Nhờ biết cách sắp xếp cuộc sống, công việc mà quãng thời gian chào đón thành viên mới của gia đình MC Minh Trang trở nên trọn vẹn và nhẹ nhàng hơn nhiều.
10 ngày sau ca sinh nở lần 2, MC Minh Trang khiến người hâm mộ, đặc biệt là các mẹ bỉm sữa bất ngờ khi chia sẻ trên facebook cá nhân rằng “muốn sinh luôn bạn thứ 3, thứ 4 để nuôi một thể, vì hạnh phúc lắm, khỏe lắm, vui lắm, và cũng không vất vả lắm.” Nếu như các mẹ thường lo sợ sẽ vất vả, cuộc sống sẽ bị đảo lộn sau khi gia đình đón thêm thành viên mới thì với gia đình MC xinh đẹp này lại cảm thấy rất nhẹ nhàng. Tất cả đều do Minh Trang biết cách sắp xếp cuộc sống, công việc để “quãng thời gian chào đón thành viên mới sẽ trở nên trọn vẹn và nhẹ nhàng hơn.”
Minh Trang cho biết, hiện tại sau 10 ngày sinh thường bé thứ 2, cả thể trạng lẫn nhịp sống của cô đã trở lại 100% như lúc trước khi sinh. Cô đã có thể “đi bộ lượn lờ ra hàng thực phẩm sạch đầu phố mua đồ, đi gội đầu ở cuối phố, nấu nướng rửa bát, ngày vẫn dành ra được 3-4 giờ làm việc với máy tính, và còn có cả thời gian đưa Daisy đi thư viện mượn sách và mua sắm quần áo cho bạn ấy.”
Nữ MC xinh đẹp cũng cho biết nhà cô không ở cùng ông bà, cũng không có người giúp việc ngủ qua đêm mà chỉ thuê giúp việc theo giờ, bé Daisy vẫn ở cùng bố mẹ nhưng từ khi sinh bé thứ 2, cuộc sống gia đình không hề bị xáo trộn. “Mình muốn chia sẻ với các ông bố và mẹ tương lai rằng "sợ vất vả", "sợ không lo nổi"... hoàn toàn không hề phải, và không nên là lý do để sợ việc sinh đẻ nếu các bạn thực sự đủ khả năng tài chính và kiến thức để chào đón thiên thần nhỏ của mình. Ngay cả khi không có điều kiện ở cùng để được ông bà nội/ngoại đỡ đần/chăm sóc thì mọi chuyện vẫn hoàn toàn có thể kiểm soát được và không vất vả, khủng khiếp tẹo nào nếu vợ chồng thẳng thắn chia sẻ cùng nhau và khéo léo sắp xếp.”
Sau 10 ngày sinh thường bé thứ 2, cả thể trạng lẫn nhịp sống của MC Minh Trang đã trở lại 100% như lúc trước khi sinh.
Dưới đây là những gì Minh Trang đã và đang làm, hy vọng có thể gợi ý cho các bạn một vài cách sắp xếp cuộc sống, công việc để quãng thời gian chào đón thành viên mới sẽ trở nên trọn vẹn và nhẹ nhàng hơn:
1. Người giúp việc hàng ngày, theo giờ
Căn hộ của nhà mình nhỏ xinh nhưng cũng đủ có 2 phòng ngủ (cho vợ chồng mình và bạn Daisy) thêm người giúp việc ngủ lại sẽ rất bất cập chuyện ăn ngủ, quãng thời gian riêng tư của cả nhà cũng sẽ không còn được như trước, mình cũng không muốn bạn Daisy quen với việc có giúp việc ở cùng nên phương án có giúp việc toàn thời gian bị loại đầu tiên. May mắn cho mình là có người quen giới thiệu cho 1 mối chuyên giới thiệu các bạn sinh viên giúp việc, package của mình chọn là làm cả tuần (trừ chủ nhật) ngày 4 tiếng. Một tháng là 1,8 triệu. Quá hợp lý về thời lượng và chi phí. Em giúp việc nhà mình là một em sinh viên, ngoan và rất chịu khó. Hàng ngày em ấy lau dọn nhà, rửa bát, giặt quần áo, sơ chế thực phẩm (nhặt rau, gọt hoa quả, vắt cam... ). Nói chung 4 tiếng/ngày là rất dư giả.
2. Đi chợ online
Hãy tận dụng tối đa facebook và internet cho quãng thời gian này. Tuy bị bạn chồng quản thúc vụ dùng điện thoại những ngày đầu mới sinh, nhưng vài phút check facebook hay nhắn tin/ điện thoại cũng không chết được (mà cùng cực hữu dụng là đằng khác). Mình giao hẹn sẵn các cửa hàng thực phẩm sạch vẫn thường mua về việc chuẩn bị sinh và tìm hiểu về việc ship hàng tận nhà từ trước. Chỗ nào cũng rất vui vẻ và đều hứa sẽ freeship bất kể giá trị đơn hàng. (Cái bụng bầu đôi khi lợi hại thế đấy).Thế là từ hôm sinh, đều đặn 8 giờ sáng đều nhận được tin nhắn của các chỗ đó, bắt đầu bằng "Chị Trang ơi, hôm nay cửa hàng em có abc, xyz...". Mình chỉ cần alo 1 phút là gạo hữu cơ hay rau quả thịt cá tươi ngon hàng ngày đều được giao đến tận cửa.
