Mẹ Việt tấm tắc khen 10 điều khi đi đẻ ở Nhật, chồng được nghỉ 1 tháng chăm vợ vẫn có lương

Thảo Nguyên - Ngày 11/01/2023 14:00 PM (GMT+7)

Thủy Phạm - mẹ 2 con đang sống tại tỉnh Saitama, Nhật Bản chia sẻ về hành trình mang bầu, đi đẻ và ở cữ của mình tại đất nước mặt trời mọc.

Nhiều năm sinh sống, làm việc và từng 2 lần sinh con tại Nhật Bản, chị Phạm Thị Thu Thuỷ, 30 tuổi luôn cảm thấy thoải mái và hạnh phúc vì những dịch vụ dành cho mẹ bầu và sau sinh chuyên nghiệp tại xứ sở hoa anh đào.

Cùng nghe bà mẹ 2 con đang sống tại tỉnh Saitama, Nhật Bản chia sẻ về hành trình mang bầu, đi đẻ và ở cữ của mình tại đất nước mặt trời mọc.

Mẹ Việt tấm tắc khen 10 điều khi đi đẻ ở Nhật, chồng được nghỉ 1 tháng chăm vợ vẫn có lương - 2

Gia đình nhỏ nhà chị Thủy đang sống tại tỉnh Saitama, Nhật Bản. (Ảnh: NVCC)

Gia đình nhỏ nhà chị Thủy đang sống tại tỉnh Saitama, Nhật Bản. (Ảnh: NVCC)

Chào Phạm Thủy, hiện nay bạn sinh em bé thứ 2 bao lâu rồi?  

Mình đã sinh bé được hơn 2 tháng. Mọi người nói con gái ngoan hơn con trai nên trộm vía con ăn ngủ cũng có giờ giấc, mẹ ở cữ đỡ mệt hơn. Con biết hóng chuyện, ê a với mọi người và rất hay cười.

Vợ chồng bạn sau sinh con đầu lòng bao lâu thì đón nhận tin vui?  

Khi bé lớn được 2,5 tuổi thì mình mang bầu bé 2. Biết có bầu tập 2 vợ chồng hạnh phúc nhưng rất lo lắng vì kế hoạch tới năm sau nên mình đã uống thuốc tránh thai khẩn cấp và cũng đã có kinh nguyệt. Đến lúc nghén em tưởng bị trào ngược dạ dày tái phát nên đi khám bác sĩ, uống thuốc mất 1 tuần thì mình mua que thử và phát hiện đã mang bầu. 

Cả thai kỳ Thủy tăng được 11kg. (Ảnh: NVCC)

Cả thai kỳ Thủy tăng được 11kg. (Ảnh: NVCC)

Bầu tập 2, bạn có thấy khác nhiều với bầu tập 1? 

Khác biệt lớn nhất khi bầu tập 2 là mình bị nghén khá nặng đến tháng thứ 7. Nhưng chỉ bị nghén vào buổi tối, ban ngày không sao nên vẫn đi làm được bình thường đến hết 38 tuần. Công việc là nhân viên quán ăn nên mình đi lại khá nhiều, có lẽ vì vậy mà suốt thai kì không bị phù chân như bầu lần 1.

Trong thai kỳ, mình ăn uống bình thường như bao mẹ bầu khác, không kiêng gì, dứa, mướp đắng, măng, dưa cà muối... vẫn ăn 1 chút nếu thèm. Đồ sống hay tái như sushi, sashimi sau 3 tháng mình mới ăn. Ăn nhiều hơn các loại thực phẩm bổ sung sắt như thịt bò, súp lơ, rau chân vịt… uống thêm vitamin tổng hợp dành cho phụ nữ mang thai.

Mình có về Việt Nam thăm gia đình khi đang mang bầu ở tuần từ 28-32, ở Việt Nam đồ ăn rất ngon nhưng do hay bị đầy bụng nên cũng không ăn được nhiều. Cả thai kỳ mình tăng được 11kg, em bé nặng hơn 3,5kg.

