Nhiều người cho rằng khâu cổ tử cung không khó, mọi bác sĩ sản có thể nhớ được cách khâu nhưng khâu cổ tử cung tốt lại đòi hỏi một người có kỹ năng khâu trong không gian hẹp tốt. Nó giống như bạn khâu một vật qua cái miệng chai vậy.
Khâu cổ tử cung khi mang thai là biện pháp được áp dụng giúp ngăn ngừa nguy cơ sinh non cũng như sảy thai. Phương pháp này được áp dụng đối với những thai phụ bị hở eo tử cung hoặc có cổ tử cung yếu. Đây còn được gọi là phương pháp khâu vòng thu hẹp lỗ cổ tử cung trong lúc mang thai. Hiện nay, phương pháp này vẫn chưa thật sự được nhiều chị em biết đến.
Cùng trò chuyện với bác sĩ sản khoa Hoàng Văn Khanh, hiện đang làm việc tại khoa Khám bệnh – Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, để hiểu thêm về khâu cổ tử cung và những căng thẳng và áp lực với nghề.
Chào anh, được biết trước khi đến với nghề bác sĩ sản khoa, anh đã làm 2 chuyên khoa khác, và rồi anh lại chọn sản phụ khoa vì sao?
Chào bạn, trước khi đến với sản phụ khoa tôi cũng đã từng làm 2 chuyên khoa khác nhau. Nhưng sau tôi lại chọn sản phụ khoa vì tôi suy nghĩ đơn giản chỉ cần có được công việc là tốt, nghề nào cũng được.
Thời gian đầu khi mới vào nghề khá vất vả để hòa nhập do đặc thù nghề nghiệp tiếp xúc toàn với bệnh nhân nữ. Có những thời điểm chán nản tôi cũng đã có suy nghỉ đổi chuyên khoa khác. Nhưng làm nghề gặp nhiều trường hợp, hoàn cảnh bệnh nhân, suy nghĩ của tôi lại thay đổi hẳn. Tôi quan niệm nghề nào cũng được, miễn sao giúp được bệnh nhân thì đều tốt.
Khoa khám nổi tiếng là nơi rất áp lực vì đông bệnh nhân. Anh phải cố gắng mỗi ngày thế nào?
Bệnh viện đúng là công việc rất áp lực, bất cứ ai đã từng qua viện một lần thì đều cảm nhận thấy điều đó. Công việc chính của tôi là siêu âm hình thái, chẩn đoán trước sinh và làm các phẫu thuật hoặc thủ thuật. Bình thường mỗi ngày tôi siêu âm khoảng 30 ca, có ngày đông như các buổi cuối tuần có thể lên đến 40-50 ca.
Do đặc thù là bệnh viện hiếm muộn nên công việc gặp không ít các mẹ bầu song thai, mà siêu âm 1 mẹ bầu song thai thì chắc bằng 3 mẹ bầu thai đơn. Chưa kể đến các ca thai có bất thường nên phải làm kỹ hơn, mất nhiều thời gian hơn. Bản thân tôi nhiều lúc thấy mệt mỏi, nhưng cứ mỗi khi nghĩ đến còn rất nhiều mẹ bầu đang ngồi đợi mình, thậm chí còn đợi quá cả giờ trưa thì tôi lại thấy cái mệt của mình chẳng thấm vào đâu so với các mẹ nên tiếp tục công việc như một sứ mệnh mà mình đã được các mẹ giao cho.
Là một bác sĩ được sản phụ tin tưởng, anh còn được đồng nghiệp đánh giá là chuyên gia khâu cổ tử cung giỏi. Theo anh để khâu cổ tử cung tốt thì cần có những yếu tố nào?
Khâu cổ tử cung (CTC) thật ra không khó. Kỹ thuật khâu bao nhiêu năm nay thì cũng chỉ có 2 cách là MC Donald và Shirodka. Mọi bác sỹ sản có lẽ ai cũng có thể nhớ được cách khâu. Tuy nhiên khâu CTC tốt thì lại cần đòi hỏi một người có kỹ năng khâu trong không gian hẹp tốt. Nó giống như bạn khâu một vật qua cái miệng chai vậy. Chưa kể đến mỗi người lại có 1 bệnh cảnh khác nhau, không ai giống nhau cả. Nên kinh nghiệm khâu nhiều cũng đóng góp phần không nhỏ và sự thành công của một ca khâu.
Mỗi thai phụ đến khâu CTC chắc hẳn là một câu chuyện mang thai và sinh nở phía sau, anh nám ảnh nhất ca khâu CTC nào?
Thật ra ám ảnh thì có lẽ với tôi nó không còn sự ám ảnh nào nữa rồi. Vì mỗi bệnh nhân cấp cứu đến với tôi đều là một ca khó. Khó bởi vì khi đó thai đã to, việc khâu sẽ gặp rất nhiều khó khăn, khó là vì hầu hết bệnh nhân cấp cứu cổ tử cung đều đã mở và tôi lại phải thực hiện kỹ thuật đẩy ối để khâu cổ tử cung lại.