Nhờ biết cách sắp xếp cuộc sống, công việc mà quãng thời gian chào đón thành viên mới của gia đình MC Minh Trang trở nên trọn vẹn và nhẹ nhàng hơn nhiều.
3. Thủ thỉ đề xuất, và bị bất ngờ
Mình đẻ thường, được lưu viện 1 đêm. Sau khi ra viện, cái bỉm đầu tiên lẫn lần tắm đầu tiên của Bánh Mì là bạn chồng mình "tự xử". Đêm con thường dậy ăn sữa 3 lần 12h đêm, 4h sáng và 7h sáng. Mình đi ngủ lúc 11h tối, trước khi ngủ sẽ hút sữa kiệt 2 bên ngực, bạn chồng thức làm việc đến 12h đêm sẽ cho con ti bình rồi ngủ 1 giấc đến sáng. Mình chỉ phải dậy 4h và 7h, mỗi lần dậy trung bình 30-45ph (vừa cho con ti, vỗ ợ, thay bỉm...). Trưa mình ngủ bù 2-3h là đủ.
Sáng bạn chồng gọi Daisy dậy, làm đầy đủ các thủ tục buổi sáng rồi đưa bạn ấy đi học, đến lớp là 7h30 rồi lại đi làm bình thường. Tối về, sau bữa cơm, 2 bạn lớn sẽ lại đưa nhau đi tắm rửa, ôn bài, đọc sách ê a... Cảm giác chăm chút cho những người mình yêu thương thực sự rất hạnh phúc và gắn kết. Quãng thời gian mới sinh các mẹ thường dễ bị hút vào các bạn bé, và "bỏ quên" bạn lớn. Nhưng nếu biết cách "dụ dỗ" bạn lớn cùng chia sẻ việc chăm sóc gia đình, niềm hạnh phúc sẽ còn lớn hơn gấp nhiều lần. Sau này con cái lớn, đây sẽ là những kỷ niệm tuyệt vời nhất đấy. Vì thế mình luôn khuyên các bạn mình, nếu có thể, hãy đừng thuê giúp việc ngủ lại, đừng về nhà ngoại, đừng nhờ vả ông bà... Ông bà nhà mình ngày nào cũng đến chơi, bế bạn bé, "tiếp chuyện" chị lớn Daisy.
Riêng với Daisy, hai chữ "chị lớn" thật là kỳ diệu với bạn ấy. Đó không chỉ là việc có em, mà là việc bạn ấy đã lớn thực sự và trở thành một người có trách nhiệm hơn. Trái với việc mọi người thường sợ, mẹ đẻ em, anh/chị lớn sẽ ít được quan tâm hơn, Daisy rất hào hứng với việc có em, ngày nào đi học về là cũng nhảy chân sáo vào phòng ôm hôn bế em 1 lúc mới chịu. Mình rất hay nói chuyện với Daisy về việc trở thành anh/chị và về việc có em từ khi mang bầu, đến khi sinh em, Daisy được vào với em ngay trong phòng đẻ chứ chẳng đợi được đến khi mẹ về phòng nghỉ. Mình vẫn giao cho bạn ấy một số đầu việc nho nhỏ (soạn và gấp quần áo của em, úp bình sữa và dụng cụ hút sữa đã khô cho mẹ, đưa nôi, đọc truyện cho em...). Được chăm em, đỡ đần bố mẹ, là một người chị có trách nhiệm tuyệt vời lắm lắm ấy.
Bé Daisy rất hào hứng với việc có em bé.
4. Lên trước kế hoạch bữa ăn, món ăn cho tuần đầu sau sinh
- Mình sinh ở tuần 42. Bố mẹ và con cùng thi gan, cuối cùng con thắng. Cơ địa của mình là cơ địa đa ối, nên tuần 42 ối vẫn nhiều, mọi thứ vẫn bình thường, thế là tay trong tay với bạn chồng ung dung vào viện truyền oxytocin. Có 2 tuần thêm nên cũng dư giả thời gian để chuẩn bị.
- Dinh dưỡng sau sinh quan trọng lắm, vì mẹ sẽ mất máu sau cuộc đẻ, rồi ăn làm sao để đảm bảo sữa cho con... Mình lên sẵn các món sẽ ăn trong 1 tuần đầu sau sinh để chủ động về nguyên liệu và sơ chế.
- Mình nói không với móng giò (và các món siêu mỡ, ít chất nói chung), nói không với chè vằng (và các loại chè/thức uống nhiều nước ít chất nói chung). Mình uống 50% sữa tươi thanh trùng không đường, và 30% là sữa bầu, còn lại là nước từ canh, hoa quả. Một ngày đảm bảo lượng chất lỏng nạp vào cơ thể từ 3-4L là được, nếu uống chè vằng, vô hình chung nạp rất nhiều nước lọc và 1 vài gram thứ cao chè vằng đấy vào người mà chẳng còn chỗ cho các loại nước giàu dinh dưỡng và vitamin khác nữa!
