Hầu hết các trường hợp mang đa thai đều phải sinh mổ nhưng do chị Nguyệt nhà xa, khi đến bệnh viện cổ tử cung đã mở 8cm nên bác sĩ đành để chị sinh thường.
Khi một người mẹ mang bầu đôi hay bầu 3 thì niềm hạnh phúc của gia đình cũng như được nhân 2, nhân 3 lên. Vậy nhưng cùng với đó là trăm nghìn mối lo bởi bầu đa thai luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho cả mẹ và các bé. Khi phát hiện mình đang mang bầu 3 tự nhiên, chị Tòng Thị Nguyệt (22 tuổi, sống tại xã Mường Kim, huyện Than Uyên, tỉnh Lại Châu) đã được bác sĩ cảnh báo những khó khăn sẽ phải đối mặt nhưng chị và gia đình vẫn quyết tâm giữ lại cả 3 "lộc trời cho" này.
"Mang bầu 3 chỉ mệt hơn một chút, mình vẫn đi làm ruộng được"
Chị Nguyệt kết hôn khá sớm và sinh con trai đầu lòng khi chưa tròn 20 tuổi. Khi bé đầu được 19 tháng, chị bất ngờ phát hiện mình đang mang thai lần nữa. Nhưng điều đáng ngạc nhiên hơn thì đến tuần thứ 14 bà mẹ trẻ này mới được đón nhận. Đó chính là chị không chỉ mang bầu 1 hay 2 mà tới 3 bé hoàn toàn tự nhiên với tỉ lệ cực hiếm, chỉ khoảng 1/8000 ca trên toàn thế giới.
Chị Nguyệt mang thai 3 hoàn toàn tự nhiên.
Khi kết quả siêu âm cho thấy chị Nguyệt đang mang thai 3, bác sĩ đã cảnh báo chị có thể gặp nhiều rủi ro khi mang thai, sinh nở, các bé sinh ra thường thiếu tháng và nhẹ cân, sẽ rất khó khăn trong việc chăm sóc. Hơn nữa, điều kiện y tế tại địa phương cũng không được hiện đại, đầy đủ.
"Mình cũng nghe các bác sĩ bảo nếu bầu 3 thế này thì dưới Hà Nội người ta thường khuyên giảm thiểu bớt thai nhưng cơ sở y tế ở chỗ mình chưa đủ điều kiện để thực hiện. Gia đình mình cũng không có điều kiện nên chẳng suy nghĩ gì chuyện bỏ bớt thai cả. Con cái đến là có duyên với mình, là lộc trời cho nên mình sẽ nhận và cố gắng hết sức vì các con", chị Nguyệt tâm sự.
Tuy mang thai 3 nhưng chị Nguyệt vẫn khá khỏe mạnh và có thể đi làm ruộng.
May mắn thay, những tháng đầu thai kỳ của chị Nguyệt khá suôn sẻ khi chị không hề bị ốm nghén. "Mình chỉ mệt hơn khi mang bầu bé đầu một chút, vẫn còn đi làm ruộng được", bà mẹ trẻ chia sẻ.
Tuy vậy, khi chiếc bụng "thần kỳ" chứa cả 3 sinh linh bé nhỏ ngày càng lớn lên thì thêm nhiều khó khăn, vất vả cũng kéo đến. Mang thai 3 nên chị Nguyệt bị rạn da rất nhanh kèm theo ngứa ngáy, khó chịu.
"Nhiều lúc mình như không thể chịu nổi cái bụng của mình nữa, chỉ mong các con ra luôn với mình nhưng rồi lại muốn con đủ ngày đủ tháng để chào đời khỏe mạnh. Nghĩ lại mình vẫn may mắn hơn nhiều mẹ bầu khác vì dù mang thai 3 nhưng người không phù hay nặng nề nhiều, cũng rất ít ốm. Tuần 32 mình lo lắng vì bị ho và sốt nhưng rồi bác sĩ kê đơn, mình chỉ uống 2 ngày thuốc là lại khỏi luôn", chị Nguyệt nhớ lại những tháng ngày mang thai 3.
"Lên bàn đẻ đã mở 8 phân, bác sĩ bảo không được rặn nhưng mình không chịu nổi"
Thông thường, hầu hết các ca mang bầu đa thai đều được các bác sĩ khuyên nên sinh mổ để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và các con. Tuy nhiên, chị Nguyệt đã có một ca sinh thường "thần kỳ" khiến bác sĩ cũng phải nể phục.
Nhớ lại ca sinh của mình, chị Nguyệt kể: "Lúc đó mình được 36 tuần, bụng cũng to, nặng nề lắm rồi. Bình thường đêm mình chỉ phải dậy đi vệ sinh 2 lần mà đêm đó phải dậy đến 4 lần. Lần thứ 5 dậy thì đã là 5 rưỡi sáng, mình thấy cảm giác đau bụng âm ỉ rồi sau đó vỡ ối nên vội vã lấy đồ đi bệnh viện luôn.