Khó nữa là bởi vì một lần khâu là 1 lần không được sai sót, cái gì sai có thể sửa chứ khâu mà vỡ ối thì không sửa được và em bé sẽ phải sinh ra là điều bắt buộc. Nên dù làm nhiều nhưng với tôi mỗi ca khâu cấp cứu vẫn là một ca rất áp lực.
Đã có ca khâu CTC cho sản phụ nào mà bác sĩ dù cố gắng thực hiện vẫn không thành công chưa?
Việc khâu cổ tử cung cấp cứu vốn dĩ đã rất khó khăn, ngay cả các tác giả nước ngoài khi khâu các ca đã mở thì tỷ lệ thành công cũng không quá cao. Việc khâu không thành công tôi cũng gặp rất nhiều trong quá trình làm việc của mình.
Lý do phần lớn là bệnh nhân đến viện khi đã quá trễ hoặc có tiền sử dị dạng cổ tử cung bẩm sinh khiến cho việc can thiệp rất khó. Khi không giúp được gì cho bệnh nhân thì tất nhiên tâm trạng ai cũng vậy thôi, cảm giác khá hụt hẫng khi không thể làm được gì hơn. Tuy nhiên vẫn còn nhiều bệnh nhân cần sự giúp đỡ của mình nên tôi sớm bình tĩnh để có thể tiếp tục công việc được bình thường.
Bên cạnh những căng thẳng, áp lực, bác sĩ cũng có những niềm vui khi khâu CTC cho các sản phụ?
Phần lớn khi làm xong một ca khó tâm trạng của của ê kíp đều rất vui và luôn mong muốn sản phụ sẽ có được may mắn. Tuy nhiên thì việc đến đích của sản phụ không đơn giản vậy, sau khâu cấp cứu nỗi lo luôn thường trực là bệnh nhân có thể sinh bất cứ khi nào nếu mình không kiểm soát tốt các tai biến sau khâu như chảy máu, nhiễm trùng hoặc việc quan trọng hơn cả là cắt các cơn gò gây chuyển dạ.
Có những bệnh nhân khi tôi về nhà rồi vẫn phải cho thuốc qua điện thoại với khoa điều trị cho bệnh nhân.
Người ta bảo khi khâu CTC phải đúng thời điểm nếu không thai phụ có thể phải đối mặt với biến chứng nguy hiểm. Trước những khoảnh khắc đầy áp lực đó, bác sĩ thường xử lý thế nào?
Khâu cổ tử cung dự phòng tốt nhất là khi 12-16 tuần với bệnh nhân có tiền sử sinh non. Tuy nhiên bệnh nhân của tôi chủ yếu là bệnh nhân thai lớn và cổ tử cung đã rất ngắn, cá biệt còn có những bệnh nhân đã khâu trước đó rồi nhưng không thành công thì tôi vẫn sẽ khâu lại.
Nên có thể nói áp lực với tôi trong mỗi ca khâu là luôn thường trực, tôi đặt rất nhiều niềm tin và tâm huyết vào mỗi ca như vậy. Có thể nói trên hết là tình thương tôi dành cho các bà mẹ và em bé. Đây là cách giúp tôi có thể vượt qua được nỗi sợ hãi.
Với các bệnh nhân của mình, anh sợ nhất điều gì?
Tôi chỉ sợ bệnh nhân mất lòng tin vào bác sỹ, khi mình nói vấn dề theo hướng tích cực nhưng bệnh nhân thì lại không nghĩ vậy. Nguyên tắc của tôi rất cơ bản đó là làm việc dựa trên y học bằng chứng. Cái gì có lợi cho bệnh nhân thì mình sẽ làm. Còn những gì không tốt hoặc có hại tôi sẽ không làm.
Hỏi thật anh có từng nhận phong bì hay quà cảm ơn của các sản phụ dành cho mình không?
Tại viện, việc bệnh nhân mang phong bì cảm ơn bác sỹ sau khi ra viện không phải là hiếm. Nhưng cá nhân tôi luôn có nguyên tắc riêng đó là không lấy tiền của bệnh nhân. Bất cứ bệnh nhân nào biếu quà tôi đều kiểm tra túi quà và trả lại phong bì. Bởi tôi nghĩ đơn giản, bệnh nhân hiếm muộn là những người đã rất vất vả và tốn kém cả tiền bạc lẫn tinh thần rồi, mình không giúp được gì cho họ thì thôi chứ nhất quyết không nhận.
Còn việc các mẹ hay mang quà quê kiểu trái cây hay bánh gì đó... thì không nhận cũng thấy tội cho các mẹ.
Nhiều người cho rằng, bác sĩ sản phụ khoa và chuyên môn khâu CTC hiện nay là nghề hot và cho thu nhập tốt, với bác sĩ thì sao?
Thật ra với bất cứ ngành nghề nào cũng vậy, chỉ cần bạn đủ nhiệt huyết và làm thật tốt việc của mình thì công việc sẽ luôn mang lại cho bạn giá trị tương xứng với sức lao động bỏ ra. Nên theo quan điểm của tôi không có ngành nghề nào là "hot" chỉ có thể là phù hợp hay không phù hợp với mình mà thôi.
Cảm ơn bác sĩ và chúc anh luôn công tác tốt, giúp được nhiều cho các sản phụ mẹ tròn con vuông!