Khi tiến hành thụ tinh trong ống nghiệm, bác sĩ đã chuyển cho chị Lưu (Trung Quốc) 2 phôi nhưng kết quả siêu âm sau đó chỉ cho thấy một phôi đang phát triển trong tử cung.
Gần đây, các bác sĩ tại bệnh viện Ánh Dương (tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc) đã tiếp nhận và điều trị cho một ca mang thai cực hiếm.
Chị Lưu (34 tuổi) và chồng lấy nhau đã nhiều năm nhưng mãi không có "tin vui". Đến cuối năm 2018, hai vợ chồng đến bệnh viện Ánh Dương khám và các bác sĩ phát hiện nguyên nhân hiếm muộn là do chị Lưu bị tắc cả hai bên ống dẫn trứng.
Chị Lưu được điều trị sinh sản bằng cách thụ tinh trong ống nghiệm.
Các bác sĩ đã tiến hành mổ thông ống dẫn trứng và thụ tinh trong ống nghiệm cho chị Lưu. Đến tháng 2/2019, chị Lưu vui mừng khi phát hiện mình đã đậu thai. Vậy nhưng kết quả siêu âm lần đầu của chị đã khiến các bác sĩ phải choáng váng.
Để tăng cơ hội thành công, chị Lưu được chuyển hai phôi nhưng siêu âm cho thấy chỉ có một phôi đang phát triển trong tử cung. Ban đầu, các bác sĩ cho rằng phôi còn lại đã tiêu biến nhưng sau khi kiểm tra kĩ lại thì thấy phôi thai còn lại đang phát triển trên... ống dẫn trứng.
Quá trình siêu âm, các bác sốc nặng khi phát hiện một thai nằm trong tử cung còn một thai khác ở ngoài tử cung.
Điều đó có nghĩa là chị Lưu đang mang thai đôi nhưng một thai trong tử cung còn một thai ngoài tử cung. Bác sĩ Tiêu Bân, trưởng khoa Hỗ trợ sinh sản của bệnh viện cho biết đây là hiện tượng cực hiếm với tỉ lệ xảy ra chỉ khoảng 1/30.000.
Sau đó, các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật loại bỏ thai ngoài tử cung cho chị Lưu đồng thời dùng nội tiết, giảm co để giữ thai nhi trong tử cung. Sau ca phẫu thuật, sức khỏe chị Lưu đang dần hồi phục. Kết quả siêu âm cho thấy em bé trong tử cung cũng đang phát triển ổn định, không bị ảnh hưởng bởi ca mổ.
Các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật loại bỏ thai ngoài tử cung cho chị Lưu.
Chia sẻ về ca mang thai đặc biệt này, bác sĩ Tiêu cho biết: "Mang thai hỗn hợp là thuật ngữ dùng để chỉ những ca mang thai ở hai hoặc nhiều vị trí khác nhau cùng một lúc. Các trường hợp có thể xảy ra là một thai ngoài, một thai trong tử cung như chị Lưu, mang thai ở hai bên vòi trứng, một thai ở vòi trứng, một thai ở buồng trứng.
Tỉ lệ những ca mang thai hỗn hợp này rất thấp nhưng hiện nay do sự gia tăng của các bệnh vô sinh và áp dụng rộng rãi các công nghệ hỗ trợ sinh sản như IUI, IVF nên khả năng mang thai như thế này đang dần tăng lên".