Bạn chia sẻ về ngày đi đẻ của mình ở Nhật Bản?  

Khám thai tuần 40, bác sĩ kiểm tra cổ tử cung mình vẫn còn cứng nên có kê thuốc làm mềm tử cung. Uống được 2 ngày, kết hợp với việc đi bộ nhiều thì mình có dấu hiệu chuyển dạ. Khoảng 9h tối hôm đó mình bắt đầu đau nhiều nhưng cố gắng đợi cho bé lớn ngủ (có bà ngoại trông), còn chồng gọi điện cho bệnh viên thông báo tình hình.

Khoảng 10h đêm mình nhập viện khi đó mở được 3 phân và đã rỉ ối. 00h bắt đầu có những cơn đau dữ dội, thúc xuống nên được y tá vào kiểm tra thì đã mở được 7 phân liền bảo vợ chồng chuẩn bị chuyển sang phòng đẻ. Chồng mình được mặc đồ bảo hộ và đeo găng tay vào cùng vợ, được sử dụng điện thoại thoải mái chụp ảnh cũng như quay lại quá trình em bé chào đời.

Mẹ Việt tấm tắc khen 10 điều khi đi đẻ ở Nhật, chồng được nghỉ 1 tháng chăm vợ vẫn có lương - 5

Mẹ Việt tấm tắc khen 10 điều khi đi đẻ ở Nhật, chồng được nghỉ 1 tháng chăm vợ vẫn có lương - 6

Mẹ Việt tấm tắc khen 10 điều khi đi đẻ ở Nhật, chồng được nghỉ 1 tháng chăm vợ vẫn có lương - 7

Cuộc vượn cạn của sản phụ này rất thoải mái và nhẹ nhàng, em bé chào đời nặng hơn 3,5kg. (Ảnh: NVCC)

Cuộc vượn cạn của sản phụ này rất thoải mái và nhẹ nhàng, em bé chào đời nặng hơn 3,5kg. (Ảnh: NVCC)

Có 2 bạn y tá trực ngày hôm đó và 1 bác sĩ chính đỡ đẻ cho mình. Gần 2 giờ sáng thì em bé chào đời. Chồng mình ở lại thêm 30 phút thì phải về còn em bé được y tá chăm sóc. Mình nằm tại đó 2 tiếng với gối chườm lạnh ở bụng xong được đưa về phòng nghỉ ngơi. Đến 7h y tá vào hỏi thăm tình trạng, kiểm tra sản dịch và dặn ngày mai có thể tắm được. 8h sáng sau khi ăn sáng xong, mình thấy cơ thể rất khoẻ và không nghĩ bản thân vừa mới sinh em bé mấy tiếng trước.

Từ lâu, Nhật Bản đã nổi tiếng là đất nước có chế độ an sinh xã hội tốt, đặc biệt là chế độ dành cho người già, phụ nữ mang thai và trẻ em. Nhiều mẹ Việt mang thai và sinh con ở Nhật đều tấm tắc khen nơi đây "chẳng khác gì thiên đường". Vậy thực tế đi đẻ ở Nhật có những gì khiến các mẹ thích đến vậy? 

Mỗi người có một cảm nhận khác nhau, mình thấy đi đẻ ở Nhật rất tuyệt.

- Thứ nhất, đồ ăn cho sản phụ rất tuyệt vời, ngon miệng, đẹp mắt. Ngày 3 bữa chính, 1 bữa phụ lúc 3h chiều và 1 chiếc bánh ăn nhẹ buổi tối. Ngoài ra bữa tối ngày thứ 2 sau sinh là bữa chúc mừng với nhiều đồ ăn được bày trí cầu kỳ sang trọng hơn hẳn.

- Thứ hai, phòng riêng cho sản phụ ở viện rất sạch sẽ, tiện nghi.

- Thứ ba, đồ cho em bé gia đình chỉ phải mang 1 bộ đồ xuất viện, còn lại quần áo mặc khi nằm viện, bỉm, sữa, bình sữa và các dụng cụ liên quan được bệnh viện chuẩn bị, nước tiệt trùng bình thay 1 lần/ngày.

