7 năm mới có con, chị L. (Sơn Tây, Hà Nội) đã phải nuốt không biết bao nhiêu giọt nước mắt với những lời nói xì xào của người ngoài.
“Khi con sinh ra mẹ bỗng thấy cuộc sống nhẹ nhàng quá. Nhà cửa rôm rả hẳn lên. Nụ cười hạnh phúc của bố. Nụ cười của ông bà ngoại khao khát cháu đầu lòng suốt 7 năm qua. Những ngày tháng sau này mẹ không còn phải lủi thủi một mình khi bố đi làm xa suốt hay tủi thân nghe tin ai đó lại mới có bầu. Mẹ cũng không phải xấu hổ, không dám đi ăn cỗ, đi họp lớp, đi chúc Tết vì sợ những câu nói vô tình khiến mẹ nhói lòng nữa con à. Giờ đây mẹ đã hạnh phúc khi có con bên cạnh”, chị L. tâm sự.
10 ngày qua, dù thức đêm chăm con mệt mỏi nhưng chị L. luôn cảm thấy mình có nguồn năng lượng dồi dào. Và suốt 7 năm tìm con, chưa bao giờ chị đơn độc trên hành trình ấy bởi luôn có chồng ở bên bảo vệ, động viên để cùng đón trái ngọt đầu tiên này.
Bé nhà chị L chào đời nặng 2,9kg vào tháng 4/2019.
Chồng nhờ làm kết quả tinh trùng yếu để vợ không chịu lời ra tiếng vào
Chị L. kể, chị lấy chồng vào năm 2012, chờ mãi không có tin vui, vợ chồng chị lên Bệnh viện Phụ sản Trung Ương khám và hay biết, chị bị tắc 2 vòi trứng. Vì quá sốt ruột có con nên chị đã nghe tư vấn của bác sĩ quyết định mổ thông ngay sau đó. Chị nhớ, hồi đó không có chi phí, chị đã phải bán 3 chỉ vàng mà mẹ cho làm của hồi môn cộng với tháng lương của chồng để mổ. Lần mổ đó, cả 2 vợ chồng chị đều giấu gia đình, chồng chị phải gọi điện về nhà nói dối rằng chị mổ ruột thừa.
“Mình mổ vào 25 Tết năm 2012, ngày 29 tết mình về nhà vết mổ vẫn đau, mọi người cũng có chút nghi ngờ mình không phải mổ ruột thừa nhưng chồng mình nói nên mọi người đành tin.
Suốt từ đó mình luôn cầu trời khấn phật đừng cho mình bị đau ruột thừa và xin mình mang bầu được, vậy mà một năm, hai năm, ba năm,… rồi đến 6 năm đều không có. Mình đã đi uống thuốc Bắc, Nam khắp nơi tốn vài chục triệu. Sau mình biết đến một người bạn thành công nhờ IVF nên mình đã giục chồng đi”, chị L kể.
Chị L. được mặc chiếc áo bầu mơ ước sau 6 năm.
Chồng chị lúc đầu có chần chừ vì kinh tế không có nhưng sau khi chị động viên, anh đã quyết định tiếp tục hành trình tìm con. Trong tay chỉ có 30 triệu mà chi phí IVF tốn cả trăm triệu, vợ chồng chị phải chạy vạy khắp nơi. Để chị không bị mọi người to nhỏ, xì xào, anh đã nhờ bác sĩ làm kết quả là mình tinh trùng yếu. Đồng thời suốt quá trình làm, chồng chị luôn nói người nhà rằng tinh trùng yếu để mọi người không hy vọng nhiều.
“Từ ngày tiêm kích trứng mình bị phản ứng phụ của thuốc nên không ngủ được. Đêm nào anh cũng ngồi bóp chân đến khi vợ ngủ say mới thôi. Ngày chuyển phôi anh vui và hồi hộp lắm. Sau đó ngày nào anh cũng nấu cháo cá chép, lên mạng đọc xem ăn gì sau chuyển phôi tốt để chăm sóc mình.
Tối nào anh cũng cho mình ngâm chân nước gừng và bóp chân cho. Anh còn nghỉ việc ở công ty chăm vợ. Thời điểm đó không có kinh tế, anh tranh thủ đi làm xe ôm lúc rảnh.
Ngày 8 mình quá sốt ruột nên đã thử que, nhìn thấy que một vạch mình đã khóc. Ngày sau kết quả vẫn vậy, mình biết cả anh và mình không dám hy vọng nữa. Thế nhưng anh vẫn mua cá chép nấu cháo cho mình và động viên mình “Không sao, mình còn phôi mà. Bác sĩ dặn ngày 14 mới thử nên đừng lo”.
Mình không hy vọng khi thử máu ngày 12 nên thu dọn đồ đạc đợi kết quả rồi về quê luôn. Không ngờ nhận kết quả mình không tin vào mắt. Anh đã khóc khi nhìn thấy kết quả. Chiều đó anh vui lắm không đi xe ôm được vì quá hạnh phúc”, chị L. chia sẻ niềm hạnh phúc đầu tiên của vợ chồng mình.
Mang bầu chị trải qua nhiều lần lo lắng tình hình con.
