Quyết định giữ thai 23 tuần dù bị nhiễm trùng nước ối là quyết định táo bạo nhưng vô cùng đúng đắn của chị M.N (34 tuổi, Sài Gòn).
Đến bây giờ dù đã sinh con được tròn 1 năm nhưng nhìn lại hành trình để con trai chào đời, chị M.N vẫn ngỡ như một giấc mơ. Khi thai được 23 tuần, nặng 3 lạng, bác sĩ khuyên chấm dứt thai kỳ vì bị nhiễm trùng nước ối, vỡ ối, chị N. đã đi cầu cứu khắp các bệnh viện và có quyết định táo bạo giữ con. Một tháng nằm viện giữ thai và 82 ngày con nằm phòng hồi sức sơ sinh dù tâm trạng còn nhiều nỗi lo nhưng cuối cùng chị cùng con đã làm nên kỳ tích, cán đích thành công.
Hình ảnh chị N. sinh bé cách đây 1 năm.
Nhiễm trùng nước ối, bác sĩ buộc chấm dứt thai kỳ ở tuần 23 khi con mới 3 lạng
Chị N. chia sẻ, sau khi sinh con lần đầu, 3 năm nỗ lực mang thai chị N. mới cấn bầu lần hai. Tuy nhiên niềm hạnh phúc chưa được bao lâu, thai hơn 23 tuần, chị bị xuất huyết nhẹ phải nhập viện sản điều trị.
Chị N. nhớ lại, lúc mới nhập viện bác sĩ bảo rằng tình trạng của chị bình thường, chỉ cần nằm một ngày sẽ được xuất viện. Tuy nhiên vài ngày sau, bác sĩ khuyên chị nên gấp rút chấm dứt thai kỳ vì đang rỉ ối, bạch cầu trong máu cao, khả năng nước ối nhiễm trùng. Bác sĩ có nói với chị rằng nếu sinh ra, em bé cũng không sống được vì thai còn nhỏ tuần chỉ nặng 3 lạng còn nếu để sẽ dẫn tới nhiễm trùng máu, mẹ và con đều tử vong. Bác sĩ đã cho gia đình chị 30 phút để suy nghĩ đến việc uống thuốc cho ra em bé và ký chấp nhận đình chỉ thai.
Tin này như sét đánh ngang tai với chị N., khiến chị suy sụp tinh thần bởi khó khăn lắm chị mới có thai lại, đến khi có thai đi được nửa chặng đường, hai mẹ con lại phải rời xa nhau.
“Trước đó 1 ngày bác sĩ khám nói lượng nước ối quá ít, sợ con sẽ mất trong bụng bất cứ lúc nào. Bác nói để bác sắp xếp lịch mổ. Sau đó mình nhớ đến một người bạn thai 32 tuần bị yêu cầu bỏ em bé và nhờ một bác sĩ giữ lại được con, hiện bé 16 tháng tuổi khỏe mạnh. Giữa lúc đang suy sụp vì sắp mất con, mình như có phao cứu sinh được người bạn giới thiệu bác sĩ Lê Văn Đức, Bệnh viện Hạnh Phúc. Mình đã nhanh chóng tìm đến và "trốn viện" sang gặp bác sĩ nhờ kiểm tra”, chị N. nhớ lại.
Những ngày chị nằm viện, ông xã cứ ngày đi làm, tối lại vào viện chăm chị.
Gặp bác sĩ Đức, vợ chồng chị N. hoang mang khi được bác sĩ cho biết, bạch cầu trong máu còn rất cao, nước ối gần như đã cạn. Nhìn gương mặt các bác sĩ e dè khi nhìn bạch cầu của chị, chị đã rất sợ phải nghe bác sĩ nói bỏ vì những nơi vợ chồng chị đến đều là những bệnh viện tuyến cuối. Tuy nhiên, sau khi được bác sĩ động viên, làm các xét nghiệm nhiễm trùng vẫn trong tầm kiểm soát, còn khả năng giữ được bé, vợ chồng chị đã rất vui mừng. Đối với chị, chỉ có chút hy vọng là chị sẽ cố gắng hết mình mặc kệ nguy hiểm thế nào. Chính vì vậy, chị đã quyết định “trốn viện” để theo bác sĩ Đức điều trị.
“Tại đây, các bác sĩ cùng tính toán kỹ chiến lược điều trị để cố gắng kéo dài tuổi thai của em bé lâu nhất có thể. Mình phải nằm một chỗ suốt 1 tháng, đến ăn uống cũng tại chỗ luôn. Sáng chồng mình đi làm, chiều tối lại chạy lên với vợ ở đó tới sáng rồi về đi làm. Ban ngày em mình phụ.
