Khi xuất hiện cơn co, chị lên bàn đẻ thì đột ngột bác sĩ không nghe thấy tim thai đâu nữa. Căng thẳng tột độ, bs chỉ đạo phải mổ bắt con ngay lập tức. Cuộc chiến sống còn chỉ tính bằng giây...
Nhìn con yêu ngủ ngon bên cạnh, chị Trần Minh Châu (31 tuổi, Hà Nội) lại mỉm cười hạnh phúc. Nhớ lại một tháng trước đi sinh bé Bob, chị vẫn không thể quên được tâm trạng căng thẳng, lo lắng vì con bị sụt tim thai đột ngột khi chuẩn bị lên bàn sinh, các bác sĩ phải căng như dây đàn thực hiện ca sinh mổ của chị bởi có thể rủi ro xảy ra bất cứ lúc nào, cả quá trình mang thai 9 tháng 10 ngày của chị trở nên công cốc.
Chị Trần Minh Châu và bé Bob.
Cả phòng họp hốt hoảng vì vẫn đi làm dù tối đi đẻ
Đầu tháng 11 vừa qua, tổ ấm nhỏ của chị Trần Minh Châu vừa hạnh phúc chào đón thêm thành viên mới, bé Bob. Mặc dù đã trải qua một lần sinh nở trước đó vào năm 2012 khá thuận lợi nhưng lần sinh thứ 2 này lại ngược lại và để lại cho chị nhiều kỷ niệm.
Chị Châu cho biết, khi mang bầu bé thứ 2, chị rất khỏe. Chị thực hiện chế độ ăn 3 bữa/ ngày sử dụng tinh bột có lợi thay cơm như khoai lang, gạo lức, yến mạch, rau, các loại cá và thịt trắng. Bên cạnh đó, chị kiêng đồ ngọt như bánh kẹo, đường và chỉ nạp đồ ngọt từ hoa quả cũng như ăn thêm bữa phụ bằng ngũ cốc hoặc nước cam nên chị tăng cân khá ít. Cả thai kỳ chị chỉ tăng 12kg từ 50kg lên 62kg, khá gọn, không bị rạn da hay bị phá tướng như nhiều mẹ bầu khác.
“Mình không uống sữa bầu mà tự làm sữa hạt để uống. Mình thường đun óc chó với nước xong xay lọc ngày uống tầm 3 lít. Mình bổ sung sắt, canxi, DHA trong quá trình mang thai và ăn nhiều quả có múi như cam, chanh, bưởi, bơ, chuối, đu đủ chín”, chị Châu chia sẻ về chế độ dinh dưỡng khi mang thai của mình.
Chị Châu mang bầu chỉ tăng 12kg.
Vì có thai kỳ thuận lợi, sức khỏe tốt nên chị vẫn có thể đi làm đến lúc đẻ, thậm chí chị vẫn hoàn thành xong nhiệm vụ quan trọng ở công ty để kịp tối hoặc ngày hôm sau đi sinh bất cứ lúc nào.
Chị còn nhớ ngày trước khi đi đẻ, dù đã ra máu hồng báo hiệu sắp chuyển dạ nhưng chị vẫn đến họp với đối tác. Sau cuộc họp, cả phòng phải hốt hoảng, không tin rằng chị vẫn đi làm dù có thể tối đi đẻ.
“Đợt cuối tháng 10 mình có cuộc họp với đối tác. Mình lo là đợt đó đúng lúc đẻ. Trước ngày họp 1 ngày mình đã ra máu hồng, tuy nhiên mình vẫn chưa đi đến viện mà đi họp.
Đối tác người Singapore có hỏi bao giờ mình đẻ. Mình bảo họ là có thể tối nay hoặc mai. Cả phòng họp ai cũng hốt hoảng “Really? Are you kidding” kiểu bạn đùa à”, chị Châu cười nhớ lại.
Chị vẫn làm việc đến khi đi đẻ khiến nhiều người bất ngờ.
Bị sụt tim thai đột ngột, bác sĩ “căng như dây đàn” mổ thai
Chị Châu sinh bé Bob đầu tháng 11 khi thai được 38 tuần. Nhớ lại ngày đi sinh của mình, chị vẫn không thể quên được tâm trạng căng thẳng, lo lắng vì con bị sụt tim thai đột ngột khi chuẩn bị lên bàn sinh, các bác sĩ phải căng như dây đàn thực hiện ca sinh mổ của chị bởi có thể rủi ro xảy ra bất cứ lúc nào, cả quá trình mang thai 9 tháng 10 ngày của chị trở nên công cốc.