Chồng đi xe ôm từ 3-4h sáng đến 2h đêm lo cho vợ bầu, cả xóm im bặt khi nhìn thấy con
Khi biết mình có bầu, để giữ thai chị quyết định ở trọ gần viện đến 12 tuần mới về quê đi làm. Thời gian sau đó chị bị nghén không ăn được gì, cả ngày chỉ ăn được củ khoai, bắp ngô nên sút cân, xanh xao người.
Hàng ngày, chồng chị vẫn đều đặn sáng sớm dậy 3-4h đi xe ôm đón khách lên Hà Nội đi viện khám bệnh đến 7h lại tranh thủ mua đồ hoặc nấu ăn cho chị rồi tiếp tục công việc. Có ngày được vài chục, có ngày được vài trăm phải làm đến 2h sáng hôm sau nhưng vợ chồng chị vẫn luôn cố gắng để vượt qua giai đoạn này, lấy tiền ăn qua ngày.
Bầu bí vất vả, mỗi lần nhìn thấy chồng chịu thương chị khó, hết lòng vì vợ, chị lại thương anh nhiều hơn và thầm cảm ơn ông trời đã cho mình một người chồng thật tốt như thế.
Chị L. kể, khi mang bầu chị lo lắng nhất là thai được 10 tuần bị trượt chân ngã. Cả vợ chồng chị đã mất ngủ đêm đó, lo lắng tình hình con.
“Mình đi vệ sinh không may bị trượt chân ngã xuống, đi khám bác sĩ bảo bóc tách 50% phải tiêm thuốc giữ. Anh lo lắng sợ điều gì xảy ra không ngủ được, mình cũng vậy, cả 2 không dám nói với nhau. 12 tuần mình về quê, ai ai cũng muốn nhìn xem mình bầu thế nào. Chỗ này tụm 5 tụm 3, chỗ kia nói chuyện của mình rôm rả như chuyện lạ, chắc lâu không có bầu nên người ta tò mò”, chị L cho biết.
Vất vả mới có con nhưng đến khi có bầu rồi, chị L. phải nghe những lời nói không hay của người ngoài. Người ta không tin chị mang bầu nhờ biện pháp hỗ trợ sinh sản IVF là con của chồng chị mà người ta nghĩ rằng đó là con của bác sĩ.
“Mẹ chồng, mẹ đẻ ai cũng nghe được người ta bảo, đó không phải con của chồng mình, đút tiền cho bác sĩ rồi bảo đi chữa. Thậm chí, có người có con trai là điều dưỡng ở bệnh viện gần nhà cũng nói rằng “Con trai tôi học y bảo tất cả những người đi làm thụ tinh ống nghiệm đều không phải con của chồng”, mình đều nghe được hết nhưng không nói gì. Ngày ngày mình nói chuyện với con, bảo con sau này nhất định phải giống hệt bố.”, chị L. tâm sự.
Con đến khiến gia đình chị rộn vang tiếng cười.
Khoảng thời gian vất vả nhất của 2 vợ chồng, chồng chị phải đi chạy xem ôm kiếm tiền từng ngày đã trôi qua. Sau khi về quê, chồng chị tìm được công việc có thu nhập ổn định hơn, chị cũng đi làm được bình thường nên cuộc sống cũng đỡ vất vả hơn.
Chị L. cho hay, hơn 6 năm mới được mặc chiếc áo bầu mơ ước nên nhưng từng tuần trôi qua chị luôn sống trong lo sợ, sợ có điều gì xảy ra với con. 16 tuần chị lo lắng vì bị rau bám thấp cổ tử cung, phải duy trì đặt thuốc. 26 tuần, siêu âm ít ối, em bé bị ruột non tăng âm vang cũng khiến chị thấp thỏm hơn. Không những vậy, 32 tuần chị còn như ngồi trên đống lửa khi con bị dây rốn quấn cổ 3 vòng, nhẹ cân ở tuần thứ 34.
38 tuần vì nước ối giảm nên chị đã quyết định sinh mổ chủ động. Nằm trên bàn mổ, chị đã rất sợ nhưng khi được bác sĩ đặt con lên ngực, chị không nói thành lời mà rưng rưng khóc, nỗi sợ bỗng dưng tan biến hết. Đặc biệt, chị đã ôm con khóc khi con được bác sĩ đưa về từ khoa sơ sinh, giọt nước mắt của 7 năm mới được làm mẹ, được ôm con vào lòng.
Con chào đời không chỉ như cơn mưa rào tưới mát những ngày hè trong lòng anh chị mà còn xóa tan đi mọi nghi ngờ, đồn đoán ác miệng của mọi người trước đó.
“Mình sinh bé vào đầu tháng 4/2019 nặng 2,9kg. Mọi người đến chơi vào nói nói “Sao con giống hệt bố thế”. Có người nghe vậy không tin và nghi ngờ nhưng đến khi nhìn ảnh con mình mà chồng gửi cho người thân cũng im bặt, không nói năng gì nữa”, chị L. chia sẻ.
Từ khi có con, chồng chị cười nhiều hơn và hạnh phúc hơn.
Từ khi có con, chị L. thấy cuộc sống sống nhẹ nhàng hơn. Ngôi nhà của chị luôn tràn ngập tiếng cười. Đặc biệt, chị không còn phải lủi thủi một mình, không phải tủi thân khi nghe có người mang bầu hay không dám đi ăn cỗ, chúc Tết, họp lớp nữa vì giờ đây chị đã luôn có con bên cạnh.