Thai nhi 24 tuần tuổi với dị tật nứt đốt sống đã có cuộc du ngoạn ngắn ngủi khỏi cơ thể người mẹ và được đưa trở lại trước khi ra đời như những em bé bình thường khác.
Mang thai không chỉ là một trải nghiệm đặc biệt, mà còn là nhiệm vụ khó khăn bậc nhất trong cuộc đời một người phụ nữ. Suốt 9 tháng 10 ngày, với hàng loạt những thay đổi từ bên trong cơ thể, những biến cố từ cuộc sống bên ngoài, rất nhiều mẹ bầu đã gặp phải những tình huống không may mắn phải từ bỏ con của mình do những biến chứng khi mang thai.
Lexi Royer, 28 tuổi, người Mỹ chính là một trong số những trường hợp không may mắn ấy. Khi chẩn đoán tiền sản phát hiện tật nứt đốt sống, với tên khoa học là spina bifida, cô đã được yêu cầu phá thai thay vì để thai nhi bị tràn dịch màng não và gặp phải những khuyết tật nghiêm trọng về não bộ sau khi chào đời.
Các bác sĩ có thể phẫu thuật dị tật này cho thai nhi qua cổ tử cung người mẹ nhưng tỉ lệ thành công không cao.
Tuy nhiên, có lẽ bản năng người mẹ mãnh liệt đã khiến Lexi cố gắng giữ con bằng mọi cách. Vì thế, cô đã chấp nhận mạo hiểm thực hiện một ca phẫu thuật đặc biệt sử dụng một công nghệ phẫu thuật mới được nghiên cứu bởi bác sĩ Michael Belford.
Cùng với các cộng sự của mình, bác sĩ Michael Belford đến từ Đại học Y khoa Baylor, Texas, Mỹ đã phát triển một phương pháp phẫu thuật mới, với mục đích đem lại cơ hội sống nhiều hơn cho các em bé không may mắc tật nứt đốt sống khi còn là bào thai trong bụng mẹ.
Vì thế, một ca phẫu thuật hết sức đặc biệt đã được diễn ra. Có lẽ lần đầu tiên trên thế giới, bào thai được đưa ra khỏi cơ thể người mẹ, thực hiện phẫu thuật và đưa trở lại vào tử cung, để sau đó em bé có thể chào đời bình thường như các em bé khác.
Bào thai được đưa ra khỏi bụng mẹ và được bơm khí CO2 trước khi tiến hành phẫu thuật
Trong ca phẫu thuật này, các bác sĩ đã đưa bào thai của Lexi khỏi bụng cô, sau đó, thực hiện những thủ thuật bao gồm bơm khí CO2 vào khiến bào thai căng tròn như quả bóng, sau đó, thực hiện phẫu thuật cho thai nhi qua hai lỗ rất nhỏ trên túi thai bằng các thiết bị nội soi.
Một lỗ nhỏ dùng để đưa camera siêu nhỏ vào bên trong túi thai, nhằm chiếu sáng bên trong túi thai và theo dõi các thủ thuật của bác sĩ, trong khi lỗ còn lại được dùng để đưa các dụng cụ phẫu thuật vào thực hiện thao tác. Được biết, mục đích của việc bơm khí CO2 vào bên trong túi thai là để túi thai phình to hơn, tạo không gian cho phép các bác sĩ thực hiện thủ thuật y tế.
Nhờ phương pháp đặc biệt này, Lexi đã may mắn cứu được em bé của mình khỏi lưỡi hái tử thần.
Nhờ đó, các bác sĩ có thể khắc phục chứng nứt đốt sống ở thai nhi, khiến dịch ối không tràn vào não em bé, và cứu sống em bé khỏi nguy cơ mắc phải các khuyết tật liên quan đến não bộ sau khi chào đời.
Theo chia sẻ của đội ngũ bác sĩ trên tạp chí chuyên khoa về sản phụ khoa Obstetrics and Gynecology, trước khi được thực hiện trực tiếp với trường hợp của Lexi, bác sĩ Michael đã nghiên cứu và thực hiện thủ thuật này suốt 2 năm với thí nghiệm ban đầu là một túi thai giả là một quả bóng cao su chứa một con búp bê bọc trong da gà, sau đó là trên bào thai của một cừu cái.
Cho đến nay, phương pháp phẫu thuật này đã được thực hiện trên 28 trường hợp, đa phần đều có được các kết quả tích cực, trong đó không có trường hợp tử vong nào, chỉ có một vài trường hợp cần thực hiện thủ thuật xả dịch từ não thai nhi.
Thử nghiệm đầu tiên của phương pháp phẫu thuật này được thực hiện với một quả bóng cao su chứa một em bé búp bê bên trong
Phương pháp phẫu thuật này đã đem lại nhiều hi vọng mới cho các mẹ bầu có thai nhi mắc tật nứt đốt sống. Dưới đây là video mô phỏng phương pháp phẫu thuật tuyệt vời này.
Trong số những biến chứng mang thai, tật nứt đốt sống là căn bệnh nguy hiểm với những di chứng nặng nề. Khi mắc tật nứt đốt sống, em bé có thể có nguy cơ bị tràn dịch màng não, có thể gây tổn thương não bộ, động kinh hoặc mù. Một số những bệnh lý thứ yếu khác đi kèm với chứng nứt đốt sống là dị ứng latex, viêm gân, béo phì, bong tróc da, rối loạn hệ dạ dày ruột, khả năng tiếp thu kém, rối loạn vận động (tự ý), trầm cảm, các vấn đề xã hội và tình dục.
Trên thế giới, tỉ lệ mắc bệnh chiếm từ 1-2 bệnh nhân/1000 dân số, thường gặp nhất là ở các nước Bắc Âu. Tỉ lệ này đặc biệt cao nếu mẹ bầu mắc các căn bệnh mãn tính như tiểu đường, tai biến mạch máu não với tỉ lệ là 1/100.
Trước đây, căn bệnh này thường được điều trị bằng cách phẫu thuật cổ tử cung. Tuy nhiên, thực hiện các thủ thuật khi em bé vẫn còn là bào thai trong bụng mẹ ẩn chứa rất nhiều nguy hiểm, đặc biệt là nguy cơ sinh non tăng lên rất nhiều. Với phẫu thuật cho bào thai ra bên ngoài cơ thể người mẹ, bác sĩ Michael đã đem lại hi vọng mới cho các mẹ bầu không may mắn.
>> XEM TIẾP: Chủ quan bỏ qua triệu chứng ngứa khi mang thai, mẹ bầu cẩn thận kẻo mất con
Chuyên mục Bà bầu – nơi cung cấp những thông tin, kiến thức hữu ích về thụ thai, mang bầu, những kinh nghiệm sinh nở cho phụ nữ trước, trong và sau khi có thai. Mời độc giả có những thắc mắc, chia sẻ, tâm sự liên quan đến vấn đề này gửi thư về địa chỉ babau@eva.vn để được chia sẻ, tư vấn từ chuyên gia. |