Chị Châu kể: “Mình hình dung cuộc vượt cạn thứ 2 của mình giống như phim lãng mạn tình cảm. Mình biến thành nhân vật chính trong show rặn đẻ với đèn đóm sáng choang và chục người vây quanh chỗ cần vây. Mình sẽ là một sản phụ xinh đẹp với 2 cái hắt xì hơi là con sinh ra, cả ekip sẽ vỗ tay đèn đẹt. Chồng mình sẽ trào nước mắt và mình thì cười mãn nguyện. Tiện thể chụp vài kiểu sống ảo đăng lên phây cho bàn dân thiên hạ xuýt xoa.
Mình tưởng tượng thế nhưng đời nó không như mơ, luôn làm mình bất ngờ. Tưởng tượng giống phim tình cảm lãng mạn bao nhiêu thì thực tế nó gay cấn, ác liệt giống phim hành động bấy nhiêu. Không phải cứ lần 1 rặn 2 lần là con chào đời có nghĩa là lần 2 cũng thế, không phải con nhỏ, ngôi thuận đã có thể đẻ được thường và cũng không phải cả thai kỳ khỏe mạnh, làm việc đến khi đi đẻ có nghĩa là mọi thứ sẽ suôn sẻ đến lúc đẻ”.
Mặc dù cả thai kỳ thuận lợi nhưng khi lên bàn sinh chị lại lo lắng vì tim thai con sụt đột ngột.
Chia sẻ về quá trình đi sinh của mình, chị Châu cho biết, khi có cơn chuyển dạ, bước lên bàn đẻ, chị bỗng lo lắng vì đột ngột tim thai sụt từ 140, 138, 60 và rồi không còn nghe thấy nữa. Lúc đó, không khí trong phòng trở nên ngột ngạt.
Mặc dù các bác sĩ thăm khám, rồi thay đổi tư thế nằm, cho chị thở oxi cũng không có hiệu quả, tim thai vẫn sụt mà không hiểu lý do vì sao bởi thai không bị dây rốn quấn cổ, và chị cũng không có tiền sử bệnh gì.
Nghe thấy tiếng máy tút tút báo hiệu không thấy dấu hiệu tim thai chị càng sợ hãi hơn và không dám tin vào sự thật, không dám nghĩ đến điều xấu nhất.
“Mình không dám nghĩ đến điều xấu nhất, miệng chỉ tập trung “Nam mô a di đà phật”. Còn bác sĩ, mình đoán họ đang căng như dây đàn, áp lực vô cùng bởi biến chứng trong sản khoa nhanh và nguy hiểm, ranh giới giữa việc trở thành ân nhân cứu người và tội đồ trong những tình huống như này chỉ mong manh như sợi chỉ.
Trong cơn hoảng loạn, bỗng dưng mình lại thấy cơn gò và hét lên “Bác ơi con cháu vẫn sống, nó vẫn gò đây này, bác cứu con cháu với”.
Cả ekip chạy như bay chuyển mình lên phòng mổ, bác sĩ mổ đã chờ sẵn. Sau khi gây tê tủy sống, 1 giây sau toàn bộ phần dưới của mình tê hết, mình thấy rung rung, lắc lắc phần dưới, bác sĩ hô: 1,2,3 ấn… và rồi tiếng “oe, oe, oe”, con đỏ hỏn được lôi ra khỏi bụng khóc váng phòng.
Cả ê kíp hét ầm lên “Nó khóc rồi, sống rồi, mừng quá con ơi, phúc con to bằng cái đình”. Khi ấy, mình mới cho phép mình được khóc và khóc to hơn cả con bởi mình quá sợ hãi, quá hạnh phúc, quá kìm nén giờ mới dám bật ra”, chị Châu kể về ca sinh mổ của mình.
Bé Bob chào đời nặng 3,3kg. Sau 1 tháng, hiện nay bé Bob đã được 5kg.
Bé Bob chào đời nặng 3,3kg. Tỉnh dậy từ sau ca sinh mổ, chị phải đối diện với hiện thực những cơn co lạnh và run do tác dụng phụ của thuốc gây tê và cả những cơn đau vết mổ. Mặc dù mệt, không nói thành lời nhưng chị vẫn cố gọi người thân hỏi về tình hình con.
“Bác sĩ vào thăm khám xong kể: “Hôm nay phúc nhà cháu lớn quá nên các bác cũng được hưởng lây chứ không thì bác lại thành tội đồ với gia đình cháu. Cháu thấy bác bẩy mươi tuổi rồi mà phải chạy nhanh cho kịp”. Mình buồn cười quá. Hóa ra, con chọc cả nhà. Đầu con đè lên dây rốn kẹp giữa xương chậu của mình khiến cho tim loạn nhịp”, chị Châu mỉm cười.
Mặc dù hành trình vượt cạn lần 2 khiến cho chị phải “hoảng hồn” nhưng sự chào đời bình an của con, được mẹ tròn con vuông đã giúp chị vượt qua được những nỗi sợ hãi trước đó và nỗi đau khủng khiếp sau khi sinh mổ.