- Thứ tư, nhân viên bệnh viện thân thiện, nhiệt tình. Mỗi khi có người mới thay ca sẽ vào giới thiệu, chào hỏi. Họ cũng sẽ trông em bé cho mẹ nghỉ ngơi 1 ngày sau sinh và bất cứ lúc nào mẹ yêu cầu. Khi có sữa, y tá sẽ luôn vào quan sát xem mẹ cho em bé ti có đúng tư thế không. Sẽ cân em bé 2-3 lần/ngày để tính lượng sữa ti được cho đến tận lúc xuất viện. Massage ngực cho mẹ khi bị căng tức sữa.

- Thứ năm, tặng quà cho em bé gồm quần áo, đồ chơi, đồ dùng - mẹ lựa chọn 1 món. Tặng nhiều món dùng thử như bỉm, sữa, dưỡng da cho mẹ và bé, vitamin, phiếu giảm giá…

- Thứ sáu, thời gian sản phụ nằm viện 5 ngày với các mẹ đẻ thường, 7 ngày với các mẹ đẻ mổ.

- Thứ bảy, trước dịch bệnh viện khuyến khích có người thân vào phòng đẻ cùng như hồi đẻ bạn đầu mình có chồng, mẹ đẻ và 1 người em. Sau dịch thì chỉ cho phép 1 người được vào cùng.

Phòng riêng cho sản phụ ở viện rất sạch sẽ, tiện nghi. (Ảnh: NVCC)

Phòng riêng cho sản phụ ở viện rất sạch sẽ, tiện nghi. (Ảnh: NVCC)

- Thứ tám, chi phí đi đẻ tại Nhật khá đắt nhưng được bảo hiểm hỗ trợ. Tổng chi phí đi đẻ của em là 540.000 yên (khoảng 97 triệu đồng) được hỗ trợ 430.000 yên (khoảng 77 triệu đồng). Như vậy vợ chồng mình chỉ còn phải chi trả khoảng 20 triệu đồng.

 - Thứ chín, sau sinh các bà đẻ sẽ nhận được quà chúc mừng từ quận (tuỳ vào tình hình tài chính mà mỗi quận sẽ có phần quà khác nhau).

- Thứ mười, 1 tháng sau sinh sẽ có nhân viên trên quận xuống kiểm tra tình hình em bé, phát phiếu tiêm phòng và hỏi thăm mẹ ở cữ, chăm con như thế nào.

Mẹ Việt tấm tắc khen 10 điều khi đi đẻ ở Nhật, chồng được nghỉ 1 tháng chăm vợ vẫn có lương - 10

Mẹ Việt tấm tắc khen 10 điều khi đi đẻ ở Nhật, chồng được nghỉ 1 tháng chăm vợ vẫn có lương - 11

Mẹ Việt tấm tắc khen 10 điều khi đi đẻ ở Nhật, chồng được nghỉ 1 tháng chăm vợ vẫn có lương - 12

Đồ ăn cho sản phụ sau sinh do bệnh viện nấu rất tuyệt vời, ngon miệng, đẹp mắt. (Ảnh: NVCC)

Đồ ăn cho sản phụ sau sinh do bệnh viện nấu rất tuyệt vời, ngon miệng, đẹp mắt. (Ảnh: NVCC)

Khi ở cữ, bạn có gặp nhiều khó khăn trong việc chăm con nhỏ và chăm sóc bản thân?

Việc chăm sóc em bé 2 tháng đầu gần như không gặp khó khăn. Do quá trình chuyển dạ diễn ra nhanh, đau ít, mất máu ít hơn lần 1 nên sức khoẻ của mình hồi phục nhanh. Gia đình mình cũng đón được bà ngoại sang giúp đỡ, anh xã được nghỉ chế độ chăm vợ đẻ 4 tuần hưởng 67% lương và không phải đóng các khoản thuế phí. Mình cũng đã có kinh nghiệm chăm sóc em bé nên không gặp khó khăn gì.

