Nếu như với nhiều cặp đôi không có con thường nghĩ đến chuyện chia tay hay người chồng chán nản, ngoại tình thì suốt 14 năm, anh Bình luôn chăm sóc, chiều chuộng và động viên vợ hết lời.
Đối với cặp vợ chồng lớn tuổi này thì hạnh phúc là những tháng ngày dù có khó khăn nhưng không bao giờ bỏ cuộc trên hành trình tìm con thơ.
Hiếm muộn nhưng may thay không bị chồng và nhà chồng gây áp lực
Cũng giống như rất nhiều cặp vợ chồng khác, sau ngày cưới anh Bình (sinh năm 1970 tại Hải Phòng) và chị Tâm (sinh năm 1981 tại Thái Bình) liên tục nhận được những lời hỏi thăm như: “Có bầu chưa?”, “Có tin vui chưa?”, “Bao giờ sinh quý tử?”.. từ anh em, bạn bè đến làng trên xóm dưới. Những ngày đầu anh chị coi sự quan tâm đó là lời hỏi thăm chân tình, càng về sau do bị hỏi quá nhiều mà biến thành áp lực tâm lý khiến cuộc sống của cặp vợ chồng son chưa kịp ngọt ngào đã chao đảo.
Vợ chồng chị Tâm luôn mong mỏi tiếng cười trẻ thơ trong nhà suốt 14 năm. (Ảnh minh họa)
Được biết, chị Tâm và anh Bình cưới nhau đã nhiều năm, do không còn trẻ nên anh chị xác định sau ngày cưới sẽ có sinh con luôn. Thế nhưng, khoảng nửa năm sau ngày cưới, chị vẫn chưa có tín hiệu có em bé, hai vợ chồng bắt đầu cảm thấy hoang mang.
Và cứ thế năm tháng trôi qua, anh chị vẫn bặt vô âm tín về chuyện con cái. May mắn thay số phận cho chị về làm dâu gia đình cực kỳ bao dung và rộng lượng. Anh chị lâu sinh em bé nhưng bố mẹ chồng chưa bao giờ nhắc hay hỏi quá nhiều về việc sinh con. “Bố mẹ chồng mình dù cũng mong có cháu bế nhưng rất tâm lý, chỉ khuyên hai vợ chồng cứ cố gắng chứ cũng không gây áp lực. Chồng mình thì cũng chẳng nói gì nhiều, nhưng luôn bên cạnh mình trong suốt quá trình tìm con”, chị Tâm tâm sự.
Chữa vô sinh bất thành nhưng luôn được chồng yêu thương hết mực
Sau thời gian sinh hoạt tự nhiên con vẫn chưa chịu về, anh chị tìm đến y học hiện đại. Đến bệnh viện nào anh chị cũng không nhận được câu trả lời về nguyên nhân không thể có con, anh chị bắt đầu tìm hiểu về các phương pháp hỗ trợ sinh sản như IVF, IUI…
Với chị Tâm, chừng ấy thời gian đi tìm con là chặng đường tuy dài nhưng chị chưa bao giờ cảm thấy cô đơn, bởi chị có người đồng hành tri kỷ luôn sát cánh. Ngày hôm nay, khi ngồi đây trải lòng mình với chúng tôi, chị không quên nhắc đi nhắc lại rằng: “Trong thời gian này, anh luôn kề cận bên cạnh để nói chuyện hay nghe mình tâm sự, vì anh sợ mình nản lòng hay nghĩ ngợi. Nếu những người phụ nữ hiếm muộn ngoài kia bị gia đình dè bỉu, xã hội dị nghị thì mình lại được chồng và gia đình nội ngoại dành tình cảm yêu thương hết mực. Chỉ nghĩ đến điều đó thôi, mình vô cùng cảm động, nhiều khi rơm rớm nước mắt vì nghĩ mình vẫn còn may mắn hơn nhiều người”.
Tuy muộn con nhưng cả chồng và gia đình chồng luôn yêu thương,động viện chị Tâm. (Ảnh minh họa)
Năm 2017, chị Tâm làm IUI nhưng không thành công. Năm 2018, chị quyết định làm IVF ở Trung tâm hỗ trợ sinh sản của một bệnh viện ở Hà Nội.
Sau khi thăm khám, lên phác đồ, chọc trứng mọi thao tác được diễn ra suôn sẻ và chị đã chuyển phôi thành công.
Trong quá trình thực hiện IVF, khó khăn của bệnh nhân cũng là khó khăn của bác sĩ, và hạnh phúc của bệnh nhân, đối với bác sĩ cũng là thành quả lớn lao. Nhớ lại ký ức đã qua, chị Tâm chia sẻ: “Từ lúc chuyển phôi đến lúc xét nghiệm beta, ngày nào trong lòng mình cũng như lửa đốt. Dù mình đã cố không hy vọng vì sợ sẽ buồn, nhưng vẫn hồi hộp lắm. Chồng mình cũng vậy, chỉ có điều anh cố không thể hiện ra ngoài để cho mình yên tâm.”
Hái quả ngọt khi tuổi đã gần xế chiều
Quá trình mang thai của chị Tâm khá suôn sẻ, do luôn có người chồng tâm lý và hết lòng chiều vợ ở bên. Chị vẫn đi làm, sáng anh chở đi, chiều chở về, đều đặn như thế. Thèm ăn gì anh cũng đi mua và luôn làm chị vui. Mang thai tuy mệt mỏi, nhưng chị hạnh phúc vì được chồng yêu thương, vả lại còn sắp gặp được con nữa.
Ngày 3/3/2018, chị Tâm hạ sinh một bé gái vô cùng đáng yêu và lanh lợi. Cho đến giờ, khi nhắc lại, chị vẫn không thể quên được cảm xúc vỡ òa của ngày hôm ấy. “Bế con trên tay, cả anh và chị đều nghẹn ngào, rưng rưng nước mắt”, những giọt nước mắt đong đầy hạnh phúc vì từ đây, chị biết gia đình chị sẽ luôn rộn rã trong tiếng cười.
"Trái ngọt" tuổi xế chiều của vợ chồng chị Tâm. (Ảnh: NVCC)
Từng ngày chăm con, lòng chị thấy ấm áp lạ thường. “Trộm vía bé ngoan và lanh lợi lắm, bố mẹ nói là biết nghe và nghe lời ngay", chị Tâm không giấu được cảm xúc.
Tình yêu của anh Bình và chị Tâm nghe kể thì giản đơn mà bên trong sâu sắc nhường nào. Không nói lời hoa mỹ, không hẹn thề non biển, chỉ lẳng lặng bên nhau dù hạnh phúc hay khổ đau, dù ấm êm hay trắc trở.
Từ những sẻ chia mộc mạc của anh chị, có thể thấy, trên hành trình tìm kiếm tiếng cười con trẻ của những người hiếm muộn, cần lắm sự cảm thông của gia đình, đặc biệt là người bạn đời. Bởi lẽ, đã rơi vào cảnh hiếm muộn, dù là đàn ông hay phụ nữ đều rất dễ bị tổn thương.