô sẽ dần dần hấp thụ cả hai túi thai.
Cô được đưa về nhà trong 2 ngày, với ống thông bóng vẫn còn trong người, các ống dẫn được cố định trên đùi.
Khi tiến hành thủ thuật, cô đã mang thai được 8 tuần. Do đó, sẽ mất 8 tuần tiếp theo để cơ thể cô hấp thụ hoàn toàn 2 túi thai. Suốt thời gian đó, cô không thể làm gì khác ngoài việc chờ đợi và theo dõi mức beta hCG, một loại hormone thai kì, giảm theo từng tuần xuống mức 0.
Mặc dù đã "tai qua nạn khỏi" với tai biến mang thai hiếm gặp này, Krystal cũng được bác sĩ cảnh báo rằng những lần mang thai tiếp theo của cô rất có thể sẽ lại gặp phải biến chứng tương tự. Vì thế, nếu mang bầu lần tiếp theo, cô nên tiến hành siêu âm sớm để kiểm soát tình hình và nên dành tối thiểu 6 tháng trước khi mang bầu lần tiếp theo để cơ thể có thời gian hồi phục.
4 tháng sau, dù đã phòng ngừa, Krystal tiếp tục mang thai và sảy 2 lần liên tiếp. May mắn là cả 2 lần này, túi thai đều không đậu trên vết sẹo sinh mổ cũ. Giờ đây, sau 2 năm, cuối cùng may mắn đã mỉm cười khi Krystal mang bầu và sinh ra một bé trai khỏe mạnh. Sau những "bão táp", cô đã có thể bình thản đối diện với những mất mát từng trải qua trong quá khứ.