Rạch (cắt) tầng sinh môn khi sinh nở là một thủ thuật được áp dụng phổ biến giúp chị em phụ nữ sinh con một cách dễ dàng và suôn sẻ hơn. Nhưng cảm giác đau rát, khó chịu sau khi sinh có thể trở thành nỗi ám ảnh với các mẹ.
Chăm sóc đúng cách tầng sinh môn sau sinh là kiến thức mọi phụ nữ cần biết để tránh nhiễm trùng và tăng tốc độ chữa lành các cơ trực tràng và vùng chậu.
Rạch (cắt) tầng sinh môn khi sinh nở là một thủ thuật được áp dụng phổ biến giúp chị em phụ nữ sinh con một cách dễ dàng và suôn sẻ hơn. Bởi nếu tầng sinh môn không giãn nở được, khi sinh rất dễ bị rách, gây tổn thương đến bộ phận sinh dục.
Với mẹ bầu chọn sinh thường thì rạch và khâu tầng sinh môn là khó tránh. Thế nên, cảm giác đau nhức, khó chịu ở tầng sinh môn là nỗi ám ảnh, nghĩ đến là lạnh sống lưng của nhiều chị em. Chuỗi ngày thường xuyên trong trạng thái bí bách, ê ẩm, khó chịu khi đi vệ sinh, đi ngủ, lúc ngồi hay đứng… sẽ là trải nghiệm nhớ đời. Và tâm lý, việc chăm sóc bé yêu cũng không thể chu toàn được nếu gặp rắc rối với vết thương như: vết khâu tầng sinh môn bị rát…
Làm gì để giảm đau và giúp tầng sinh môn chóng lành?
- Một gói chườm lạnh sẽ giúp đáy chậu giảm sưng một cách hiệu quả. Vì vậy, hãy sử dụng “bảo bối” này trong vòng 24 – 72 giờ đầu tiên, tùy thuộc mức độ giảm sưng. Hoặc có thể dùng một viên đá được bọc bằng khăn mềm, hay lấy một ngón tay của găng tay dùng một lần rồi đổ đầy nước và bỏ ngăn đá đến khi đông lạnh.
Chườm đá sẽ giúp vết thương giảm đau và đỡ sưng hơn. (Ảnh minh họa)
- Dùng ibuprofen hoặc acetaminophen để giảm đau. (Đừng dùng aspirin nếu bạn cho con bú). Nếu bạn bị rách tầng sinh môn, bạn cần dùng thuốc theo kê toa của bạn sĩ.
- Chú ý vệ sinh cơ thể đúng cách để tránh nhiễm trùng. Rửa sạch vùng hạ bộ dưới bằng xà phòng nhẹ hoặc nước rửa “vùng kín” không mùi, sau đó lau khô bằng khăn mềm, sạch hoặc khăn giấy dùng một lần.
- Lau từ trước ra sau khi đi tiểu hoặc “đi nặng” để tránh đưa vi trùng từ trực tràng vào vùng âm đạo. Hoặc nên rửa cẩn thận tầng sinh môn để giữ vệ sinh, tránh nhiễm trùng. Đáy chậu là khu vực cực nhạy cảm, nước mà tay bạn sờ thấy ấm thì có thể là khá nóng nếu dùng để rửa vùng đặc biệt này.
- Thay băng vệ sinh tối đa 4 tiếng/ 1 lần, vì để quá khoảng thời gian trên, âm đạo dễ sinh ra vi khuẩn gây viêm nhiễm và nấm ngứa. Và hãy nhớ luôn rửa sạch tay trước khi vệ sinh.
