Mang song thai vốn đã là một điều kỳ diệu, nhưng với người mẹ này, điều kỳ diệu ấy còn đi xa hơn tưởng tượng khi cô trở thành một trong những ca siêu thai hiếm hoi trên thế giới.
Với những ai chưa từng nghe đến thuật ngữ "siêu thai" (superfetation), đây là hiện tượng một phụ nữ tiếp tục thụ thai dù đã mang thai trước đó. Điều này hiếm đến mức trên toàn cầu, chỉ có 12 trường hợp được ghi nhận trong lịch sử y học. Và Rebecca Roberts (39 tuổi), cùng 2 con là bé Rosalie và Noah chính thức trở thành một phần của kỳ tích này.
Cấn bầu lần 2 khi thai mới được 3 tuần
Rebecca và chồng cô đã rất hạnh phúc khi biết tin cô mang thai bé Noah. Nhưng niềm vui ấy chưa kéo dài được bao lâu thì một điều không tưởng đã xảy ra.
Khi thai nhi Noah mới được 3 tuần tuổi, trong một lần siêu âm, các bác sĩ bất ngờ phát hiện một bào thai thứ hai đang phát triển trong tử cung của Rebecca.
"Tôi thực sự không thể tin nổi khi nghe bác sĩ thông báo. Chính tôi còn không biết là có thể thụ thai lần nữa khi đã mang thai rồi!" – Rebecca kể lại cảm giác kinh ngạc lúc ấy.
Thực tế, hai lần siêu âm trước đó, các bác sĩ chỉ thấy duy nhất một bào thai. Không ai có thể ngờ rằng sau đó, một phôi thai mới lại xuất hiện.
Đây là điều gần như không thể xảy ra ở con người, vì khi đã mang thai, các hormone thai kỳ sẽ ngăn chặn quá trình rụng trứng tiếp theo. Nhưng bằng cách nào đó, Rebecca vẫn tiếp tục rụng trứng, thụ thai và bào thai thứ hai vẫn tìm được cách làm tổ trong tử cung của cô.
Rebecca Roberts bất ngờ về câu chuyện mang thai của mình.
Hành trình đầy gian nan để đón hai thiên thần kỳ diệu
Dù mang thai kỳ diệu, nhưng quá trình mang bầu của Rebecca không hề dễ dàng. Hai bào thai phát triển với tốc độ khác nhau, dẫn đến sự chênh lệch kích thước đáng kể. Khi thai kỳ bước sang tuần 33, các bác sĩ phát hiện dây rốn của bé Rosalie gặp vấn đề, gây ảnh hưởng đến sự phát triển của bé.
Không thể chờ đợi thêm, các bác sĩ quyết định mổ lấy thai khẩn cấp để đảm bảo an toàn cho hai bé. Tháng 9 năm ngoái, cặp song sinh đặc biệt này chính thức chào đời.
Bé Noah chào đời nặng 2,09 kg, trong khi bé Rosalie chỉ vỏn vẹn 1,1 kg. Sự chênh lệch gần một nửa cân nặng khiến ai cũng xót xa, nhưng điều đáng mừng là cả 2 bé đều hoàn toàn khỏe mạnh.
Tuy nhiên, vì sinh non và nhẹ cân, bé Rosalie cần được chăm sóc đặc biệt trong lồng kính suốt hai tháng rưỡi trước khi được xuất viện về nhà với mẹ và anh trai.
Hai đứa trẻ chào đời hoàn toàn khoẻ mạnh.
Rebecca thừa nhận hành trình mang thai này đã vượt ngoài sức tưởng tượng của cô. Nhưng giờ đây, khi nhìn hai con khỏe mạnh, cô cảm thấy tất cả đều xứng đáng.
Rebecca tin rằng hiện tượng siêu thai của mình có thể liên quan đến một loại thuốc hỗ trợ sinh sản mà cô đã sử dụng trước khi mang thai.
Khi cố gắng thụ thai bé Noah, Rebecca đã uống một loại thuốc giúp kích thích rụng trứng. Có khả năng, loại thuốc này đã khiến buồng trứng của cô tiếp tục hoạt động ngay cả sau khi đã mang thai.
