Mang thai 4, vợ chồng chị Dịu, anh Điệp đã phải tiêu giảm đi một bé để đảm bảo an toàn.
Gần 2 tuần nay, vợ chồng anh Trần Hoàng Điệp (Facebook: Jung Hyo Soo) và chị Phạm Thị Dịu (31 tuổi, Đình Cao-Phù Cừ-Hưng Yên) tất bật chăm 3 con nhỏ. Sinh 3 còn nhiều khó khăn nhưng anh chị đã được mãn nguyện sau hành trình 4 năm vất vả tìm con, có đầy đủ nếp tẻ với 2 gái, 1 trai.
Chị Dịu và 3 bé.
4 năm muộn con vì rụng trứng non
Anh Điệp và chị Dịu kết hôn vào năm 2013. Sau 3 tháng kết hôn vợ chồng anh đã từng mừng hụt khi thấy vợ chậm kinh. Tuy nhiên 3 tháng sau khi vợ có kinh trở lại, nỗi buồn đã hiện lên trên gương mặt của vợ chồng anh chị.
Anh chị tiếp tục chờ 7-8 tháng sau nhưng không thấy gì nên cuối năm 2013 quyết định đến Bệnh viện Phụ sản Trung Ương khám. “Bác sĩ bảo mình bình thường còn vợ mình bị rụng trứng non nên khó có thể đậu thai. Bác sĩ bảo vợ chồng mình về ăn uống bồi dưỡng nhưng cũng không có, bẵng đi 2 năm sau, vợ chồng mình lên viện khám nhưng vẫn như vậy, chưa cải thiện được nhiều, máu còn hơi xấu”.
Sau thời gian uống thuốc, tình trạng máu xấu của vợ anh đã được cải thiện nhưng thời gian trôi qua, khi mọi người cùng cưới đã có tin vui thì gia đình anh vẫn vậy chỉ lủi thủi có 2 vợ chồng.
Sốt ruột quá, anh chị đã tìm đến Bệnh viện Bưu điện tham gia chương trình Tuần lễ thăm khám miễn phí vào năm 2017. Kết quả thăm khám như 2 lần trước, chưa tìm rõ nguyên nhân khó có con khiến vợ chồng anh chán nản không biết làm thế nào.
Tình cờ đọc được bài chia sẻ của cặp vợ chồng muộn con 8-10 năm đã tìm thấy niềm vui ở Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, vợ chồng anh đã quyết tâm tìm đến bệnh viện.
“Kết quả khám vẫn vậy, không rõ nguyên nhân muộn con, bác sĩ chỉ bảo trước kia có kết quả rụng trứng non khó có con, bác sĩ sẽ thay đổi chế độ ăn uống nhưng cũng không ăn thua. Vợ chồng mình sốt ruột nên xin bác sĩ làm IVF vì vợ chồng mình cũng 30 tuổi rồi, chờ con cũng 4 năm rồi”, anh Điệp tâm sự.
Anh và chị Dịu đồng hành suốt quãng đường tìm con để có 3 trái ngọt hiện giờ.
Mang thai 4 hiếm gặp, nơm nớp lo sợ tiểu đường thai kỳ
Sau khi kích trứng, chị Dịu kích được 33 quả tạo được hết phôi loại một và được nuôi phôi lên vài ngày. Lần đầu tiên chị chuyển 3 phôi đậu cả 3. Đặc biệt một túi phôi thứ 3 phát triển thêm một bé nữa thành mang thai 4.
“Phôi 1 riêng 1 túi thai, phôi 2 cũng vậy, phôi 3 lại triển thêm một bé nữa. Bác sĩ hỏi vợ chồng mình rằng gia đình có ai sinh đôi không? Mình có nói với bác sĩ rằng mẹ mình sinh đôi ra 2 anh em mình.
Vì để 4 thai nguy hiểm, đặc biệt sợ phôi thứ 3 yếu rồi hỏng tất nên mình xin bác sĩ giảm thiểu phôi thứ 3. Bác sĩ đồng ý và tiêu giảm cho vợ mình. Bác bảo yên tâm bác đã giảm thiểu một thai ở túi thai thứ 3 rồi thai còn lại sẽ tụt ra nhưng sau đó vợ chồng mình đi siêu âm vẫn thấy có 3 thai.
Bác sĩ có bảo từ trước giờ anh làm cho tất cả các trường hợp chưa trường hợp nào không ra cả, nó sẽ teo đi và tuột ra, yên tâm không lo lắng. Đến tháng 3,4 đi siêu âm vẫn 3 bé phát triển như nhau”, anh Điệp cho hay.