Chú ý thời gian thay băng vệ sinh để tránh viêm nhiễm. (Ảnh minh họa)
- Tranh thủ nghỉ ngơi khi có thể. Không nên giữ quá lâu một tư thế đứng hoặc ngồi bởi đứng quá lâu dễ dẫn đến sưng và tăng đau, khó chịu; còn ngồi mãi một vị trí có thế làm tắc nghẽn máu trong khu vực âm đạo. Lúc nằm cũng chú ý thay đổi tư thế, có thể gác chân nên một cái gối. Đặc biệt, khi ngồi, mẹ hãy siết chặt mông để các mô tế bào chụm lại ở vùng đáy chậu để vết khâu không bị kéo căng hoặc giãn ra.
- Tắm nước ấm hoặc ngâm mình trong bồn nước ấm sau 24h sinh. Thực hiện 2 lần mỗi ngày, mỗi lần không quá 20 phút. “Tắm Sitz”- “tắm ngồi” là một giải pháp hay giúp bạn giảm đau vùng hậu môn hoặc quanh “vùng kín” nhiều lần trong ngày mà không cần phải đổ nước đầy bồn và cũng không nhất thiết phải cởi bỏ quần áo.
“Tắm ngồi” là một giải pháp hay giúp bạn giảm đau vùng hậu môn hoặc quanh “vùng kín”. Ảnh minh họa)
- Hạn chế mặc đồ lót và để lộ mũi khâu ngoài không khí trong khoảng 10 phút. Một ngày khoảng 1-2 lần. Và đồ lót mặc nên làm bằng chất liệu cotton để thấm hút mồ hôi.
- Không tự ý thụt rửa hay chà xát âm đạo.
Lưu ý: Nếu bạn có hiện tượng bị táo bón thì nên uống nhiều chất lỏng và thêm chất xơ vào khẩu phần ăn hàng ngày. Có thể dùng thuốc làm mềm phân ngay sau khi bạn sinh và tiếp tục trong vài tuần. Tuyệt đối không dùng thuốc xổ hay các phương pháp điều trị trực tràng khác…
Khi nào nên gọi bác sĩ?
Hãy gọi cho bác sĩ hoặc người chăm sóc y tế nếu bạn bị đau, sưng kéo dài và ngày càng nặng hơn. Hoặc có cảm giác căng kéo đáy chậu làm cho di chuyển và đi bộ khó khăn.
Bạn cũng nên tham vấn ý kiến chuyên gia nếu bị sốt hoặc có các dấu hiệu nhiễm trùng khác như: âm đạo chảy nước có mùi hôi, chảy máu…
Cục máu đông xuất hiện sau khi ngồi hoặc nằm yên trong một thời gian dài. Nó có thể là bình thường. Tuy nhiên, nếu xuất hiện nhiều hoặc tiếp tục tăng thì bạn nên đến gặp bác sĩ.
Bị sốt cao sau khi sinh có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng. (Ảnh minh họa)
Khi nào có thể “yêu” trở lại?
Nếu bạn không bị rạch và không bị khâu tầng sinh môn khi sinh, bạn có thể làm “chuyện ấy” sau vài tuần, khi đã ngưng chảy máu âm đạo.
Nếu bạn bị rạch và phải khâu thì nên đợi vết thương được chữa lành hoàn toàn. Nhiều phụ nữ phải mất ít nhất 6 tuần hoặc hơn để vùng âm đạo và đáy chậu của họ “có cảm giác” và thoải mái trở lại.
Khi lần đầu quan hệ trở lại sau sinh, bạn có thể cảm thấy đau và căng thẳng. Để cả 2 cùng vui vẻ, hãy cố gắng thư giãn càng nhiều càng tốt, thực hiện màn dạo đầu “chất lượng” hơn và có thể sử dụng chất bôi trơn tan trong nước. Những mẹo hay sẽ đặc biệt hữu ích nếu bạn đang cho con bú, vì khi cho con bí, nồng độ estrogen của bạn sẽ giảm, dẫn đến khô âm đạo. Dùng chất bôi trơn khi quan hệ tình dục cho đến khi ngừng cho con bú là ý tưởng tuyệt vời!