Điều này có thể đã tạo điều kiện cho bào thai thứ hai – bé Rosalie được thụ tinh và phát triển, dù thai kỳ của bé Noah đã bắt đầu trước đó.
Dù chưa có kết luận chính xác, nhưng đây vẫn là một giả thuyết hợp lý nhất để lý giải cho hiện tượng tưởng chừng như không thể xảy ra này.
"Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ rơi vào một trường hợp hiếm hoi như thế này. Nhưng bây giờ, tôi chỉ biết cảm ơn vì mình đã có hai đứa con đáng yêu. Đó là điều tuyệt vời nhất mà cuộc sống ban tặng" – Rebecca xúc động chia sẻ.
Siêu thai là gì? Vì sao đây là hiện tượng hiếm đến mức gần như không tồn tại?
Trong y học, "siêu thai" (superfetation) là một trong những hiện tượng hiếm có nhất.
Nói đơn giản, đây là trường hợp một phụ nữ thụ thai thêm lần nữa trong khi đã có một bào thai đang phát triển trong tử cung. Tuy nhiên, hai bào thai này không được thụ thai cùng một thời điểm như các cặp song sinh thông thường.
Điều kiện để siêu thai xảy ra:
Ở người, mang thai xảy ra khi một noãn (trứng) được thụ tinh. Sau đó, noãn được thụ tinh sẽ tự làm tổ trong tử cung của người mẹ. Để siêu thai xảy ra, một noãn hoàn toàn khác phải được thụ tinh và sau đó được cấy riêng vào tử cung.
Để điều này xảy ra thành công, phải có 3 điều kiện siêu hiếm gặp:
- Rụng trứng (buồng trứng phóng noãn) trong quá trình mang thai: Điều kiện này rất khó có khả năng nếu không nói là cực hiếm bởi lẽ thai kỳ kéo theo sự tăng tiết của các hormone có tác dụng ngăn cản quá trình rụng trứng.
- Tinh trùng phải kết hợp với noãn thứ hai: Thông thường khi một bào thai đã làm tổ thành công, dưới sự gia tăng các hormone trong thai kỳ, cổ tử cung sẽ hình thành nút nhầy, bít lại “con đường huyết mạch” khiến các tinh binh không thể chu du đến gặp noãn. Do đó điều kiện này cũng được xem là rất hiếm khi xảy ra.
- Trứng thụ tinh làm tổ thành công trong tử cung đã mang thai: Việc cấy trứng thụ tinh vào thành tử cung đòi hỏi cơ thể phải giải phóng một số hormone nhưng khi có thai, cơ thể sẽ ngưng phóng các hormone cần thiết này. Chưa kể, tử cung cần có thời gian và không gian cho một thai khác cấy vào thành công. Thế nên, đây vẫn là một điều kiện rất khó có thể xảy ra.
Về mặt lý thuyết, khả năng hiện hữu của 3 điều kiện kể trên gần như không thể. Chính vì vậy, trong số ít các trường hợp siêu thai được báo cáo hầu hết đều xảy ra ở phụ nữ trải qua phương pháp điều trị sinh sản. Chẳng hạn như trong quá trình thụ tinh trong ống nghiệm, các phôi đã thụ tinh sẽ được chuyển vào tử cung của phụ nữ.
Tại sao hiện tượng này hiếm đến vậy?
Các nhà khoa học cho rằng siêu thai có thể xảy ra phổ biến ở một số loài động vật như cá, thỏ rừng hay lửng, nhưng ở con người, đây vẫn là một điều gần như không thể.
Trên thực tế, đa số các trường hợp siêu thai đều liên quan đến các phương pháp điều trị sinh sản, như thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), do các phôi có thể được cấy vào tử cung ở những thời điểm khác nhau. Tuy nhiên, trường hợp của Rebecca Roberts hoàn toàn tự nhiên, khiến giới y khoa không khỏi kinh ngạc.
Mẹ bầu có thể xem thêm video sau đây: