Hành trình mang thai 3 của chị Minh gặp không ít khó khăn nhưng vẫn chưa thấm vào đâu so với nỗi vất vả sau khi sinh.
3 "công chúa" nhỏ Bảo Anh, Bảo Vy, Bảo Yến của gia đình chị Minh đã được 5 tháng tuổi.
Nhìn những đứa trẻ sinh đôi hay sinh 3 giống nhau cực kỳ đáng yêu, nhiều chị em ao ước được mang đa thai như vậy để "một lần là xong nhiệm vụ". Tuy vậy, chỉ có ai trải qua mới hiểu được "một lần" đó chứa đựng nhiều nỗi khó khăn, vất vả đến thế nào.
Như câu chuyện của chị Lê Minh (33 tuổi, hiện đang sống tại Củ Chi, TP.HCM), đến nay khi 3 cô "công chúa" đã được 5 tháng tuổi, chị vẫn nhớ như in từng giây phút thai kỳ tràn ngập lo lắng, căng thẳng và những lần tuyệt vọng đến mức muốn từ bỏ khi chăm các con sinh non.
Mang bầu 3 sau 6 năm hiếm muộn, quyết giữ thai dù mẹ con cùng phải chết
Ngay sau khi kết hôn, vợ chồng chị Minh đã muốn có con nhưng ước mơ không thành. Hai anh chị chạy chữa khắp nơi, dùng đủ thứ thuốc mà 6 năm ròng vẫn chưa có "tin vui". Đến năm 2018, vợ chồng chị quyết định thực hiện thụ tinh ống nghiệm (IVF)
"Quyết định thực hiện IVF là mình bắt đầu bước vào cuộc chiến. Khi đó, mình phải sử dụng thuốc nội tiết, kích trứng nên cơ thể rất khó chịu, bụng đau tức. Mình hút được 8 trứng, tạo 7 phôi và chuyển 2 phôi luôn. Sau khi chuyển phôi về, mình gần như chỉ nằm và đi lại nhẹ nhàng. Nôn nóng có con nên mình mua tới 50 que thử, sau ngày thứ 3 là cứ thử liên tục dù biết chưa thể có kết quả. Tới ngày thứ 5 sau chuyển phôi thì 2 vạch bắt đầu xuất hiện, ban đầu nhạt dần và rồi đậm hơn, cũng như niềm tin và hy vọng của vợ chồng mình vậy", chị Minh kể lại.
Dù biết mang bầu 3 sẽ gặp nhiều khó khăn, chị Minh vẫn quyết tâm giữ con.
Ngày đi xét nghiệm beta, kết quả "cao vút" khiến chị Minh hạnh phúc khôn xiết, nghĩ mình đã đậu thai đôi. Nhưng trong lần siêu âm đầu tiên sau đó 2 tuần, bác sĩ lại thông báo có đến 3 tim thai, khuyên nên giảm 2 thai và chỉ giữ 1.
"Về nhà mình bắt đầu lo lắng và bối rồi, người thì khuyên nghe bác sĩ, người thì kêu để lại. Mình nghĩ suốt 1 tuần rồi quyết định sẽ không giảm thiểu thai. 4 mẹ con mình sẽ cùng chiến đấu. Thật sự lúc đó mình nghĩ cùng lắm là 4 mẹ con cùng chết", chị Minh tâm sự.
Mang bầu khổ như "trời đày", khóc nức nở xin bác sĩ mổ sớm
Sau quyết định giữ lại cả 3 thai là những tháng ngày mang bầu đầy khổ sở của chị Minh. Suốt giai đoạn đầu thai kỳ, chị chủ yếu là nằm và đi nhẹ trong nhà. Mỗi tuần chị xuống bệnh viện khám 1 lần và hằng ngày phải chích bụng, truyền nước. Nhiều lần ra máu dọa sảy, chị lại phải tức tốc xuống gặp bác sĩ truyền thuốc đặc trị. Khó khăn, đau đớn, tốn kém là vậy nhưng chị Minh tâm sự chị thấy mình vẫn may mắn hơn nhiều người vì chuyển phôi lần đầu đã đậu.