Khó khăn lớn nhất chỉ đến từ bạn lớn đang trong giai đoạn khủng hoảng tuổi lên 3 nên rất ương bướng, khó bảo, hay la hét, nửa đêm dậy khóc đòi mẹ. Con đang đi nhà trẻ mà ở trường thì có nhiều dịch bệnh, mỗi lần cô giáo nói ở trường đang có dịch này dịch kia là mình rất lo lắng.

Ở cữ ở Nhật, mẹ bỉm sữa như bạn có phải kiêng khem nhiều? 

Sau sinh ở Nhật, mọi người không có thời gian ở cữ dài cũng như kiêng khem quá nhiều thứ như ở Việt Nam. Đa phần các gia đình chỉ có 2 vợ chồng tự xoay sở, không có bà nội bà ngoại thay nhau trợ giúp.

Một phụ huynh ở lớp bạn lớn của mình 1 tuần sau sinh (bao gồm cả 5 ngày trong viện) đã ra ngoài đưa đón con đi học mà không phải che chắn kín, bịt tai đội mũ. Trong bệnh viện tá cũng không hề dặn mẹ phải kiêng ăn gì hay không nên làm gì.

Với em bé thì bệnh viện có dặn là tháng đầu tiên ở trong nhà không nên cho bé ra ngoài. Mình cũng thường xuyên bắt gặp hình ảnh những đứa trẻ còn rất nhỏ (trong cữ) được bố mẹ đưa đi siêu thị mà không cần đội mũ, đeo bao tay hay tất.

Ngoài ra, việc ăn uống sau sinh cũng không có gì đặc biệt, miễn sao mẹ ăn uống được đa dạng thực phẩm. Uống nhiều nước và quan trọng là phải cho em bé bú đều.

Do không tăng cân nhiều nên mình về dáng khá nhanh, sau 1,5 tháng là đã về với cân nặng trước khi mang thai. Mình nghĩ cái này là do cơ địa thôi vì béo luôn là một trong những ước mơ của mình.

Mẹ Việt tấm tắc khen 10 điều khi đi đẻ ở Nhật, chồng được nghỉ 1 tháng chăm vợ vẫn có lương - 14

Đến khi có con mình mới biết thế nào là yêu thương 1 người thực sự, thứ tình yêu có thể đánh đổi bằng tất cả những gì mình có. (Ảnh: NVCC)

Đến khi có con mình mới biết thế nào là yêu thương 1 người thực sự, thứ tình yêu có thể đánh đổi bằng tất cả những gì mình có. (Ảnh: NVCC)

Khi có con rồi, điều bạn hạnh phúc cũng như lo sợ nhất là gì?

Điều hạnh phúc nhất là mình được làm mẹ của 2 đứa trẻ Kome và Hana. Điều sợ nhất là việc không được ở bên chăm sóc, đồng hành cùng các con.

Thật sự đến khi có con mình mới biết thế nào là yêu thương 1 người thực sự, thứ tình yêu có thể đánh đổi bằng tất cả những gì mình có. Có con thì bận rộn hơn 1 chút, lo lắng nhiều hơn nhưng rất vui và hạnh phúc. Vợ chồng cũng có thêm sợi dây kết nối nên ít giận nhau hơn, có giận cũng nhanh làm hoà hơn. Bản thân mình thấy trưởng thành, có trách nhiệm lên rất nhiều. Con cái luôn là ưu tiên số 1 của vợ chồng mình trong tất cả mọi việc.

Cảm ơn bạn về cuộc trò chuyện thú vị này, chúc bạn và gia đình luôn mạnh khỏe, ăn Tết nguyên đán ở xứ người đầm ấm khi gia đình vừa đón chào thêm 1 thành viên mới! 

Em gái Trấn Thành khoe ảnh cực ngầu dù bầu tháng cuối, thấp thỏm lo đi đẻ đúng mùng 1 Tết
Thời gian thấm thoắt thoi đưa, mới đó mà đã đến lúc Huỳnh Mi chuẩn bị "nhảy ổ" rồi.

Tết nguyên đán

Theo Thảo Nguyên
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Câu chuyện đi đẻ