- 1 điều tối quan trọng nữa là thực đơn phải đảm bảo thật nhiều rau xanh và hoa quả. Vì điều tồi tệ nhất của những mẹ sinh thường, phải khâu, chính là táo bón hoặc phải rặn khi đại tiện.
- Các món mình ăn:
+ Cháo chim bồ câu hầm với hạt dẻ, đỗ xanh nguyên vỏ
+ Gà hầm vị thuốc bắc (mình cho gấp đôi lượng kỷ tử, ý dĩ và táo đỏ)
+ Bắp bò hầm củ sen
+ Sườn non hầm bí đỏ, khoai tây, cà rốt, đậu hà lan
+ Canh rau ngót thịt băm
+ Củ dền luộc chấm muối vừng hoặc kho quẹt (củ dền đỏ cực nhiều Vitamin C và Sắt, lượng Canxi còn nhiều hơn cả cải bó xôi, nói chung là rất tốt cho mẹ sau sinh nhé)
+ Các loại củ quả luộc (súp lơ xanh, đỗ quả xanh, cà rốt, su su...)
+ Zucchini noddle (bí ngồi nạo thành sợi dài như sợi mì và xào với cà chua, tôm/mực...)
Cả nhà ăn theo chế độ bà đẻ, và khen ngon nức nở, rất là happy.
Gia đình hạnh phúc của MC Minh Trang. (Ảnh: Hà Tiến Anh)
5. Những đồ thiết yếu, phải mua, và nên mua số lượng lớn hơn bình thường
Những vật dụng tiện lợi giúp mình rất rất nhiều, vừa tiết kiệm thời gian, công sức lại hiệu quả và an toàn lắm.
- Bỉm: Tuy đắt hơn 1 chút, nhưng so với tã giấy hoặc miếng lót sơ sinh... sẽ tiết kiệm bao nhiêu công sức giặt đồ vì bị dính bẩn ra quần áo của em bé/gia trải giường... (cứ hình dung việc dùng băng vệ sinh có cánh với không cánh mà xem).
- Khăn xô/khăn sữa: bé sơ sinh sẽ không tránh được việc thường xuyên sựa sữa. Thay vì mua 5 chiếc khăn xô, hãy mua 20 chiếc. Để có thể nguyên 1 ngày, nhất là lúc đêm hôm, con dùng thoải mái vẫn không phải lọ mọ dậy giặt khăn.
- Phụ kiện hút sữa, bình sữa: thay vì có 1 bộ ống, van... mình mua 3 bộ. Như thế có thể hút sữa liên tục 3 lần mới phải đi rửa. Bình sữa thì nhất định nên có ít nhất 3 chiếc, vì đằng nào con cũng dùng đến khi lớn.
- Miếng lót thấm sữa: mình mang ơn người nào phát minh ra cái thứ này, vì nếu không những mẹ sữa như mình không thể làm nổi việc gì. chỉ chăm chăm lo cái áo lót bị ướt và sữa chảy tong tỏng mất!
- Áo lót cho con bú: nên mua 3-5 cái, loại càng mềm càng tốt. Mình được các bác sỹ và các mẹ sữa khuyên nên mặc áo lót thường xuyên, cả khi đi ngủ. Một phần là vì còn có chỗ để dính miếng lót thấm sữa, 1 phần vì đảm bảo vòng 1 không bị chảy xệ sau quãng thời gian cho con bú.
- Túi quấn/túi ủ em bé (Baby swaddle): quấn chặt giúp bé không bị giật mình, ngủ ngon hơn, cảm giác bớt chuếnh choáng sau khi ra khỏi cái bụng chặt chẽ của mẹ. Khăn vuông/tam giác thông thường quấn là ok nhưng dễ bị xô lắm, mình dùng loại túi ủ dạng kèn, có các miếng dính giữa các lớp quấn, dễ quấn hơn mà giảm thiểu bị xô. Loại dành cho mùa đông có lớp lông cực ấm bên trong. Nên có khoảng 4 chiếc vì tháng đầu tiên bé sẽ chủ yếu dùng túi ủ.
- Nồi ủ: nhà tớ có 2 cái nồi ủ Thermos (1 cái nhà có sẵn, 1 cái mượn của bà ngoại). Nồi ủ cực kỳ tiện dụng cho các món ninh/hầm, nấu cháo, súp. Chỉ cần cho lõi nồi lên bếp. đun sôi bùng 5-10 phút rồi cho lại vào vỏ nồi, ủ càng lâu sẽ càng nhừ, không bị bốc hơi nước, không lo bị rào, tiết kiệm gas mà nhàn tênh ấy.
Có ông bà ở cùng, hay có giúp việc, hay tự thân vận động như nhà tớ, phương án nào cũng có những ưu nhược điểm riêng, tuy nhiên, chắc chắn, phương án "tự thân vận động" sẽ luôn tạo nên những kỷ niệm không thể nào quên cho cả 2 vợ chồng, và các bạn be bé nữa.