Anh Điệp cho biết, anh biết túi phôi thứ 3 là con trai còn 2 thai đầu là con gái vì mẹ anh cũng sinh đôi trai nhưng mỗi lần đi siêu âm thai thứ 3 vẫn luôn là một ẩn số bởi dây rốn quấn vào.
Thai kỳ của vợ anh - chị Dịu diễn ra khá thuận lợi, chị tăng khoảng 20kg lên 87kg. Vì sức khỏe tốt nên dù nghén 5-6 tháng, chị vẫn cố gắng ăn để tốt cho con. Đến tuần 28 chị có nguy cơ mắc tiểu đường thai kỳ nên phải vào bệnh viện điều trị.
“Vợ mình xét nghiệm ở Bệnh viện Sản nhi Hưng Yên các chỉ số có nguy cơ lấn vào tỉ lệ mắc tiểu đường thai kỳ nên phải nằm viện điều chỉnh ăn uống, kiêng khem để ngăn chặn. Thời gian đó, chỉ có 2 vợ chồng chăm nhau, mình đi làm về lại vào viện ở với vợ. Vợ mình cũng khỏe nên vẫn có thể tự tắm gội, đứng giặt quần áo được dù bầu to”, anh Điệp kể.
Mang thai 3 chị Dịu tăng khoảng 20kg, bụng to và rạn nhiều.
Sinh 3, 2 gái 1 trai, là trường hợp hiếm gặp 1000 ca mới có một
Được biết, chị Dịu sinh mổ khi thai được 37 tuần 5 ngày, cả 3 bé (2 gái, 1 trai) đều nặng 2,3kg. Kể về ngày đi đẻ của vợ, anh Điệp cho biết, vợ dự kiến sinh vào ngày 15/4, tuy nhiên ngày đó vào đúng nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng Vương nên các bác sĩ đã chuyển sang ngày 17/4 mổ bắt thai.
Thế nhưng vào 3h sáng ngày 15/4, chị Dịu cảm thấy khó thở khi ngủ dậy, thở gấp, em bé trong bụng đạp dữ dội nên đã được các bác sĩ mổ gấp. Ca mổ của chị bắt đầu vào lúc 6h kém. 6h53, bé gái đầu tiên chào đời, khoảng 2-3 phút sau, tiếng khóc bé thứ 2 cất lên, tiếp đó, bé trai thứ 3 được các bác sĩ lấy ra vẫn còn nguyên bọc ối.
“Đó là niềm vui, đại phúc của nhà mình. Con trai chào đời còn nguyên bọc điều hơn 1000 trường hợp mới có một. Sau khi chụp ảnh, các bác sĩ mới tiến hành bóc ối, cụ cậu cất tiếng khóc oa oa. Trường hợp nhà mình sinh 3, đặc biệt một bé chào đời còn trong bọc ối là trường hợp đầu tiên ở bệnh viện luôn”, anh Điệp chia sẻ niềm hạnh phúc.
Bé trai sinh ra trong bọc điều.
Lần đầu tiên gặp các con, anh Điệp đã khóc trong hạnh phúc vì cả 4 mẹ con đã “mẹ tròn con vuông”, các con đều khỏe mạnh.
Mặc dù sau sinh, vợ anh phản ứng với thuốc gây tê tủy sống nhưng chị cũng đã nhanh chóng tập đi lại và một tuần chị cùng 3 bé đã được các bác sĩ cho xuất viện.
3 nhóc tỳ nhà anh.
Thời gian đầu vợ chưa có sữa, anh Điệp lại phải đến từng phòng xin sữa gửi bác sĩ cho con ăn. Hiện nay, chị Dịu chỉ đủ sữa cho 2 bé nhưng vợ chồng anh chị luôn cố gắng để cho các con được ăn sữa mẹ 70% còn 30% bổ sung bằng sữa non. Để có thể chăm sóc các bé, gia đình anh đều phải có 3 người luôn túc trực cả ngày đêm chăm bé.
Anh Điệp tâm sự, kể từ khi bắt đầu hành trình tìm con, vợ anh đã nghỉ làm đến nay, trụ cột kinh tế đều do một tay anh phục trách. Trong khi đó mức lương công nhân của anh làm tăng ca đều đặn cũng chỉ được 6 triệu, đủ tiền bỉm sữa cho con. Ngày nào anh cũng đi về tổng cộng cả 70km hành trình từ Phù Cừ đến Yên Mỹ đi làm, về nhà anh lại cố gắng đỡ vợ việc chăm con. Dù còn nhiều vất vả nhưng anh sẽ cố gắng mang lại những điều tốt nhất cho 4 mẹ con.