Đến tuần thứ 14, bụng chị Minh đã to và khá nặng nề. Chị phải đặt vòng nâng tử cung và mang đai đỡ bụng liên tục, trừ khi nằm. Bắt đầu từ đây, thai kỳ của chị cũng càng khó khăn hơn.
Cả thai kỳ, chị Minh gần như "sống trong nước mắt" vì quá căng thẳng, đau đớn.
"Lúc này dây chằng bắt đầu căng, các con chèn lên nội tạng khiến mình mệt mỏi. Từ tuần 26 là mình đi lại khó khăn, chỉ lết, rất đau đớn. Nằm, ngồi, đứng đều không được vì các con cứ gò cừng bụng. Mình chỉ biết khóc, tâm trạng rất căng thẳng và đã có lúc nhụt chí.
Đỉnh điểm của mất ngủ và đau thể xác bắt đầu từ tuần 28, khi các con đã chèn cứng nội tạng, xương sườn. Mỗi bước chân lê đi mình phải có chồng đỡ. Mình cũng không ăn được gì, mỗi bữa chỉ lưng chén cơm", chị Minh miêu tả lại thai kỳ của mình.
Thậm chí lúc này, vì quá đau đớn, mệt mỏi nên chị Minh đã khóc lóc cầu xin bác sĩ mổ lấy thai. Tuy vậy, bác sĩ động viên chị cố gắng chịu đựng thêm vì các bé còn quá nhỏ, chào đời sớm sức đề kháng sẽ kém và khó nuôi.
Chị Minh cố giữ các con đến 33 tuần mới mổ bắt thai.
Chị Minh cố gắng đến 30 tuần thì bụng đã căng nứt và có dấu hiệu ra dịch đỏ nên được chồng chở đi cấp cứu. Vậy nhưng bác sĩ vẫn nói cơn gò còn ít, chỉ cần nằm viện 1 ngày rồi lại về dưỡng thai tiếp. Đồng nghĩa với việc những ngày "sống trong nước mắt" của chị lại tiếp tục.
Đến 33 tuần, 3 bé thúc tử cung liên tục khiến chị Minh bị gò cứng bụng, không làm gì được. Đến 19/11/2018, chị được đưa vào phòng cấp cứu và bác sĩ chỉ mình mổ gấp vì tử cung sắp vỡ. 4 giờ 25 phút ngày 20/11, ba bé gái Bảo Anh, Bảo Vy, Bảo Yến chào đời với cân nặng lần lượt là 1,8kg, 1,2kg và 1,6kg.
Dù trong ca mổ, chị Minh hoảng hốt đến mức huyết áp tăng cao, từ gây tê bác sĩ phải chuyển sang gây mê nhưng sau tất cả, 4 mẹ con đã "cán đích" an toàn.
Chị hai Bảo Anh.
Chị ba Bảo Vy.
Em út Bảo Yến.
Chăm 3 con sinh non vất vả đến mức suy nhược, từng muốn tự tử
Sau khi sinh mổ, chị Minh mất rất nhiều máu do tử cung giãn quá nhiều không co lại được. Chị được bác sĩ truyền 2 lít máu rồi đưa về phòng hồi sức, liên tục truyền thuốc trong khi người sốt cao. 4 ngày sau sinh, chị vẫn chưa đi được, đầu cũng luôn đau do vừa gây tê tủy sống vừa gây mê. Vậy nhưng ca sinh mổ "thập tử nhất sinh" ấy vẫn chưa thấm tháp gì với những vất vả của chị sau này khi phải chăm cùng lúc ba đứa trẻ sinh non.
