Theo bác sĩ đa khoa Nội - Nhi Hoàng Thúy Hải, việc massage bụng khi bầu bí là không nên.
Độc giả Nguyễn Thị Ngát bày tỏ lo lắng về việc xoa kem chống rạn da và massage bụng quá nhiều lần như thế này: “Em đang chăm chỉ thoa kem mỗi ngày 2 lần vào sáng và tối với hy vọng sẽ không phải chịu cảnh rạn da như mẹ và chị thì có chuyện xảy ra. Mẹ chồng thấy em thoa kem và massage bụng nhiều quá liền mắng là em không hiểu biết gì, muốn mất con đâu mà xoa bụng. Bà bảo có cô cháu họ cũng chỉ vì ích kỷ sợ xấu, sợ rạn da, ngày ngày bôi kem chống rạn lên bụng nên hậu quả là bị sảy thai. Bà cấm em không được bôi kem nữa và tuyệt đối không được xoa bụng”.
Mặc dù mẹ chồng khuyến cáo không nên massage bụng quá nhiều nhưng chị Ngát vẫn làm. “Tự dưng từ sáng qua thức dậy em thấy quần chíp xuất hiện một vài đốm máu nhỏ và bụng thì hơi ê ẩm đau”, chị Ngát lo lắng.
Không nên xoa bóp bụng trong thai kỳ (Ảnh minh họa)
Trao đổi với chúng tôi bác sĩ đa khoa Nội – Nhi Hoàng Thúy Hải cho biết: “Về quan điểm y học, tôi không đồng tình với việc bôi kem chống rạn da hay xoa bóp bên ngoài bụng khi đang mang bầu”.
Theo bác sĩ Hải, thực chất, rạn da xảy ra trong quá trình thai nhi phát triển. Khi tử cung giãn ra để chứa thai với kích thước ngày càng lớn sẽ kéo theo da bụng đặc biệt vùng bụng dưới, da mặt trước đùi bị rạn. Thậm chí, có người còn bị rạn da vùng cơ quan sinh dục ngoài. Với những người khi chưa mang bầu mà có da trắng hoặc cơ thể gầy thì vết rạn càng rõ. Tuy nhiên, việc dùng kem hay tập thể dục thì mục đích cuối cùng cũng chỉ là giúp da săn chắc, đưa đến cảm giác vết rạn nhỏ đi nhưng thực tế không mất đi.
“Theo tôi, tốt nhất mọi động tác có tác động đến tử cung như massage hay xoa bóp bên ngoài, kể cả bôi kem cũng không nên thực hiện trong thai kỳ. Vì bôi kem cũng có thể xảy ra dị ứng nếu không phù hợp cơ địa. Còn xoa bóp có thể kích thích tử cung co bóp làm ảnh hưởng không tốt đến thai nhi, có thể làm động thai hay sảy thai”, bác sĩ Hải lưu ý.
Nguyên nhân gây sảy thai có thể là do nội tiết của mẹ không tốt, thai làm tổ trong tử cung nhưng không đủ chất dinh dưỡng để phát triển hoặc thai nhi bị bệnh, do sang chấn, tác động thô bạo từ bên ngoài. Mặt khác, mẹ bị nhiễm vi khuẩn hay virus có thể lây qua cho con dẫn đến sảy thai hay thai lưu. Vì vậy, đối với phụ nữ có thai, không chỉ chăm sóc về dinh dưỡng mà còn phải giữ gìn cơ thể, tránh tác động mạnh từ bên ngoài.
Về dấu hiệu báo động nguy cơ sảy thai hoặc dẫn đến thai chết lưu, bác sĩ Hoàng Thúy Hải cho hay: “Dấu hiệu ban đầu có thể nghi ngờ dẫn đến sảy thai là khi đã được bác sĩ chẩn đoán có thai nhưng có máu chảy bất thường bất kể màu gì, đau bụng không rõ nguyên nhân theo cơn dài và lâu. Còn với thai đã lớn, ngoài việc chảy máu thì cần chú ý đến cử động của thai trong bụng mẹ, nếu không thấy thai đạp hay máy thì cần đến cơ sở chuyên khoa kiểm tra ngay”. bác sĩ Hải nói thêm.