Lúc đó, mình bị cạn ối, em bé dễ sụt cân nên mình ăn và uống ngày 1 lít sữa để em bé có chào đời cũng không quá nhỏ. Mình uống nước theo bác sĩ dặn để giữ lượng nước ối. Vậy là khoảng thời gian mang bầu mình tăng lên được 10kg”, chị N. chia sẻ.
Bé Đức Tuấn sinh ở tuần 28 nặng 1kg.
Cứ nghĩ sinh mổ, đi vệ sinh lại rờ thấy con
Những ngày nằm viện giữ thai, chị N. được dùng thuốc chống nhiễm trùng và theo dõi kỹ càng. Giữ thai được thêm 5 tuần, đến tuần 28, chị sinh thường bé nặng 1,085 kg và bé được chuyển thẳng lên khoa Hồi sức sơ sinh.
“Ngày 17/4/2018, bác sĩ gặp vợ chồng mình bảo ngày hôm sau là 18/4 mổ bắt con vì nước ối cạn quá nhưng chiều hôm đó mình đã đau đẻ và đẻ rồi.
Hôm đó, mình đau từng cơn, mình không nghĩ đau đẻ, vì trong mức chịu được. Khi mình đi vệ sinh rờ vùng kín cảm giác như đầu em bé. Mình mới kêu y tá và được chuyển lên phòng sinh liền.
Bác sĩ đỡ đẻ cho mình vẫn bảo là con nhỏ mình sẽ không phải rạch tầng sinh môn nhưng để bé đỡ tổn thương não nên bác sĩ đã rạch tầng sinh môn. Sau sinh, con được chuyển lên phòng hồi sức sơ sinh gấp”, chị N. nhớ lại.
Hình ảnh bé khi được ấp kangaroo với mẹ.
Chị N. tâm sự, sinh con non chị không buồn nhiều bởi đối với chị, hai mẹ con đi được đến 28 tuần là điều may mắn. Nghe con cất tiếng khóc chào đời, chị đã khóc vì hạnh phúc bởi cuối cùng 2 mẹ con đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, làm nên điều kỳ tích.
“Các bác sĩ thấy nước ối mình còn ít mà giữ hay lắm, có 2cm mà cứ cố giữ hoài, có bữa nước ối tụt còn hơn 1cm các bác cũng giữ, được ngày nào mừng ngày đó. Bác sĩ rất có tâm dù biết lỡ mất con sẽ phiền phức nhưng vẫn cố giữ con cho mình. Bác nói với mình rằng con là trời cho đó. Nói chung là vợ chồng mình biết ơn bác lắm. Sinh nó xong, nghe nó khóc lớn mà mình mừng lắm”, chị N. mỉm cười.
Chị N. đặt tên con là Đức Tuấn với mong muốn con luôn được bình an. Suốt khoảng thời gian con nằm phòng hồi sức sơ sinh, chị phải thuê một phòng trọ đối diện bệnh viện để qua lại viện sáng, chiều đưa sữa và ấp kangaroo cho con. Ngày đó, mỗi sáng dậy chị lại bắt đầu hành trình Bình Dương – Sài Gòn đến viện ấp kangaroo cho con 2 lần sáng, chiều. Đến khi ấp xong, chị lại trở về Bình Dương. Ngày nào cũng vậy, dù mệt, nhọc nhưng chị luôn có con để làm động lực.
“25 ngày sau sinh gia đình mình mới được gặp con. Nhìn con bé xíu vẫn bằng số kg lúc sinh mà thương lắm. Nhìn từng mảng da con tróc ra do mình bị cạn ối lâu quá mà rớt nước mắt. Lần đầu ấp kangaroo mình đâu dám bồng con vì con có 1kg à. Mỗi lần ấp thì máy hay báo lắm tại con cứ ngưng thở rồi tím tái hoài. Sau này mình quen dần mới bớt sợ hơn”, chị N. kể.
Bé hiện nay tròn một tuổi.
Niềm hạnh phúc của chị N. hiện nay.
Sau 85 ngày, khi bé được 1,4 kg đã rút Catheter, ngưng hoàn toàn oxy, không bị tím, thở và bú tốt, gia đình chị được đón con về. Đến nay, khi con đã được 1 tuổi, mặc dù con vẫn phải vật lý trị liệu vì chậm vận động nhưng chị vẫn cảm thấy may mắn vì con khỏe mạnh, cùng mẹ làm nên điều kỳ diệu.