Chị Nguyệt đã đẻ thường cả 3 bé trong vòng 30 phút.
Bệnh viện cách nhà mình 15km nên gần 7 giờ sáng mình mới vào được phòng sinh để khám. Bác sĩ bảo lên bàn để kiểm tra mà còn bất ngờ vì bụng mình to quá, lúc đó mình mới nói là bầu 3. Bác sĩ kiểm tra thì đã mở 8cm rồi nhưng vẫn dặn mình là phải nhịn, không được rặn vì chưa xác định được ngôi thai với bệnh viện chưa gặp ca sinh 3 nào, có lẽ sẽ phải mổ.
Vậy nhưng lúc đó mình sao nhịn được nữa, cơn rặn đến dồn dập nên bác sĩ đành liều để đẻ thường".
Đúng 7 giờ sáng, chị Nguyệt hạ sinh cô công chúa đầu tiên với cân nặng 2,3kg. Bé thứ 2 cũng suôn sẻ chào đời sau 10 phút với cân nặng 2kg. Tuy nhiên, bé thứ 3 do nằm ngôi ngược nên ca sinh gặp phải khó khăn. Bác sĩ có ý định chuyển mổ vì sợ bé ngạt nhưng cuối cùng đến 7 giờ 30 phút bé đã cất tiếng khóc chào đời hoàn toàn tự nhiên. Tuy vậy, bé chỉ nặng chưa đầy 1kg và quá yếu nên phải cho nằm lồng kính và chuyển lên viện tỉnh ngay chiều hôm đó.
"Thú thật mình cũng không rõ hội chứng truyền máu song thai là gì và bác sĩ cũng không giải thích lý do một bé lại nhỏ hơn hẳn hai bé còn lại như vậy. Mình chỉ biết bé nằm ngôi ngược và bị hai chị chèn từ trong bụng", chị Nguyệt cho biết.
"Chăm 3 con đêm mình chỉ ngủ 2-3 tiếng, mệt muốn ngất nhưng vẫn vui"
9 tháng mang bầu 3 đã khó khăn, ca đẻ thường 3 bé đã vất vả nhưng vẫn chưa thể so sánh được với những thử thách về cả sức khỏe, vật chất và tinh thần khi phải chăm cùng lúc 3 bé sinh non của gia đình chị Nguyệt.
Sau khi sinh, bé thứ 3 lập tức được chuyển lên bệnh viện tỉnh còn hai bé còn lại vẫn ở bệnh viện huyện. Chị Nguyệt vắt sữa cho 2 bé nằm lồng kính bú nhưng 2 ngày sau thì bác sĩ báo các bé ăn không tiêu, phải truyền dịch. Sau 1 tuần, các bác sĩ tại bệnh viện huyện cho biết đã cố gắng làm hết khả năng nhưng tình hình các bé vẫn không tiến triển nên chuyển lên bệnh viện tỉnh.
Dù sinh 3 nhưng bé út nhỏ và yếu hơn nhiều so với 2 chị.
Sau 4 ngày nằm lồng kính tại bệnh viện tỉnh, tình hình của 2 bé đã ổn hơn và được cho ra ngoài chăm sóc trong khi bé thứ 3 quá yếu nên vẫn cần chăm sóc đặc biệt.
"Vừa lo chăm 2 bé bên ngoài, vừa lo vắt sữa cho bé thứ 3 còn nằm trong lồng kính nên mình gần như kiệt sức. Bên cạnh đó là tinh thần suy sụp do tình trạng của các con không có tiến triển.
May mắn thay sau 20 ngày thì hai bé bên ngoài đã khỏe hơn và được xuất viện. Bé thứ 3 cũng đã có thể tiêu hóa tốt hơn nên mình với bà nội cho hai bé về còn chồng mình ở lại chăm bé thứ 3, ngày ngày đi xin sữa để các bác sĩ cho con bú. Được 1 tháng 2 ngày thì bé mới được về nhà. Sau thời gian dài chờ đợi trong lo lắng, cuối cùng mình cũng được ôm cả 3 con trong vòng tay", chị Nguyệt nhớ lại.
Các con là động lực để chị Nguyệt vượt qua mọi khó khăn, vất vả.
Đến nay, các bé đang ngày càng khỏe mạnh và phát triển hơn. Tuy vậy, chăm một lúc cả 3 bé cũng rút cạn sức lực của bà mẹ trẻ.
"Đêm mình chỉ ngủ được 2-3 tiếng, ngày thì càng không được ngủ nên thực sự rất mệt mỏi. Ông bà nội ngoại hai bên cũng phải hỗ trợ mình nhiều. Có lúc mình gần như sụp đổ nhưng rồi nhìn các con lại có động lực để cố gắng. Dù thế nào mình cũng vẫn rất hạnh phúc khi ông trời cho mình 3 cô công chúa đáng yêu. Mình nghĩ chỉ cần cố gắng thêm 1-2 năm nữa là mọi chuyện sẽ ổn hơn", chị Nguyệt nói.