Khoảng 1 tuần sau khi xuất viện, chị Minh được bệnh viện gọi lên để ấp con. Trẻ sinh non phải ấp ở khoa kangaroo, các điều dưỡng sẽ hướng dẫn cách chăm, vì bé rất dễ bị tím tái, sặc sữa. Nuôi 1 đứa trẻ sinh non bằng 3 đứa trẻ sinh thường nên chị Minh rất cực, phải ấp con trên ngực 24/24, cho ăn bằng thìa, massage, cẩn thận từng li từng tí.
Ban đầu các bé rất khó nuôi khiến chị Minh vất vả.
Và rồi lần lượt từng bé phát triển tốt hơn và được bác sĩ cho về nhà. Đây cũng là khi gia đình chị Minh phải đối mặt với việc tập trung tất cả mọi người lại để xoay quanh cuộc sống của 3 đứa trẻ sinh non và bản thân chị Minh, sức khỏe yếu ớt nhưng không có nổi một ngày được nghỉ ngơi nên rơi vào khủng hoảng.
"Cả mình, mẹ, chồng và chị chồng chỉ tập trung chăm 3 đứa con và làm việc nhà, nấu cơm nước thôi mà không xuể. Mình thiếu ngủ, thức đêm triền miên, stress, lại mất máu, phải uống kháng sinh nhiều nên không có nổi sữa. Mỗi lần nghe tiếng con khóc, mình run người tức giận, rồi lại sợ hãi vô cùng. Thậm chí đã có lúc mình từng nghĩ muốn quăng con, cho người khác nuôi… nhưng may mắn là sau đó mình đã lấy lại được bình tĩnh, không làm hại đến con.
Đến nay các bé đã ngoan ngoãn và phát triển tốt hơn.
Sau sinh, các mẹ khác được tẩm bổ, nghỉ ngơi, được thoa gừng nghệ, được ở cữ đúng nghĩa thì mình lăn xả ở bệnh viện để ấp con, về nhà cũng quần quật, chẳng kiêng cữ được một chút nào. Vậy nên cho đến bây giờ, cột sống của mình đang rất đau, hai đầu gối nhức không đi được, nội tiết rối loạn, 4 tháng rồi mà chưa hết dịch sản. Mình phải đi hút sản dịch ở phòng khám sản. Mẹ mình già, chồng mình là đàn ông nên không nhẹ nhàng, khéo léo chăm con được nên mọi việc đều đến tay mình. Ngày nào cũng là vệ sinh 3 đứa 3 lần, uống thuốc, pha sữa, hấp bình…, không có thời gian để thẳng lưng nổi 5 phút. Các bé sinh non thì rất khó nuôi, hay khóc, ăn vào là nôn và không lên cân. Mình lúc đó như sắp gục", chị Minh nhớ lại những ngày mới đón con từ viện về.
Khi chị Minh về nội, các cô giúp chăm con để chị nghỉ ngơi nhiều hơn.
Khi thấy chị Minh quá mệt mỏi, mẹ chỉ phải nhờ hai người chị ở quê vào giúp chăm các bé. Từ đó, tâm trạng của bà mẹ mới sinh đỡ căng thẳng, stress hơn.
"Khi các bé được hơn 4 tháng thì mình cho về nội. Lúc này cuộc sống mới tạm cân bằng lại. Về nội được các cô và bà nội chăm con giúp, mình mới có một ngày để đi chơi và spa sau hơn 1 năm làm bạn với 4 bức tường. Các con lớn cũng ngoan và chịu ăn hơn, bắt đầu tăng cân đều nên mình đỡ mệt hơn", chị Mình tâm sự.
Dù hành trình mang thai, sinh nở rồi sau sinh của chị Minh đều chẳng hề dễ dàng nhưng với chị, không điều gì trên đời có thể đánh đổi với 3 cô "công chúa" Bảo Anh, Bảo Vy, Bảo Yến. Nghe tiếng khóc, tiếng cười của các con, chị hiểu rằng mọi sự hy sinh của bản thân mình đều xứng đáng.