Trải qua suốt hành trình dài đằng đẵng với hơn 6 năm vất vả gian nan, cuối cùng vợ chồng chị M. đã được ôm con trên tay.
Thời điểm này, con đầu lòng nhà chị M. (Hà Nội) đã được 4 tháng tuổi. Mỗi lần vợ chồng ôm con trên tay, bản thân mẹ bỉm vẫn thấy như trong mơ. Bởi sau hơn 6 năm tìm con với quá nhiều vất vả, mất mát và đau đớn, cuối cùng vợ chồng chị M. mới được ôm thiên thần nhỏ trên tay.
Chị M. cho biết, hơn 6 năm kết hôn chị đã từng mang thai 4 lần nhưng cả 4 lần đi sinh là 4 lần đẫm nước mắt vì chưa 1 lần người phụ nữ này được bế con về.
“Mình có tiền sử sinh non nên 4 lần mang thai đều sinh non ở tuần thứ 24-25 của thai kỳ. Cho dù trước đó mình đã được can thiệp khâu cổ tử cung cả đường âm đạo và đường ngả bụng nhưng vẫn thất bại. Điều này khiến mình vô cùng đau đớn”, chị M. nhớ lại.
4 lần đi sinh đều đẫm nước mắt, lần sinh thứ 5 vẫn sinh non nhưng mẹ bỉm mới được bế con về nhờ sợi chỉ thần thánh. (Ảnh minh họa)
Với tình trạng như vậy, vợ chồng chị M. gần như tuyệt vọng. Bản thân chị rất sợ hãi và không dám mang thai thêm lần nào nữa. Hai vợ chồng chị M. đã quyết định từ bỏ và tính đến chuyện chuẩn bị nhờ người mang thai hộ.
Cho đến đầu năm 2022 được đồng nghiệp giới thiệu, chị M. tìm đến Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội. Qua thăm khám, thấu hiểu hoàn cảnh của vợ chồng hiếm muộn, chị M. đã được bác sĩ động viên, tiếp thêm hy vọng. Do đó, chị M. quyết định phá bỏ nỗi sợ hãi sinh non để mang thai lần nữa.
Lần mang bầu thứ 5 này, ngay những ngày đầu tiên bầu bí, chị M. đã được theo dõi thai kỳ và thăm khám rất cẩn trọng. Ở tuần thứ 12, do có dấu hiệu sinh non nên chị đã được khâu cổ tử cung. Sau đó cơ địa có cơn gò sớm nên 20 tuần chị M. phải nhập viện nằm lưu trú để tiện theo dõi thai kỳ, phòng tai biến nguy hiểm có thể xảy ra.
Ngay ở những ngày nằm lưu viện, khoảng thời gian gần mốc sinh non cũ thai phụ này vẫn rất ám ảnh, chật vật để giữ con vì cơn gò xuất hiện nhiều hơn. Nhưng nhờ có sợi chỉ khâu cổ tử cung thần thánh mà cổ tử cung của chị M. vẫn ổn định.
“Gần 29 tuần, mình phải chuyển sang bệnh viện Phụ sản Hà Nội để theo dõi tiếp vì cơn gò nhiều, không cắt được cơn. May mắn mình vẫn tiếp tục giữ được thai”, chị M. cho biết.
Khi mang bầu đến tuần 32, thai phụ này đã được lên bàn mổ và sinh em bé nặng 1,7kg. Sau sinh do sức khỏe con mới sinh còn yếu ớt nên phải nằm viện 1 tháng mới về nhà. Hiện tại em bé sơ sinh nhà vợ chồng chị M. đã được 4 tháng tuổi.
Chia sẻ về niềm vui được ôm con trong tay, chị M. hạnh phúc nói: “Mặc dù kết quả không được mỹ mãn nhưng đây đã là một cái kết đầy hạnh phúc của vợ chồng mình rồi. 4 lần sinh non dù đã khâu eo tử cung nhưng chưa lần nào được bế con mang về. Mỗi lần đi sinh là một lần đẫm nước mắt. Lần thứ 5 vẫn sinh non nhưng có cái khác biệt là được mang con yêu về, được biết thế nào là làm mẹ. Có kết quả mỹ mãn này, tôi phải cảm ơn đội ngũ y bác sĩ của bệnh viện đã tiếp nhận, tận tình giúp đỡ, chăm sóc cho tôi”.
Vì sao một số mẹ bầu có tiền sử sinh non khâu cổ tử cung vẫn thất bại?
Theo bác sĩ Hoàng Văn Khanh - Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội cho biết, khâu eo cổ tử cung là thủ thuật sử dụng để phòng ngừa nguy cơ bị sảy thai hoặc sinh non. Thủ thuật này có tác dụng giúp tử cung bền chắc hơn và không mở dãn quá sớm, giúp cho thai nhi được giữ lâu, tạo điều kiện cho bé trong bụng được phát triển tới 37 tuần.
Phương pháp khâu eo cổ tử cung thường được các bác sĩ chuyên khoa chỉ định thực hiện vào tuần 12 đến 24 của thai kỳ. Khi phụ nữ mang thai, áp lực của túi ối và thai nhi trong tử cung rất lớn. Nếu như eo cổ tử cung giãn nở nhiều sẽ dẫn tới nguy cơ sinh non hoặc sảy thai. Và trong trường hợp này thì khâu cổ tử cung chính là giải pháp hữu hiệu nhất.
Bác sĩ Hoàng Văn Khanh - Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội.
Thực tế rất nhiều mẹ bầu dù được thực hiện khâu vòng cổ tử cung để ngăn ngừa nguy cơ em bé chào đời sớm vẫn sinh non. Nguyên nhân có thể do kỹ thuật thực hiện không đúng hoặc do cổ tử cung của mẹ bầu quá kém. Thậm chí nhiều mẹ bầu khâu đường âm đạo thất bại phải chuyển sang mổ nội soi khâu ngả bụng vẫn thất bại do ối chui qua chân chỉ khâu.
Bên cạnh đó, mẹ bầu cần lưu ý theo dõi sát sao tình trạng sức khoẻ của bản thân và thực hiện thủ thuật này vẫn tuyệt đối phải lưu ý tới lời dặn dò của bác sĩ. Nếu xuất hiện những biểu hiện bất thường như chảy máu âm đạo, cơn gò tử cung, sốt,... cần đến cơ sở y tế ngay. Từ đó có thể được thăm khám kịp thời và tránh tình trạng đáng tiếc xảy ra.